Bệnh nhân Ngô Văn Út, 50 tuổi, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Khởi bệnh 10 ngày trước với triệu chứng đau bụng vùng thượng vị đột ngột, uống thuốc không giảm nên bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán viêm túi mật cấp. Tình trạng đau bụng không giảm nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Khi nhập Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân đau bụng hạ sườn phải nhiều, sốt cao, mắt vàng, da vàng, môi khô, lưỡi bẩn. Thăm khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm, siêu âm bụng, CT bụng... bệnh nhân được chẩn đoán: viêm túi mật cấp hoại tử và sỏi kẹt đoạn cuối ống mật chủ gây nhiễm trùng đường mật nặng.
Sức khỏe anh Út đang hồi phục tốt
Các bác sĩ tiên lượng bệnh nhân rất nặng, có khả năng tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Đây là trường hợp nhiễm trùng đường mật rất nặng, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn với các chuyên khoa cấp cứu, tiêu hóa, nội soi, ngoại tổng quát, gây mê hồi sức và quyết định thực hiện kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) trước.
Theo các bác sĩ, bệnh cảnh tắc mật gây nhiễm trùng đường mật do sỏi kẹt đoạn cuối ống mật chủ, kèm theo hoại tử túi mật cần phải can thiệp cấp cứu ngay Tuy nhiên, do đường kính ống mật chủ quá nhỏ (<1cm) nên không thể mở ống mật chủ lấy sỏi qua phẫu thuật nội soi, các bác sĩ đã chọn phương pháp ERCP lấy sỏi qua nội soi mật tụy ngược dòng nhằm giải áp đường mật, sau đó phẫu thuật nội soi cắt túi mật hoại tử được tiến hành ngay sau đó.
Đây là lựa chọn tối ưu nhất trong điều trị cho bệnh nhân đang có tình trạng nhiễm trùng nặng do sỏi kẹt đoạn cuối ống mật chủ. Ê kíp can thiệp do BS CK II Bồ Kim Phương đã thực hiện thành công. Các bác sĩ đã cắt cơ vòng đủ rộng, dịch mủ lợn cợn nhiều, lấy ra 1 viên sỏi đường kính 1cm, bơm rửa đường mật. Quá trình can thiệp thực hiện trong vòng 15 phút. Ngay sau khi can thiệp ERCP thành công, ê kip phẩu thuật gồm ThS. BS. Huỳnh Dương Hữu Hạnh, BS.CKI. Danh Bảo Quốc, BS. Trần Xuân Nam.... BS CK2 Trần Huỳnh Đào thực hiện phẩu thuật nội soi cắt túi mật.
Kết quả phẫu thuật túi mật bị hoại tử, thành dầy phù nề, có giả mạc dịch ruột quanh giường túi mật và dịch mật quanh gan và dưới gan. Các bác sĩ đã thực hiện thành công cuộc phẫu thuật sau hơn 3 giờ.
Hiện bệnh nhân tỉnh, hết sốt, hết đau bụng, bớt vàng da, vàng mắt nhiều, sinh hiệu ổn định, vết mổ khô, bụng mềm, đã rút hết các ỗng dẫn lưu, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Viêm túi mật hoại tử là một biến chứng nghiêm trọng của viêm túi mật cấp. Nguyên nhân là do tăng áp lực trong túi mật gây căng thành túi mật. Tình trạng viêm dẫn đến thiếu máu hoại tử thành túi mật, có hoặc không có liên quan đến huyết khối động mạch túi mật. Một khi nghi ngờ viêm túi mật hoại tử, bệnh nhân cần phải được phẫu thuật cấp cứu cắt túi mật để tránh các biến chứng đe dọa tính mạng.