Bệnh nhân tên là M.V.V. 54 tuổi, ở An Giang. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm gan siêu vi B cách đây 2 năm tại bệnh viện địa phương, bệnh nhân uống thuốc theo toa kèm thuốc nam tự mua được vài tháng sau đó bỏ trị. Cách đây 3 tháng bệnh nhân được chẩn đoán bị xơ gan, bệnh nhân tự uống thuốc nam không rõ loại.
Trước khi nhập viện 1 tuần bệnh nhân thấy đau lưng nhiều nên đi bác sĩ tư khám bệnh, được chẩn đoán: thoái hóa cột sống thắt lưng, được chích thuốc và uống thuốc giảm đau không rõ loại.
Cách nhập viện 2 ngày, bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém, có nôn ói vài lần ra thức ăn không lẫn máu, tiêu phân đen sệt, tanh 1-2 lần/ ngày, lượng ít, người nhà thấy bệnh nhân ngủ gà, tiếp xúc chậm.
Đến khoảng 4 giờ sáng ngày nhập viện người nhà phát hiện bệnh nhân hôn mê tại giường, lay gọi không đáp ứng nên nhập viện bệnh viện địa phương, chuyển viện Bệnh viện Nhân dân 115.
Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Huyền đang kiểm tra tình trạng bệnh nhân.
Tại khoa Cấp cứu tổng hợp ghi nhận tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện các bác sĩ khám cho thấy bệnh nhân mê sâu, mạch 84 l/p, không phù, niêm hồng nhạt. Tim rõ, phổi âm phế bào đều 2 phế trường. Bụng mềm, gan lách sờ không chạm. chụp CTscan sọ não kết quả cho thấy không ghi nhận bất thường.
Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và nhập khoa Hồi sức tích cực - chống độc tiếp tục điều trị sau đó bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm chuyên biệt và siêu âm bụng cho thấy gan thô, ascite (-)....nên bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê gan/ Xơ gan Child B ; Viêm gan siêu vi B mạn; Xuất huyết tiêu hóa trên nghĩ do loét dạ dày tá tràng; Tăng huyết áp. Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực và điều trị nội khoa.
Sau đó bệnh nhân xuất hiện co giật, tri giác không cải thiện, nghĩ có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ, bác sĩ cho soi đáy mắt kiểm tra và dùng manitol 0,5mg/kg/ 6 giờ (3 ngày).
Tri giác bệnh nhân có cải thiện, tuy nhiên NH3 bắt đầu tăng trở lại, nên bệnh nhân được tiến hành thụt tháo với lactulose lần 2.
Sau 6 ngày điều trị tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt, bệnh nhân tỉnh táo, NH3 máu giảm về gần giá trị bình thường, không thấy dấu hiệu chảy máu thêm, không sốt lại, sinh hiệu ổn. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tự thở được và chuyển khoa Nội tiêu hóa tiếp tục điều trị.
Từ trường hợp trên bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Huyền, khoa Hồi sức tích cực - chống độc khuyến cáo, bệnh nhân hôn mê cần tầm soát các nguyên nhân có thể xảy ra.
Tăng NH3 gợi ý đến bệnh não gan và mức độ tăng NH3 có ảnh hưởng mức độ bệnh não gan, NH3>100umol/l bệnh nhân có khả năng hôn mê gan. Trên bệnh nhân hôn mê gan cần tìm yếu tố thúc đẩy và kiểm soát tốt yếu tố thúc đẩy, đặc biệt là nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, hạ K , táo bón…
Tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống, kết hợp các loại thuốc đông tây y. Cần tránh làm nặng thêm tình trạng suy tế bào gan như dùng chất kích thích, rượu bia, thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, ăn uống dư protein. Ngoài ra cần tránh bị táo bón bằng cách ăn các thực phẩm giàu chất xơ (rau, củ, quả...). Nên chích ngừa vaccin cúm định kỳ để hạn chế bị nhiễm trùng thúc đẩy bệnh nhân vào bệnh não gan. BS Huyền nhấn mạnh.