Ông Nguyễn Quang Dũng, 61 tuổi, ở quận Bình Thủy, Cần Thơ, có tiền sử tăng huyết áp 6 năm, đang điều trị liên tục, được người nhà đưa vào viện lúc 9h ngày 6/4/2020.
Người nhà kể lại, lúc 12h đêm ngày 6/4/2020, ông Dũng đột nhiên cảm thấy tê yếu 1/2 người (P), nói khó, trước đó ông vẫn sinh hoạt bình thường.
Sáng hôm sau, 6/4/2020, ông được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Khi vào viện ông Dũng tỉnh, huyết áp 250/140mmHg, liệt ½ người phải, sức cơ 0/5, nói khó, liệt dây thần kinh VII trung ương phải, giảm cảm giác nông, sâu ½ người phải.
Sau khi chụp kiểm tra CT scan não, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não giờ thứ 9 kèm tăng huyết áp. Ông Dũng được kiểm soát huyết áp tích cực bằng thuốc hạ áp đường tĩnh mạch, đồng thời các bác sĩ kích hoạt quy trình báo động đỏ của đơn vị can thiệp đột quỵ.
CT scan sọ não cho thấy chưa tổn thương. Kết hợp chụp cộng hưởng từ sọ não, ê-kíp can thiệp thuộc Đơn vị can thiệp đột quỵ bệnh viện đã tiến hành sử dụng tiêu sợi huyết cho bệnh nhân lúc 10h ngày 6/4/2020.
CT scan mạch máu não sau sử dụng tiêu sợi huyết phát hiện có hẹp động mạch thân nền 40-50%. Chẩn đoán bệnh ở thời điểm này là: Nhồi máu cầu não trái đã sử dụng tiêu sợi huyết, hẹp động mạch thân nền có tăng huyết áp.
Sáng nay 7/4/2020, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt
Đến sáng nay 7/4/2020, ông Dũng tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, huyết áp 150/80mmHg, vẫn còn yếu ½ người phải, sức cơ tay phải 1/5, chân phải 2/5, nói đớ, liệt thần kinh VII trung ương phải. CT scan sọ não kiểm tra sau 24h không còn xuất huyết não.
Theo TS Hà Tấn Đức - Trưởng Đơn vị Can thiệp đột quỵ, BVĐK Trung ương Cần Thơ nói, trường hợp của ông Dũng nếu tính từ lúc khởi phát triệu chứng đến khi dùng tiêu sợi huyết là 10 giờ.
Yếu tố để chúng tôi quyết định sử dụng tiêu sợi huyết dù đã quá thời gian vàng là sự không tương thích giữa thời gian khởi phát (trên 6h) và hình ảnh trên cộng hưởng từ sọ não.
Tổn thương trên hình ảnh cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân có hệ tuần hoàn tốt và vùng não còn có thể cứu sống được, mặc dù thời gian khởi phát đã lâu.
Đột quỵ đang trở thành nỗi ám ảnh với các gia đình, khi ở Việt Nam ước có hơn 200.000 người đột quỵ/năm, hơn 50% bệnh nhân tử vong hoặc tàn phế.
Trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là vàng, điều này có nghĩa là bệnh nhân phải được điều trị tái thông càng sớm càng tốt.
Đột quỵ não thường gặp 2 thể nhồi máu não (hay tắc mạch máu não chiếm khoảng 80%) và xuất huyết não (hay vỡ mạch máu não chiếm khoảng 20%).
Mục tiêu chính trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp là tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn nhằm cứu lấy vùng nhu mô não đang bị tổn thương.
Trước đây, các phương pháp điều trị cấp bị giới hạn bởi cửa sổ thời gian như thuốc tiêu sợi huyết (trước 4.5 giờ) hay can thiệp mạch máu não lấy huyết khối thường quy (trước 6 giờ).
Đơn vị can thiệp đột qụy thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ là một trong những nơi điều trị tốt cho bệnh nhân đột qụy vì có đầy đủ các phương tiện chẩn đoán, theo dõi, và quy trình can thiệp bao gồm hệ thống CT, MRI, DSA.
Hiện nay, Đơn vị can thiệp đột quỵ đã triển khai đầy đủ các kỹ thuật can thiệp tiên tiến để điều trị cho bệnh nhân gồm: Sử dụng tiêu sợi huyết, lấy huyết khối nội mạch, can thiệp vỡ mạch bằng coil có thể kết hợp đặt stent, thả keo gây tắc mạch cầm máu, phẫu thuật kẹp clip cầm máu, mở sọ giải ép, và hồi sức sau can thiệp đặc biệt là sự phối hợp đồng bộ hiệu quả của các chuyên khoa cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, nội thần kinh, phẫu thuật thần kinh,gây mê hình sức,hồi sức tích cực…
Hơn nữa là trình độ chuyên môn chuyên sâu của đội ngũ bác sĩ can thiệp đột quỵ của bệnh viện luôn sẵn sàng ở mức cao nhất.
Thời gian vàng cho bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não là trong vòng 6 giờ đầu. Đối với các trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện trễ, tùy vào từng trường hợp cụ thể, cửa sổ điều trị có thể mở rộng đến 24 giờ.
Việc mở rộng cửa sổ này dựa trên một số tiêu chuẩn hình ảnh học. Tuy nhiên, một khi có dấu hiệu của đột quỵ người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được tái thông mạch não trong thời gian ngắn nhất bằng các phương pháp phù hợp.