Là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, TS. BS Ngô Chí Cương - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ngày 06/07/2022, Trung tâm tiếp nhận một bệnh nhân nữ (32 tuổi, D.G.M giáo viên Tiếng Anh người Nigeria), đã từng sinh sống ở Việt Nam 4 năm.
Bệnh nhân vừa về thăm quê Nigeria (Đông Phi) vào ngày 30/4/2022 và quay lại Việt Nam ngày 19/06/2022. Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, sốt cao, rét run từng cơn, kèm đau đầu nhiều, buồn nôn, không đau bụng, đại tiện bình thường, tiểu ít hơn mọi ngày.
Bệnh nhân nhập đến khám tại một bệnh viện tư nhân rồi chuyển đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (trực thuộc Viện Sốt rét Côn trùng - Ký Sinh trùng Trung ương) trong tình trạng thiểu niệu, cơn sốt rét run. Tại đây, bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu phát hiện P.falciparum (3+).
Mặc dù đã được điều trị thuốc đặc trị nhưng tình trạng thiểu niệu có nguy cơ diễn biến nặng hơn, do vậy bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vật vã kích thích, sốt cao 39 độ C, niêm mạc nhợt, huyết áp hạ, gan to 2cm dưới bờ sườn, thiểu niệu. Chẩn đoán ban đầu là sốt rét ác tính có suy thận cấp. Xét nghiệm lúc nhập viện: Hemoglobin 103 g/L, tiểu cầu 118 G/L, đặc biệt là tình trạng suy thận nặng ure 36 mmol/L, creatinine 746 µmol/L, tình trạng ban đầu hết sức nguy kịch.
Bệnh nhân bị sốt rét ác tính nguy kịch, lại là người nước ngoài, không có bảo hiểm y tế, không có người thân nên quá trình điều trị cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Ngay hôm sau, bệnh nhân đã được hội chẩn toàn bệnh viện với các chuyên khoa đầu ngành liên quan để thống nhất phác đồ điều trị và tìm giải pháp hỗ trợ về tài chính cho bệnh nhân. Thuốc điều trị sốt rét Artesunate được dùng đường tiêm tĩnh mạch.
Để giải quyết tình trạng suy thận cấp, bệnh nhân đã được lọc máu ngắt quãng, sau đó tiếp tục dùng lợi tiểu cưỡng bức furosemide tiêm tĩnh mạch. Sau 05 ngày điều trị, bệnh nhân không sốt, xét nghiệm máu ngoại vi không còn ký sinh trùng sốt rét, không có biểu hiện thiếu máu, tình trạng suy thận cải thiện dần, lượng nước tiểu đã trở về bình thường.
Vượt qua những ngày nguy kịch chống lại lưỡi hái tử thần, bệnh nhân vô cùng cảm kích và gửi lời cảm ơn tới các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhân vì đã sinh ra mình lần thứ 2.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sốt rét là bệnh truyền nhiễm ít gặp ở miền Bắc do chúng ta đã kiểm soát khá thành công, tuy nhiên gần đây số lượng các ca bệnh sốt rét “nhập khẩu” gia tăng, chủ yếu được phát hiện từ những người đi lao động, công tác ở Châu Phi trở về.
Bên cạnh đó, các biểu hiện của bệnh cũng rất dễ gây nhầm lẫn với những bệnh khác như sốt xuất huyết Dengue, COVID-19 và các bệnh nhiễm trùng khác đang phổ biến gần đây tại Hà Nội.
Do vậy vấn đề khai thác thông tin dịch tễ của bệnh nhân rất quan trọng, khi nghi ngờ bệnh nhân mắc sốt rét cần chẩn đoán bệnh sớm bằng cách soi tìm ký sinh trùng Plasmodium trong máu ngoại vi và các xét nghiệm chẩn đoán nhanh huyết thanh học. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn.
Theo Bộ Y tế, sốt rét là một căn bệnh lâu đời, bệnh có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Chính vì vậy, để làm giảm số ca mắc, việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như:
- Ngủ màn kể cả ở nhà, nhà nương rẫy hoặc ngủ trong rừng.
- Diệt muỗi bằng phun tồn lưu và tẩm màn hóa chất diệt muỗi, xoa kem xua muỗi.
- Phát quang bụi rậm và khơi thông cống rãnh quanh nhà, làm nhà xa rừng và xa nguồn nước, mặc quần áo dài buổi tối...
- Bệnh sốt rét do muỗi truyền, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện đã phê duyệt vaccine ngừa sốt rét đầu tiên trên thế giới là vaccine RTS,S/AS01. WHO khuyến nghị tiêm vaccine này cho trẻ em các nước châu Phi, đánh dấu bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét.