Anh Q. được thành viên cùng tàu sơ cứu, dùng tô nhựa úp vào đoạn ruột bị lòi, dùng bao nylon buộc lại và chuyển vào Trung tâm Y tế Quân dân Y Côn Đảo ở giờ thứ 50.
Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ sơ cứu, chống sốc, truyền dịch, sử dụng thuốc giảm đau, vận mạch, kháng sinh, đồng thời nhanh chóng chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán: Sốc nhiểm khuẩn, nhiễm độc, viêm phúc mạc toàn thể, hoại tử toàn bộ ruột non, vết thương thấu bụng giờ thứ 50.
Khi đến BV, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, mạch nhanh, huyết áp thấp, vết thương thành bụng, lộ quai ruột bên ngoài đang trong giai đoạn hoại tử tím đen, mùi rất hôi.
Nhận định tình trạng tổn thương phức tạp của bệnh nhân diễn tiến nhanh và nguy kịch nên các bác sĩ vừa xử trí cấp cứu, vừa kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện và chuyển bệnh nhân phẫu thuật.
Ê kíp phẫu thuật gồm: BS.CKII Trương Thanh Sơn, Ths.BS Lê Quang Huy (khoa Ngoại Tổng hợp), BS.CKI Lưu Tuyết Kiều (khoa Gây mê hồi sức) thực hiện mở bụng đường giữa trên dưới rốn 15 cm, có nhiều đoạn ruột non hoại tử tím đen, bụng có ít dịch máu đỏ xen kẽ dọc quai ruột.
Thành bụng đường giữa dưới rốn có vết thương thấu bụng khoảng 4cm, đứt cân cơ thẳng bụng. Ruột non đoạn giữa và hồi tràng hoại tử nhiều đoạn. Các bác sĩ tiến hành cắt nhiều đoạn ruột non tổn thương, khâu đóng đầu dưới, đưa đầu trên mở ruột non ra da ở hông trái, khâu vết thương thành bụng, cầm máu...
Quá trình phẩu thuật kéo dài 3 giờ, bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn nguy kịch, được chuyển đến đơn vị hồi sức sau phẫu thuật điều trị tiếp.
Đến ngày 12/10/2023, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, tiếp tục được theo dõi, điều trị tại khoa Ngoại Tổng hợp.
BS.CKII Trương Thanh Sơn, phẫu thuật viên chính cho biết, đoạn ruột hoại tử của bệnh nhân dài gần 2 m, tím đen, quá trình phẫu thuật các bác sĩ cẩn thận, tỉ mỉ khống chế khối máu đông từ vết thương đi vào lòng mạch cũng như khống chế các chất độc từ đoạn ruột hoại tử phóng thích vào máu, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thể cho bệnh nhân.
Mặc dù bệnh nhân đến với bệnh viện khá muộn (ngày thứ 3 sau tai nạn) nhưng may mắn vết thương không ảnh hưởng đến các mạch máu lớn vùng bụng, việc xử trí tốt và chuyển viện kịp thời của tuyến trước nên sức khỏe của bệnh nhân đang dần hồi phục, cải thiện tốt.
Vết thương bụng hở (còn gọi là vết thương thấu bụng) là thương tổn trực tiếp vào thành bụng xuyên thấu từ bên ngoài da đến thủng lớp phúc mạc vào ổ bụng, hoặc gián tiếp đi từ các vùng khác như vết thương ngực – bụng. Tổn thương bụng thường xảy ra do tai nạn giao thông; tai nạn lao động; tai nạn sinh hoạt; tai nạn do bom, mìn, đạn…, hoặc do các vật sắc nhọn gây tổn thương vùng bụng.
Khi có vết thương thấu bụng, đặc biệt có phần tạng lộ ra ngoài: ruột, mạc nối lớn... tuyệt đối không cố gắng đẩy vào trong mà dùng gạc sạch đậy lên trên và cho tưới nước muối sinh lý liên tục. Hoặc có thể dùng tô, chậu nhỏ bằng nhựa, thủy tinh... úp lên trên và giữ kín, điều này giúp hạn chế phần nào sự nhiễm trùng, nhiễm độc, nới lỏng quần áo, thắt lưng, đưa khẩn cấp nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.
Bài viết bạn có thể quan tâm: