Bệnh nhân Vũ Thị Phái (sinh năm 1953) ở xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, trụy mạch suy hô hấp, được chuyển thẳng lên khoa Hồi sức tích cực. Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu phổi do tắc mạch phổi toàn bộ. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết cấp cứu.
Sau dùng tiêu sợi huyết 3 giờ, tình trạng huyết áp và oxy máu của bệnh nhân đã cải thiện, giảm tắc động mạch. Sau 2 ngày, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định, có thể đi lại bình thường. Theo các bác sĩ, đây là ca bệnh khó, hiếm gặp, cũng là ca bệnh nhồi máu phổi đầu tiên được điều trị thành công tại đây. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong lớn.
Chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu phổi do tắc mạch phổi toàn bộ.
Theo PGS.TS. BS cao cấp Tạ Mạnh Cường - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, BV Bạch Mai, nhồi máu phổi là sự tắc nghẽn động mạch phổi hoặc một trong các nhánh chính của nó. Nguyên nhân hàng đầu là do cục máu đông từ xa di chuyển tới (trên 90% theo thống kê của các tác giả nước ngoài). Nhồi máu phổi là một biến chứng thường gặp của bệnh nhân tim mạch. Tần suất của bệnh hiện nay có chiều hướng gia tăng do tuổi thọ của con người ngày một cao hơn.
Khi mắc các bệnh nhân thường có các triệu chứng lâm sàng là đau ngực. 60-70% bệnh nhân NMP biểu hiện triệu chứng kinh điển là đau ngực với kiểu đau “viêm màng phổi” và chẹn ngực, đôi khi kèm với ra nhiều mồ hôi, sợ hãi.
Những biểu hiện lâm sàng khiến cho chẩn đoán có thể nhầm lẫn đó là: Đau chân hoặc chân sưng to - biểu hiện ở 25% bệnh nhân NMP; Ho ra máu (khoảng 10%); Nhịp tim nhanh (nhịp nhanh xoang hoặc rung nhĩ); Đau thắt ngực (đau bên phải do tăng công thất phải và thiếu oxy máu); Ngất (do cung lượng tim giảm tạm thời)…
Theo PGS.TS Tạ Mạnh Cường, khi có các biểu hiện trên, cần phải nhập viện cấp cứu tại đơn vị hồi sức tích cực để đánh giá toàn diện và chính xác tình trạng huyết động của bệnh nhân, tùy theo từng trường hợp sẽ được xử lý cấp cứu bằng điều trị triệu chứng (sốc tim, thuốc tăng cường co bóp tim, thở oxy) hoặc điều trị cấp cứu bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc phẫu thuật lấy huyết khối…
Tùy thuộc vào kích thước của cục máu đông và vị trí của nó trong phổi mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể.
- Với những tình trạng nhẹ, phát hiện sớm, bác sĩ có thể dùng một số loại thuốc làm phá hủy các cục máu đông nhỏ như: thuốc chống đông, thuốc tiêu sợi huyết.
- Phẫu thuật có thể được chỉ định để lấy cục máu đông, đặc biệt nếu nó gây cản trở dòng máu đến tim, phổi. Các quy trình phẫu thuật có thể được sử dụng: lưới lọc tĩnh mạch; lấy bỏ cục máu đông, mổ mở.
Sau khi đã được điều trị nhồi máu phổi ở bệnh viện, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị nguyên nhân. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc chống đông để ngăn chặn cục máu đông hình thành trở lại.