Vào lúc 9 giờ ngày 6/10 năm 2017, BS.CKII. Phùng Hùng Cường công tác tại Bệnh viện Mắt-Tai Mũi Họng- Răng Hàm Mặt An Giang đang ngồi tại sảnh sân bay Tân Sơn Nhất chờ chuyến bay đi Đồng Hới - Quảng Bình tham gia hội nghị Tai Mũi Họng toàn quốc cùng các bác sĩ của tỉnh An Giang, đột nhiên thấy có một thanh niên từ trên xe ôm em bé khoảng 8 tháng tuổi chạy vào phòng y tế của sân bay. Linh tính nhạy cảm của một người bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng mách bảo chắc có vấn đề nguy cấp cho đứa trẻ, BS. Cường nhanh chóng tiến đến phòng y tế của sân bay, thấy có người thanh niên đang ôm một đứa bé bị tím tái. Người thanh niên cố móc họng em bé, còn người mẹ thì đang gào khóc kêu gọi con. Lúc này trong phòng y tế chỉ có duy nhất nữ nhân viên y tế đang loay hoay tìm ống nghe. Bằng kinh nghiệm lâu năm của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, nhận thấy em bé đang bị ngưng thở, tím tái toàn thân cần phải hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng nếu không sẽ không cứu kịp. Lúc này rất đông người đứng trước phòng y tế. BS. Cường nhanh chóng tiến vào phòng, hỏi người nhà bé bị sao rồi bế đứa bé trên tay, tay trái nắm lấy hai chân bé, đặt bé nằm sấp trên đùi đầu hướng xuống đất, tay phải vỗ mạnh vào lưng bé 5 cái, sau đó xoay bé lại ấn vào vùng trước tim 3 - 4 cái, đứa bé từ từ thở lại được, khóc thét lên, toàn thân hồng hào trở lại, lúc này mọi người thở phào nhẹ nhỏ, người mẹ hai hàng nước mắt tuôn trào vì vui sướng còn trên trán bác sĩ Cường mồ hôi ướt đẫm mặc dù máy lạnh trong phòng đang mở hết công suất.
BS. Phùng Hùng Cường lại quay về công việc khám chữa bệnh quen thuộc của mình
Sau khi bé thở tốt trở lại, qua giai đoạn nguy kịch, BS. Cường tiếp tục cho bé thở oxy, giữ ấm và nhanh chóng yêu cầu xe cấp cứu của sân bay Tân Sơn Nhất đưa bé về Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM để tiếp tục điều trị. Xong xuôi, BS. Cường cũng nhanh chóng vào sân bay làm thủ tục để đáp chuyến bay 12 giờ 30 phút để kịp tham gia hội nghị cùng đồng nghiệp chuyên khoa Tai Mũi Họng trên toàn quốc tại Quảng Bình.
Mọi chuyện xảy ra nhanh chóng. Lúc này, BS. Phùng Hùng Cường như không cảm thấy những ai đang vây quanh mình. Ông cũng không kịp hỏi thăm nhà của đứa bé ở đâu, bố mẹ của nó là ai, cũng không nhớ gia đình họ có cảm ơn mình hay không.
- Vậy là cuộc cấp cứu diễn ra rất nhanh, xong anh vội đi và không biết tên đứa bé, tên bố mẹ của nó; ngược lại họ cũng không biết anh là ai?
- Đúng vậy, mọi việc diễn ra nhanh, tôi thì vội để lên máy bay; bố mẹ của đứa bé chắc mừng quá không kịp hỏi tên tôi, vả lại họ còn lo cho đứa bé đi nhập viện. Tuy nhiên, cứu sống đứa bé là hạnh phúc rồi, không cần gì hơn nữa.
- Đứa bé ngưng tim, ngưng thở do đâu, thưa anh?
- Tôi nghĩ là do sặc sữa. Lúc này cần làm ngay thủ thuật, vỗ lưng ấn ngực cho bé.
- Anh có sợ phải chịu trách nhiệm khi lỡ không cứu được đứa bé không?
- Có chứ! Tuy nhiên cứu người là trước hết.
Chứng kiến, biết chuyện BS. Phùng Hùng Cường cứu sống đứa bé ngưng tim, ngưng thở trên đường đi công tác, nhiều bác sĩ đi dự hội nghị nói trên vô cùng cảm phục đồng nghiệp của mình và cho rằng đó là quyết định dũng cảm, đúng với lương tâm người thầy thuốc chân chính. Một bác sĩ qua điện thoại cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về đồng nghiệp của mình”. Riêng BS. Phùng Hùng Cường cho rằng, đấy là việc mà bất cứ người thầy thuốc nào cũng cần làm, đồng thời khuyến cáo mọi người cần biết những thủ thuật cấp cứu đơn giản để sử dụng khi cần; các thủ thuật này, như biện pháp Heimlich, hay phương pháp vỗ lưng ấn ngực - cấp cứu nghẹt thở do dị vật… cần được dạy trong trường học ở độ tuổi phù hợp.
Thủ thuật vỗ lưng ấn ngực
- Đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay người cấp cứu, bàn tay giữ chặt đầu và cổ trẻ.
- Dùng gót tay còn lại vỗ 5 cái thật mạnh lên lưng trẻ ở giữa hai xương bả vai.
- Kiểm tra: nếu dị vật vẫn không bật ra thì lật ngửa trẻ lại, dùng 2 ngón tay (trỏ và giữa) ấn ngực 5 cái tại vị trí ép tim.
- Trên xương ức dưới đường liên vú 1 khoát ngón tay).
- Có thể lặp lại vỗ lưng 6 lần.