Bệnh nhân Phạm Hữu C – 68 tuổi (Bắc Giang) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng thượng vị đột ngột, dữ dội. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã thăm khám, chụp chiếu và làm các xét nghiệm. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân có khối u máu gan trái bị vỡ gây tràn máu ổ bụng, nguy cơ tử vong cao do mất máu.
Trước tình huống bệnh nhân nguy kịch, bác sĩ Lê Tiến Hưng – Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh (Bệnh viện Bãi Cháy) hội chẩn và quyết định thực hiện kỹ thuật nút mạch cầm máu u gan vỡ trên hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).
Bệnh nhân đã qua cơn thập tử nhất sinh và sức khỏe ổn định
Cũng theo BS. Hưng, trước đây, để điều trị u máu gan vỡ, bệnh nhân phải trải qua cuộc đại phẫu nặng nề, mất máu, vết mổ hở gây đau đớn, thời gian nằm viện kéo dài nửa tháng. Nhưng kỹ thuật nút mạch can thiệp thành công giúp bệnh nhân cầm máu tức thì, tránh nguy cơ tử vong, vị trí luồn thiết bị can thiệp kích thước nhỏ như vết tiêm truyền mạch máu, không gây đau đớn, không để lại sẹo, chỉ sau vài ngày bệnh nhân có thể bình phục ra viện”.
Đây là kỹ thuật nút mạch cấp cứu vô cùng phức tạp, đòi hỏi bác sĩ điện quang can thiệp phải có kinh nghiệm và kĩ năng chuyên sâu, bài bản, thiết bị y tế hiện đại đồng bộ giúp bệnh nhân tránh được ca đại phẫu với thời gian nằm viện điều trị dài ngày, nguy cơ tử vong do mất máu.
Trải qua cơn “thập tử nhất sinh”, ông Phạm Hữu C chia sẻ: “Hiện giờ tôi cảm thấy không còn đau đớn nữa, ăn uống tốt. Sức khỏe của tôi đang dần bình phục, tôi rất cảm ơn các bác sĩ ở đây”.
Tuy nhiên bệnh u máu cũng khiến bệnh nhân đau đớn khó chịu quanh ổ bụng và hạ sườn. Các khối u có thể vỡ ra và làm chảy máu khối u hay chảy máu ổ bụng, rất nguy hiểm. Bệnh chỉ được phát hiện khi đi khám và xét nghiệm vì triệu chứng bệnh rất mơ hồ.