Cứu sống bệnh nhi 45 ngày tuổi bị hẹp eo động mạch chủ

05-01-2009 16:21 | Thời sự

Tiếp xúc với chúng tôi sáng ngày 26/12/2008 PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng không giấu nổi niềm hạnh phúc vì tập thể Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai do ông làm trưởng khoa

Tiếp xúc với chúng tôi sáng ngày 26/12/2008 PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng không giấu nổi niềm hạnh phúc vì tập thể Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai do ông làm trưởng khoa cùng các bác sĩ Viện tim mạch quốc gia vừa cứu sống một cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh. Trường hợp này đã mở ra hướng mới trong điều trị các bệnh tim bẩm sinh: tiến hành sàng lọc ngay từ sơ sinh và can thiệp tim mạch cho trẻ sơ sinh.

Một ca bệnh đặc biệt

 TS. Dũng thăm bệnh nhi sau phẫu thuật.

Đêm ngày 10/12/2008, cháu Hà Quang Dũng 45 ngày tuổi ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội nhập Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng cấp cứu: người tím tái, khó thở, mạch không bắt được, nhịp tim lên tới 200 lần/phút (bình thường ở lứa tuổi này chỉ 100 -120lần/phút), suy tim, suy hô hấp trầm trọng, viêm phổi, bụng trướng, sốt, phân áp ôxy 75% (bình thường là 95%)..., nguy cơ tử vong rất cao. Cháu Dũng là con thứ hai của anh Hà Mạnh Nam. Khi đẻ cháu nặng 3,1kg, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Trước đó một hai ngày cháu Dũng có bị đi ngoài nhẹ một vài lần. Đến 9 giờ tối ngày 10/12/2008, đột nhiên cháu khóc một cách lạ thường. Thấy con tím tái, thở không ra tiếng, anh Nam cùng gia đình vội đưa cháu vào cấp cứu tại Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai. Ngay lập tức cháu được các bác sĩ tích cực hồi sức cấp cứu. Bình thường sau khi làm thông khí, thở máy, dùng thuốc trợ tim... bệnh nhân phải hồi phục và có tín hiệu khả quan. Nhưng trường hợp của bé Dũng thì không có tiến triển. Khi cấp cứu bé may mắn vào đúng ca trực của BSCKII. Nguyễn Đông Hải- chuyên khoa tim mạch. Với linh cảm của một bác sĩ chuyên khoa, anh bắt mạch bẹn cho cháu không thấy (một dấu hiệu giúp chẩn đoán bệnh hẹp eo động mạch chủ), anh quyết định làm siêu âm tim cho cháu ngay tại chỗ trong khi các bác sĩ khác vẫn liên tục hồi sức cấp cứu. Khi siêu âm tim, BS. Hải đã phát hiện ra cháu Dũng bị hẹp eo động mạch chủ một đoạn khá dài, chênh áp rất lớn trước và sau hẹp. Đây chính là nguyên nhân khiến tim của cháu đập rất nhanh mà máu không bơm đi được và cũng là lý do không bắt được mạch bẹn. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành hội chẩn tìm phương án xử trí để cứu cháu Dũng. Điều băn khoăn của các bác sĩ ngoại khoa là bệnh nhi đang trong tình trạng cấp cứu và lại quá nhỏ mới 45 ngày tuổi, nguy cơ rủi ro trong phẫu thuật khá cao. Trao đổi với các bác sĩ Viện tim mạch quốc gia, họ nhận được sự giúp đỡ.

Ngày 16/12/2008, tại Viện tim mạch quốc gia, dưới bàn tay khéo léo của ThS. Nguyễn Lân Hiếu, bé Dũng đã được luồn bóng qua động mạch bẹn và nong đoạn hẹp ở động mạch chủ từ 3mm lên 5mm trong tình trạng cấp cứu phải thở máy. Ca can thiệp diễn ra thành công ngoài mong đợi. Lần đầu tiên các bác sĩ của Viện tim mạch quốc gia tiến hành can thiệp tim mạch cho một bệnh nhi nhỏ như vậy lại đang trong tình trạng cấp cứu. Đến nay (ngày thứ 10 sau can thiệp) cháu Dũng đã tự thở, cháu ăn ngủ tốt và tiếp tục dùng thuốc điều trị viêm phổi, thuốc trợ tim...

Và những bài học

     Theo số liệu thống kê, hẹp eo động mạch chủ chiếm 5 - 6% bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em, đứng hàng thứ 3 sau thông liên thất và còn ống động mạch. Bệnh gặp ở trẻ trai nhiều gấp 3 trẻ gái. Khoảng 20% trẻ nhỏ nhập viện vì suy tim là do hẹp eo động mạch chủ. Nếu trẻ được phát hiện sớm thì việc xử lý sẽ không khó, tránh để tình trạng nặng, nguy kịch, thậm chí tử vong.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sự thành công của ca can thiệp đã đem lại cho họ nhiều bài học kinh nghiệm quý giá ngay từ khâu chẩn đoán. Khi các biện pháp cấp cứu thông thường không có kết quả cần nghĩ đến các bệnh lý tim mạch. Những trẻ có bệnh tim bẩm sinh đến 90% thường hay bị viêm phổi. Một số bệnh lý tim bẩm sinh không có dấu hiệu báo trước, lúc phát hiện thì bệnh đã quá nặng. Để phát hiện sớm, các bà mẹ có thể theo dõi con mình: sau khi đã bú no mà trẻ ngủ ngon thì không sao nhưng nếu thấy trẻ phải gắng sức để thở cần đi kiểm tra xem trẻ có mắc bệnh tim bẩm sinh không. Hiện nay bằng kỹ thuật siêu âm các bác sĩ có thể phát hiện được các dị tật tim ở ngay trong bào thai. Tuy nhiên đây là một kỹ thuật khó vì để phát hiện được phải qua 2 hàng rào cản là nước ối của người mẹ và lồng ngực của thai nhi.

Thành công của ca can thiệp còn là sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai và Viện tim mạch quốc gia. Được biết toàn bộ chi phí cho ca can thiệp của bé Dũng đều miễn phí. Tới đây Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ kiểm tra tim cho những trẻ đến khám và điều trị nhằm phát hiện sớm, sàng lọc các dị tật tim bẩm sinh.

Bài và ảnh: Mai Hương


Ý kiến của bạn