Hà Nội

Cứu sống cụ ông chảy máu não thất bằng thuốc tiêu sợi huyết

06-09-2016 20:21 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Nhờ sự chủ động kết nối kịp thời của các bác sĩ BV Việt Tiệp (Hải Phòng) và khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), một cụ ông bị giãn não thất cấp đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, khoẻ mạnh xuất viện chiều nay 6/9.

Bệnh nhân T.V.H (nam, 62 tuổi, địa chỉ ở Máy Chai, Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) được BVĐK Việt Tiệp, Hải Phòng chuyển tới Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai lúc 10 giờ sáng ngày 31/8/2016 với chẩn đoán chảy máu não có tràn máu não thất gây giãn não thất cấp. BN có tiền sử tăng huyết áp từ một năm nay, và có điều trị bằng uống thuốc đều hàng ngày.

Trước đó, ngày 30/8/2016, BN đột ngột xuất hiện đau đầu, buồn nôn và nôn, rối loạn ý thức. Gia đình đưa BN tới cấp cứu tại BV Việt Tiệp, tại đây tình trạng BN xấu đi rất nhanh, hôn mê sâu hơn (GCS 8 điểm), BN được xử trí cấp cứu bằng đặt ống nội khí quản, dùng thuốc an thần và thở máy. Chụp phim cắt lớp vi tính có hình ảnh chảy máu não thất (não thất III, não thất IV, và não thất bên bên phải) gây tắc nghẽn hệ thống não thất dẫn tới giãn não thất cấp.

Ngoài ra, trên phim chụp cắt lớp vi tính còn thấy một tổn thương nhỏ nghi do chảy máu não vùng đồi thị phải. Để loại trừ nguyên nhân dị dạng mạch máu não vỡ (phình động mạch não vỡ, thông động tĩnh mạch não vỡ), các bác sĩ đã cho BN chụp thêm một phim cắt lớp vi tính đa dãy mạch máu não, và kết quả là không có dị dạng mạch máu não.

Kết nối kịp thời cứu sống bệnh nhân

Sau khi cấp cứu và đánh giá tổng thể BN tại BV Việt Tiệp, nhận thấy BN cần phải được đặt dẫn lưu não thất ra ngoài nhằm làm giảm áp lực nội sọ và điều trị giãn não thất cấp. Các bác sĩ có biết Khoa Cấp cứu A9 đã nghiên cứu thành công biện pháp tiêu sợi huyết trong não thất để điều trị BN chảy máu não thất có giãn não thất cấp. Ngay trong đêm, các bác sĩ tại BV Việt Tiệp đã nhanh chóng liên hệ với bác sĩ trực Vũ Tường Lân tại Khoa Cấp cứu A9.

Khoảng 10 sáng ngày hôm sau (31/8/2016), BN được chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 trong tình trạng hôn mê sâu (GCS: 8 điểm), mạch 80 lần/phút, huyết áp 130/100 mmHg, đang được hỗ trợ hô hấp bằng bóp bóng Ambu có oxy qua ống nội khí quản, đồng tử hai bên còn tốt (kích thước 3 mm, đều hai bên, phản xạ với ánh sáng tốt), liệt nhẹ 1/2 người trái.

Nhận thấy đây là một trường hợp đột quỵ chảy máu não thất có giãn não thất cấp, cần phải được mổ dẫn lưu não thất cấp cứu ra ngoài, bác sĩ Vũ Tường Lân đã mời hội chẩn với bác sĩ Lương Quốc Chính và bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn. Các bác sĩ đã khẩn trương thống nhất phương án điều trị cấp cứu là mổ dẫn lưu não thất ra ngoài phối hợp với điều trị tiêu sợi huyết trong não thất bằng Alteplase trước khi xin ý kiến Ban lãnh đạo khoa và giải thích cho gia đình BN.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân H.

ThS.BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9 cho biết: Cuộc mổ được tiến hành nhanh chóng khoảng 2 giờ kể từ khi BN được chuyển tới Khoa Cấp cứu A9. Sau mổ khoảng 6 giờ, ý thức BN đã cải thiện rõ (điểm GCS lên được 12 điểm), chụp phim cắt lớp vi tính sọ não kiểm tra thì thấy dẫn lưu não thất nằm đúng vị trí (trong não thất bên bên phải), không có chảy máu mới xung quanh dẫn lưu, não thất và vị trí chảy máu đồi thị phải. BN được tiến hành điều trị tiêu sợi huyết trong não thất qua dẫn lưu não thất ra ngoài (1 mg Alteplase mỗi lần, cách nhau 8 giờ, tổng liều đã sử dụng là 5 mg). Đến ngày thứ hai kể từ khi được chuyển tới Khoa Cấp cứu A9, BN đã hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, được rút ống nội khí quản và thở oxy qua kính mũi.

Đến ngày điều trị thứ 6, BN tỉnh hoàn toàn, nói chuyện được, đã bắt đầu tập ăn uống đường miệng, mạch 70 lần/phút, huyết áp 150/90 mmHg, còn liệt nhẹ 1/2 người trái. Chụp lại phim cắt lớp vi tính sọ não kiểm tra thấy hết giãn não thất, máu trong não thất III, não thất IV, và não thất bên bên phải đã tiêu hết. BN được rút dẫn lưu não thất ra ngoài sau khi dẫn lưu đã được kẹp lại một ngày.

Giảm tỷ lệ tử vong nhờ thuốc tiêu sợi huyết

Theo ThS. Chính, chảy máu não chiếm từ 10% đến 15% các trường hợp đột quỵ não hàng năm trên toàn thế giới, chiếm khoảng 40,8% các trường hợp đột quỵ não tại Việt Nam. Chảy máu não thất xảy ra vào khoảng 40% các trường hợp chảy máu não và là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong. Tỷ lệ tử vong 30 ngày liên quan tới chảy máu não thất chiếm từ 40% đến 80%, trong đó giãn não thất cấp và thể tích máu trong não thất có vai trò quan trọng góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong ở BN chảy máu não thất.

Phim chụp cắt lớp vi tính sọ não ngày thứ 6 sau nhập viện. BN không còn giãn não thất, máu trong não thất III, não thất IV và não thất bên phải đã tiêu hết.

"Điều trị chảy máu não thất có giãn não thất cấp phổ biến là đặt dẫn lưu não thất ra ngoài. Tuy nhiên, dẫn lưu não thất ra ngoài trong điều trị chảy máu não thất không làm giảm tỷ lệ tử vong, không làm cải thiện tỷ lệ hồi phục chức năng thần kinh cho BN. Việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (Alteplase) trong não thất qua dẫn lưu não thất ra ngoài đã và đang được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu như là biện pháp điều trị chảy máu não thất có giãn não thất cấp và cho thấy có hiệu quả cao, làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như cải thiện tỷ lệ hồi phục chức năng thần kinh cho BN"- ThS. Chính cho biết thêm.

Hiện, Việt Nam đã có một vài nghiên cứu về hiệu quả của dẫn lưu não thất ra ngoài đơn thuần trong điều trị chảy máu não thất có giãn não thất cấp, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn còn rất cao (57,7%). Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai bắt đầu tiến hành nghiên cứu kỹ thuật kết hợp dẫn lưu và sử dụng Alteplase não thất trong điều trị chảy máu não thất có giãn não thất cấp từ năm 2011, và đã có rất nhiều BN chảy máu não có tràn máu não thất gây giãn não thất cấp được cứu sống bằng kỹ thuật kết hợp này.


Dương Hải
Ý kiến của bạn