Hà Nội

Cứu sống bệnh nhân sốc mất máu do vết thương phức tạp vùng cổ sau tai nạn ngã xe

22-10-2024 13:01 | Y tế
google news

SKĐS - Bị chấn thương sau cú ngã xe máy, chảy nhiều máu vùng cổ dẫn tới sốc mất máu nguy kịch, người đàn ông (59 tuổi) được Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cứu sống.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã phẫu thuật cứu sống một trường hợp sốc mất máu nguy kịch do vết thương phức tạp vùng cổ.

Theo đó, bệnh nhân P.T.H,( 59 tuổi, trú tại phường Hoành Bồ, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đi xe máy và bị ngã, chảy máu nhiều vùng cổ, được đưa vào Bệnh viện đa khoa Hạ Long sơ cứu, rồi chuyển tuyến lên Bệnh viện Bãi Cháy.

Cứu sống bệnh nhân sốc mất máu do vết thương phức tạp vùng cổ sau tai nạn ngã xe

- Ảnh 1.

Kip cấp cứu Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh đã cứu sống bệnh nhân sốc mất máu nguy kịch. 

Khi vào Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân được thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng với chẩn đoán sốc mất máu do vết thương phức tạp vùng cổ phải. Kết quả khám cho thấy, bệnh nhân bị đứt tĩnh mạch cảnh trong, tĩnh mạch cảnh ngoài, động mạch đốt sống, cơ ức đòn chũm, cơ thang, khối cơ cùng cổ bên phải và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Kíp mổ, do bác sĩ CKII Hoàng Văn Quyết – Phụ trách khoa Ung bướu 2, Bệnh viện Bãi Cháy cùng ê kíp tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân.

Kíp phẫu thuật đã xử trí phẫu thuật cắt lọc xử lý vết thương, nối tĩnh mạch cảnh trong, cảnh ngoài, cầm máu động mạch đốt sống bằng các vật liệu cầm máu, khâu nối cơ cho bệnh nhân. 

Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, ăn uống, vận động chân tay tốt.

Bác sĩ CKII Hoàng Văn Quyết cho biết, đây là ca bệnh rất nguy kịch, bị sốc do mất máu, có thể tử vong ngay nếu không được sơ cứu kịp thời, xử trí đúng cách. Vết thương tĩnh mạch cảnh trong là vết thương mạch máu lớn, các tổn thương ở vùng cố rất nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời thì sẽ dẫn đến mất máu nhanh và tử vong... Chính vì vậy, đòi hỏi bác sĩ phải thao tác quyết đoán, chính xác. Ưu tiên lớn nhất là việc xử lý vết thương tĩnh mạch cảnh nên chúng tôi đã tiến hành cầm máu và khâu nối tĩnh mạch cảnh, sau đó, khâu nối cơ cho bệnh nhân.


Thế Nam
Ý kiến của bạn