Sau 2 tháng điều trị tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, bệnh nhi Nguyễn Như Duy Minh (3 tháng tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) đã trở về bên vòng tay cha mẹ và những người thân yêu. Trước đó, ít ai dám nghĩ bé Minh có thể vượt qua được căn bệnh phổi kẽ rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, từ cõi chết trở về.
*Audio PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói về ca bệnh phổi kẽ hi hữu.
• Chỉ 3/1 triệu trẻ dưới 16 tuổi mắc bệnh phổi kẽ
Bé Duy Minh đã thoát chết trở về trong vòng tay ấm áp của gia đình.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, bệnh nhi đẻ non 33 tuần tuổi, nhập viện ngày 11/12/2013 trong tình trạng ho, sốt, khó thở và có dấu hiệu không khác gì bệnh viêm phổi thông thường. Tuy nhiên, phác đồ điều trị viêm phổi tỏ ra không hiệu quả, không những thế, bệnh tình ngày một trầm trọng thêm, suy hô hấp nặng đe dọa tính mạng.
Trong hơn 30 năm làm nghề y, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, đây là ca bệnh phổi kẽ đầu tiên ở trẻ dưới 2 tuổi mà ông cùng các đồng nghiệp gặp phải và đã điều trị thành công một cách ngoạn mục.
Ngay sau đó, bệnh nhi được các bác sĩ chỉ định làm thêm một số xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính. Kết quả cho thấy, hai bên phổi xơ hóa rất nhiều, xơ các phế nang, oxy không ngấm vào máu. Các bác sĩ nghi ngờ, đây là nguyên nhân khiến em bé khó thở, suy hô hấp và buộc phải cho bé thở bằng nội khí quản. Điều lạ là bé Minh thở máy trong tình trạng vẫn tự thở được nhưng nếu rút máy thì lại nguy hiểm đến tính mạng.
“Qua các xét nghiệm hiện đại khẳng định chắc chắn bệnh nhi mắc bệnh viêm phổi kẽ, có biến chứng xơ phổi. Y văn thế giới ghi nhận rất ít ca bệnh như vậy (khoảng 3/1 triệu trẻ dưới 16 tuổi mắc). Hơn nữa đây là bệnh nhi đẻ non mới 1 tháng tuổi, chúng tôi đã phải thay đổi chiến lược điều trị cho phù hợp. Trong quá trình thở máy phải cho thuốc an thần để nhịp thở của trẻ đồng bộ về một mạch; kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực. Cái khó của ca bệnh này là phải tính toán liều thuốc an thần và nâng nồng độ oxy trong máu của bé Minh lên…
Chiến lược thở máy cho bệnh nhi này cũng rất đặc biệt. Phải sau hơn một tuần bệnh nhi thở máy 100% oxy, chúng tôi mới có thể giảm dần nồng độ (trong khi bình thường chỉ 1-2 tiếng là giảm nồng độ oxy xuống 60%). Trẻ ăn hoàn toàn bằng xông. Bên cạnh đó, dùng kháng sinh có hoạt chất Klacide, chứa siro, dùng liều thấp kéo dài kết hợp với kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn mủ xanh liên tục nhằm thay đổi cơ chế miễn dịch, phá vỡ màng bao bọc vi khuẩn...”- PGS.TS Dũng nói.
Bệnh phổi kẽ hiếm gặp và nguy hiểm nhưng nếu được điều trị thành công, trẻ sẽ phát triển hoàn toàn bình thường.
Sau khi kiểm tra các yếu tố nguy cơ, các bác sĩ nhận định, do bé Minh sinh non (33 tuần tuổi), nồng độ kháng thể trong máu rất thấp, thiếu miễn dịch, đặc biệt là bé bị nhiễm virus CMV từ trong bụng mẹ gây nên tình trạng suy hô hấp nặng. Bệnh rất khó phát hiện và có thể gây tử vong nhanh chóng do trẻ thiếu oxy. Trong trường hợp này đã điều trị thành công, theo dõi trẻ đến 9 tháng tuổi mà không có bất thường gì thì trẻ có thể phát triển như bình thường.
Hiện, bé Minh đã được ra viện sau tháng 2 tháng nằm điều trị.
Không giấu nổi sự vui mừng, mẹ bé Duy Minh chia sẻ: “Chăm con trong phòng cấp cứu tôi mới thấy cuộc sống này thật quí giá, ranh giới sống-chết thật mong manh. Giữa lúc hoạn nạn, cơ cực ấy ngoài sự động viên chăm sóc của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp còn có sự đồng cảm, chia sẻ của đội ngũ y bác sĩ nhiệt tình tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. Chính họ đã tiếp thêm sức mạnh cho gia đình và đứa con bé bỏng của tôi thêm nghị lực chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.
Dương Hải