Bệnh nhi sinh ngày 03/12/2018, là con thứ 2 trong gia đình ở tại xã Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Gia đình cho biết, bé được sinh thường, nhưng non tháng (36 tuần), cân nặng lúc sinh là 4 kg. Trong thai kỳ, mẹ và bé không phát hiện bất thường nào. Mẹ sinh đẻ khó do thai to. Sau sinh, bé không khóc, tím tái, được bệnh viện huyện hồi sức và chuyển đến bệnh viện tỉnh. Tại bệnh viện tỉnh, bé tiếp tục được điều trị hỗ trợ.
Bệnh nhi đến khoa Cấp cứu - bệnh viện Nhi đồng 2 vào lúc 03g30 phút ngày 05/12/2018 trong tình trạng quấy khóc, tím tái, độ bão hòa oxy trong máu 80%, thở nhanh, co lõm ngực, vàng da, tay phải bất động, da đầu sưng nề và có bướu huyết thanh. Bé được đặt nội khí quản, thở máy, truyền dịch, kháng sinh với chẩn đoán sanh ngạt, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da tăng bilirubin gián tiếp, theo dõi liệt đám rối thần kinh cánh tay phải.
Bé được chuyển vào điều trị tại khoa Hồi sức sơ sinh. Hiện tại, tình trạng của bé đang ổn định với các phương pháp điều trị hỗ trợ tích cực.
Bệnh nhi đang được các bác sĩ sử dụng phương pháp điều trị hỗ trợ tích cực.
Theo Tổ chức y tế thế giới, hàng năm có khoảng 25% trẻ sơ sinh tử vong do sinh ngạt. Ở trẻ đủ tháng, ngạt có thể xảy ra giai đoạn trước hoặc trong chuyển dạ do suy yếu trao đổi khí máu qua bánh nhau. Ngạt cũng có thể xảy ra thứ phát sau sinh do bất thường về hô hấp, tim mạch hoặc thần kinh. Hậu quả trẻ có thể bị bệnh lý não thiếu oxy, có hoặc không kèm tổn thương các cơ quan khác. Việc hồi sức tích cực cho trẻ tại thời điểm ngay sau sinh giúp cải thiện tỉ lệ tử vong và di chứng về sau.
Đối với trường hợp thai to trên 3,5kg thường gặp một số rủi ro trong cuộc sinh. Trẻ có thể bị những sang chấn như gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay, chấn thương đầu... giống như trường hợp bệnh nhi vừa nêu trên.
Theo các bác sĩ đẻ khó có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ người mẹ và nguyên nhân từ em bé. Trong đó thai to là một trong những nguyên nhân do thai bình thường của các bà mẹ Việt Nam có cân nặng trung bình trên dưới 3kg. Khi cân nặng thai nhi trên 3,5kg thì phải xếp vào loại thai to. Ngoài ra thai có thể to từng bộ phận như đầu to, vai hoặc bụng to… Cũng như trong trường hợp khung xương chậu bị hẹp, thai không thể chui được bình thường qua đường dưới mà cần phải mổ hoặc làm thủ thuật lấy thai ra để tránh cho dạ con khỏi bị vỡ
Ngay cả khi người phụ nữ sinh đẻ được bình thường thì sự vất vả, cực nhọc lúc sinh đã được ví như công vượt biển của người đàn ông. Không những thế lại có thêm nhiều nguyên nhân có thể cản trở, làm khó khăn cho cuộc đẻ, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Vì vậy, để phát hiện được các nguyên nhân đẻ khó có thể xảy khi sinh nở, khi có thai các bà mẹ phải được thăm khám thường xuyên, ít nhất cũng phải được 3 lần trong mỗi kỳ thai nghén. Khi đẻ nhất thiết phải có sự phục vụ chăm sóc của nữ hộ sinh hoặc cán bộ y tế đã qua đào tạo về đỡ đẻ. Những trường hợp có nguy cơ trong khi có thai hoặc khi theo dõi chuyển dạ cần phải được chuyển lên bệnh viện để được theo dõi và xử trí kịp thời.