Hà Nội

Cứu sống cụ bà 73 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc tim

10-11-2023 15:57 | Y tế

SKĐS - Trong khi đi bộ, cụ bà 73 tuổi bất ngờ lên cơn đau ngực, kèm theo vã mồ hôi khiến người bệnh choáng váng, ngã đập trán xuống đất ngất. Sau khi người bệnh được đưa vào viện cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng sốc tim...

Mới đây, các bác sĩ Khoa Can thiệp Tim và Mạch máu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng) đã cấp cứu thành công người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp nặng, biến chứng sốc tim nguy hiểm đến tính mạng bằng phương pháp can thiệp đặt Stent mạch vành cấp cứu.

Cụ thể, trong quá trình đi bộ, cụ bà T.T.H (73 tuổi, trú tại huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng), bất ngờ xuất hiện cơn đau ngực. Sau đó, cụ T.T.H, cảm thấy tức, bóp nghẹt vùng ngực kèm theo vã mồ hôi, choáng váng, ngã đập trán xuống đất, ngất. Khoảng 2 phút sau, cụ T.T.H tỉnh lại.

Phát hiện sự việc, người dân gần đó vội đưa cụ bà tới Bệnh viện Đôn Lương (huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) cấp cứu.

Tiếp nhận ca bệnh cho thấy, tình trạng sức khỏe người bệnh vẫn trong cơn đau ngực, nhịp tim chậm 40 lần/phút, huyết áp tụt 80/50mmHg.

Cứu sống cụ bà 73 tuổi ở Hải Phòng bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc tim - Ảnh 1.

Hình ảnh hẹp gần tắc động mạch vành trước khi can thiệp. Ảnh: BVCC.

Người bệnh được bác sĩ tiến hành sơ cứu và chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng. 

Tại bệnh viện, cụ bà được làm các xét nghiệm chuyên sâu. Qua đó chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp trên nền bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường. Ngay lập tức, bệnh nhân được truyền thuốc vận mạch nâng huyết áp, tiêm thuốc chống đông máu, thuốc ổn định mảng xơ vữa.

Sau xử trí cấp cứu, huyết áp của người bệnh đã tăng lên 110/70mmHg, nhịp tim ổn hơn và được chuyển vào phòng can thiệp, Khoa Can thiệp Tim và Mạch máu để tiến hành chụp động mạch vành qua da.

Kết quả chụp cho thấy, bệnh nhân bị hẹp gần tắc đoạn gần động mạch liên thất trước.

Lúc này, kíp can thiệp đã tiến hành nong bóng và đặt 1 stent phủ thuốc vào vị trí tổn thương. Sau khi đặt stent, người bệnh đã đỡ đau ngực, huyết áp tăng dần, giảm được thuốc vận mạch qua được cơn nguy kịch. Sau 8 ngày điều trị, người bệnh hết đau ngực, huyết áp, nhịp tim ổn định và đã được xuất viện, được chỉ định tái khám định kỳ.

Cứu sống cụ bà 73 tuổi ở Hải Phòng bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc tim - Ảnh 2.

Các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng tiến hành can thiệp cho người bệnh. Ảnh: BVCC.

Nói về ca bệnh trên, Ths.BSCKII Nguyễn Anh Dũng-Phó trưởng Khoa Can thiệp Tim và Mạch máu chia sẻ: Bệnh nhân T.T.H được phát hiện đưa tới bệnh viện xử trí cấp cứu kịp thời, chụp và đặt stent giúp tái thông động mạch vành nên đã tránh được nguy cơ tử vong.

Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý tim mạch cấp tính có xu hướng tăng cao và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, trong đó rối loạn nhịp tim và sốc tụt huyết áp là nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim cấp (chiếm 5-20%).

Loại bệnh này thường do nứt vỡ mảng xơ vữa động mạch vành, từ đó hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn cấp tính hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn động mạch vành. Vùng cơ tim được cấp máu bởi nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn sẽ không được tưới máu dẫn đến hoại tử. Khi đó, tim co bóp kém và bóp không đều gây ra các rối loạn nhịp nguy hiểm, sốc tụt huyết áp có thể gây ngất, đột tử.

Ths.BSCKII Nguyễn Anh Dũng cho biết: Có khoảng 10% người bệnh nhồi máu cơ tim cấp có nguy cơ tử vong do không kịp tiếp cận phương pháp can thiệp. Đây là tình trạng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh nên cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, khi người bệnh xuất hiện cơn đau thắt ngực dữ dội, thỉu hoặc ngất cần được đưa ngay tới cơ sở y tế để có thể chẩn đoán sớm bệnh và điều trị. Với bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, chụp và can thiệp động mạch vành qua da là phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả nhất cho người bệnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cấp cứu hai bệnh nhân đột quỵ sau cơn đau đầu 

Đức Tùy
Ý kiến của bạn