Đang mang thai tuần thứ 35, chị Bùi Thị Lan Hương, 30 tuổi (quê Hoành Bồ, Quảng Ninh) có biểu hiện của hội chứng cúm, tự điều trị nhưng không khỏi. Gần một tuần sau, BN mới đến BV Bãi Cháy khám và được chuyển thẳng lên BV Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp ngày một nặng dần.
Bằng tài năng và sự nỗ lực vì người bệnh, các bác sĩ của BV Bạch Mai đã cứu sống, bảo toàn tính mạng cho cả mẹ và bé. Ngày 23/4, BV đã làm lễ tiễn BN ra viện trong niềm phấn khởi khôn xiết của gia đình và các y bác sĩ. Sản phụ Hương xúc động chia sẻ: “Các y bác sĩ chính là người đã hồi sinh sự sống cho hai mẹ con tôi. Tôi không nghĩ mình có thể qua cơn nguy kịch để hôm nay đứng đây nói lời cảm ơn đến các y bác sĩ…”.
Nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con
PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cho biết, BN Lan Hương có tiền sử khỏe mạnh và đã có một con 14 tháng tuổi, lần này, mang thai tuần thứ 35. Từ ngày 18/3/2014, BN có biểu hiện của hội chứng cúm (với các triệu chứng như: sốt, đau mỏi toàn thân, mệt, vã mồ hôi…) và đã tự điều trị không khỏi. Đến ngày 23/3, sau 5 ngày, BN không đỡ sốt, ho, khó thở nhiều nên đã vào khám tại BV Bãi Cháy. Tại đây, BN có biểu hiện suy hô hấp nặng dần, Xquang thấy tổn thương mờ lan tỏa hai phổi, nên đã được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do cúm A, đã phải đặt nội khí quản và bóp bóng ambu và chuyển khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.
Tại khoa Hồi sức tích cực, BN trong tình trạng nguy kịch: suy hô hấp nặng (phải thở bằng máy với 100% oxy, SPO2 80%, PaO2 53mmHg (giới hạn tử vong là < 50 mmHg)), Xquang phổi thấy tổn thương gần hết. Ngay lập tức, các bác sĩ đã hội chẩn, chẩn đoán BN mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) – viêm phổi do cúm A trên thai 35 tuần. Kết quả xét nghiệm cho thấy BV mắc cúm A/H1N1.
BN đã được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực như: thở máy với các biện pháp tốt nhất để cải thiện oxy máu (PEEP cao, huy động phế nang, nằm nghiêng…), thuốc kháng virus (Tamiflu) sớm, kháng sinh và lọc máu liên tục để loại bỏ các yếu tố làm nặng bệnh. Sau 1 ngày, tình trạng tồi hơn, nguy cơ tử vong cả mẹ và con. BV Bạch Mai đã nhanh chóng hội chẩn toàn viện quyết định mổ lấy thai để cứu thai và mẹ. Sau khi mổ lấy thai, 1 nhóm các bác sĩ và điều dưỡng sơ sinh đón cháu bé ngay tại phòng mổ và tiến hành hỗ trợ hô hấp cho bé (thở máy và chăm sóc đặc biệt 4-5 ngày…). Sau đó tình trạng tiến triển tốt hơn.
Các y bác sĩ BV Bạch Mai chúc mừng hai mẹ con sản phụ Hương khoẻ mạnh, chuẩn bị ra viện.
Về phía mẹ, tình trạng tổn thương phổi tiến triển nhanh hơn đến mức nguy kịch, oxy trong máu rất thấp (PaO2 33 mmHg) mà không đáp ứng với thở máy với nồng độ oxy tối đa, xuất hiện thêm tràn khí màng phổi cả hai bên nên phổi không còn khả năng trao đổi oxy. BN nhanh chóng bị đẩy vào trạng thái cực kỳ nguy kịch, không còn khả năng cứu chữa (phổi không còn nơi để trao đổi khí). Các bác sĩ đã nhanh chóng mở màng phổi cả hai bên để dẫn lưu khí bằng hai dẫn lưu rất lớn, hút khí liên tục, điều chỉnh liên tục các thông số máy thở để BN không tử vong…
Lần đầu tiên hỗ trợ phổi cho BN cúm A
Bằng tất cả các nổ lực về chuyên môn và trang thiết bị hiện đại nhất, Ban giám đốc BV đã quyết định phải áp dụng kĩ thuật “tim phổi nhân tạo tại giường” cho BN. Đây có thể coi là cứu cánh cuối cùng cho những trường hợp như thế này. Kĩ thuật “tim phổi nhân tạo tại giường - ECMO” là một kĩ thuật tiên tiến, hiện đại và hiệu quả cao đã được áp dụng tại khoa Hồi sức tích cực để cứu sống hàng chục BN viêm cơ tim cấp có biến chứng sốc tim, ngừng tim trong 2 năm vừa qua.
Tuy nhiên, PGS.TS Bình chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên áp dụng hỗ trợ phổi (“phổi nhân tạo”) cho một BN tổn thương phổi nặng do cúm A. Điều khó khăn nhất của kĩ thuật lúc này là các tạng bị suy rất nặng: phổi, tim, rối loạn đông máu (phải dùng thuốc chống đông trong khi lại bị chảy máu…) ở BN phải bất động (do rất nhiều máy cùng hoạt động như: máy thở, máy lọc máu, máy tim phổi nhân tạo, các máy theo dõi, rất nhiều bơm tiêm điện, máy truyên dịch. Thời gian áp dụng thường dài (trên 14 ngày), nhiều nguy cơ như: tụt hoặc tắc các ống thông mạch máu, nguy cơ nhiễm trùng, tắc mạch rối loạn đông máu, chảy máu….
Sản phụ Hương (bên phải) và con đã ổn định sức khoẻ.
Ngày 26/3, BN được tiến hành kĩ thuật ECMO một cách thuận lợi ban đầu. Sau khi máy tim phổi nhân tạo hoạt động thuận lợi, phổi của BN được chuyển về chế độ thở tối thiểu để “nghỉ ngơi và chờ hồi phục”, oxy trong máu cải thiện ít một cho đến khi đạt ngưỡng tối thiểu (oxy trong máu động mạch > 50 mmHg) đảm bảo có thể duy trì sự sống cho BN trong sự lo âu, hồi hộp của các bác sĩ. Theo dõi thường xuyên liên tục các chỉ số sinh tồn của BN trên các máy theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời từ những thay đổi nhỏ nhất , kết hợp các chỉ số xét nghiệm đông máu, tế bào máu, sinh hóa, khí máu Xquang phổi để đề ra phương pháp điều trị từng giờ.
“Đây là lần đầu tiên áp dụng hỗ trợ phổi (phổi nhân tạo) cho một BN tổn thương phổi nặng do cúm A. Điều khó khăn nhất của kĩ thuật lúc này là các tạng bị suy rất nặng: phổi, tim, rối loạn đông máu (phải dùng thuốc chống đông trong khi lại bị chảy máu…) ở BN phải bất động (do rất nhiều máy cùng hoạt động như: máy thở, máy lọc máu, máy tim phổi nhân tạo, các máy theo dõi, rất nhiều bơm tiêm điện, máy truyên dịch. Thời gian áp dụng thường dài (trên 14 ngày), nhiều nguy cơ như: tụt hoặc tắc các ống thông mạch máu, nguy cơ nhiễm trùng, tắc mạch rối loạn đông máu, chảy máu…."- PGS.TS Bình chia sẻ.
Trong ngày thứ 2 sau khi tiến hành ECMO, BN xuất hiện loạn nhịp tim phức tạp. Một cuộc hội chẩn khẩn cấp với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch đã quyết định: Cần phải đặt máy tạo nhịp để kiểm soát nhịp tim. “Tuy nhiên, điều khó khăn và làm chúng tôi lo sợ nhất là không có đường vào để đặt máy tạo nhịp tạm thời (do các mạch máu đã bị cắm đầy các ống thông để làm ECMO, đường lọc máu, đường truyền tĩnh mạch trung tâm…). Nhưng chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật đặt được máy tạo nhịp bằng điện cực dán dưới da có kết quả tốt”- PGS.TS Bình chia sẻ.
Sau hơn 1 tuần, BN có rối loạn đông máu nặng nề, có những ngày đã truyền đến gần 3.000 ml các chế phẩm máu (huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu, hồng cầu, yếu tố tủa VIII). Đến hết 12 ngày, các bác sĩ nhận định phổi đã hồi phục (Xquang phổi tốt hơn, oxy trong máu tốt hơn) nên đã quyết định dừng hỗ trợ “phổi nhân tạo”. Phổi có dấu hiệu hồi phục tốt nên đã ngừng máy ECMO và không cần phải thở máy nữa. BN được rút ống nội khí quản sau đó và tiếp tục được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực. BN không sốt, tự thở khí trời hoàn toàn không cần hỗ trợ hô hấp nào khác, dừng hết các thuốc, đánh giá không thấy có biến chứng gì.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng nhận định, với tình trạng của cháu bé hiện tại, trẻ bú tốt, khoẻ mạnh… cháu hoàn toàn có thể phát triển bình thường.
GS.TS Ngô Quý Châu, PGĐ BV Bạch Mai cho biết, qua ca bệnh được cứu sống một cách ngoạn mục này có thể thấy, để có được thành công trong công tác cứu chữa BN Bùi Thị Lan Hương là nhờ, sự chỉ đạo khẩn trương, tích cực của lãnh đạo BV Bạch Mai, huy động toàn bộ nguồn lực của BV và hợp tác tốt giữa các bác sĩ trong toàn BV (như Khoa Hồi sức tích cực, khoa Gây mê Hồi sức, Khoa Sản, khoa Nhi, khoa Huyết học –truyền máu, sinh hoá, vi sinh, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật tim mạch, truyền nhiễm, dược lâm sàng, dinh dưỡng). Đồng thời, tập thể cán bộ, nhân viên khoa Hồi sức tích cực đã làm việc khẩn trương, liên tục, có phương pháp khoa học bất kể ngày đêm trong hơn hai tuần, theo dõi sát sao, phát hiện và xử trí những biến cố nhanh nhất.
Dương Hải