Nạn nhân được đưa vào cấp cứu thông qua hệ thống cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện E trong tình trạng nguy kịch, sốc đa chấn thương, mất nhiều máu, da xanh tái, niêm mạc nhợt, đau bụng dữ dội, nhịp thở nhanh và yếu, vùng bụng có mảng bầm tím do tụ máu, đau nhiều vùng bụng, chậu hông, cẳng bàn chân 2 bên biến dạng…
Ngay lập tức, toàn bộ các y bác sĩ của kíp trực dưới sự "chỉ huy" của TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, nhanh chóng cấp cứu người bệnh.
Các bác sĩ tiến hành bất động người bệnh, cầm máu, khám lâm sàng và chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết để tầm soát hết các tổn thương. Kết quả cho thấy, người bệnh bị sốc đa chấn thương nặng do mất máu và gãy nhiều xương phức tạp bao gồm: Vỡ khung chậu mất vững hoàn toàn phía trước và phía sau, vỡ bàng quang ngoài phúc mạc do mảnh xương di lệch đâm vào thành bàng quang ổ bụng nhiều dịch máu, gãy xương cẳng bàn chân trái và gãy trật khớp bàn chân phải...
Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn liên chuyên khoa và ê-kíp cấp cứu nhận định đây là ca bệnh nặng, người bệnh có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao cần phải can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay.
Một ê – kíp cấp cứu được "báo động đỏ" gồm các chuyên khoa: Khoa Cấp cứu, Khoa Phẫu thuật cột sống, Khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, Khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Khoa Gây mê hồi sức và hồi sức tích cực Ngoại khoa… để giành giật sự sống cho cô gái trẻ.
Các bác sĩ cân nhắc và lựa chọn phương án phẫu thuật hai thì: vừa thực hiện phẫu thuật xử lý vỡ bàng quang, đồng thời phải tầm soát các tổn thương khác trong ổ bụng như cơ quan sinh dục, cơ quan tiêu hóa và cố định tạm thời khung xương chậu, xương gãy của người bệnh.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, cái khó của ca bệnh này là người bệnh nữ này quá nhẹ cân (35kg) lại gặp cùng lúc nhiều tổn thương rất nguy hiểm, mất máu nhiều nên bắt buộc phải huy động lượng máu lớn cấp bù (khoảng 3 lít máu) giúp người bệnh ổn định thể trạng.
Tại khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, TS. BS Nguyễn Đình Liên cùng các phẫu thuật viên tiến hành nội soi qua ổ bụng thăm dò toàn bộ cơ quan trong ổ bụng đồng thời khâu lỗ thủng bàng quang cho người bệnh, các bác sĩ đã tiến hành mở nhỏ vết mổ dưới rốn, tập trung khâu lại vết rách bàng quang, lau rửa ổ bụng, sắp xếp lại xương vỡ cố định tạm thời, chèn nhét cầm máu chứ không thắt động mạch chậu trong hai bên, đảm bảo tối đa chức năng sinh sản cho người bệnh.
TS.Liên chia sẻ, đây là ca phẫu thuật phức tạp, người bệnh là nữ, chưa có gia đình, do đó vấn đề quan trọng là bảo đảm hoạt động cấp máu cho tử cung và khả năng sinh sản sau này cho người bệnh. Thêm nữa, việc các bác sĩ lựa chọn phương án can thiệp bằng phẫu thuật nội soi qua ổ bụng khâu lỗ thủng bàng quang cho người bệnh vì đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, giúp người bệnh nhanh hồi phục, tránh phải chịu một cuộc phẫu thuật mở bụng với đường mổ lớn và nhiều nguy cơ tai biến đi kèm.
Sau 1 tuần toàn trạng người bệnh ổn định, một ekip bác sĩ Chấn thương chỉnh hình do TS.BS Nguyễn Trung Tuyến – Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và y học thể thao phụ trách đã lên kế hoạch, các phương án phẫu thuật cho người bệnh xử lý tổn thương mất vững toàn bộ khung chậu, gãy xương phức tạp cả hai chân.
ThS. BSNT Bùi Ngọc Hoàng, một trong các bác sĩ trực tiếp tham gia phẫu thuật thì hai cho biết, gãy vỡ xương chậu mất vững là tổn thương nặng tỷ lệ tử vong chỉ sau chấn thương sọ não, ngoài ra bệnh nhân còn bị gãy xương phức tạp chi dưới 2 bên, vì vậy việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật vô cùng khó khăn, phức tạp vì có nguy cơ mất máu cao và tổn thương các cơ quan khác trong khung chậu đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên và gây mê hồi sức có kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, độ chính xác cao nhằm kiểm soát tốt ca mổ, giúp người bệnh có cơ hội hồi phục lại chức năng vận động sớm và khả năng sinh đẻ sau này.
Ca mổ căng thẳng và kéo dài trong 6 giờ, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng tại 5 vị trí: đặt lại khớp mu, kết hợp xương cùng chậu hai bên, đóng đinh nội tủy kín ít xâm lấn cẳng chân bên trái, kết hợp xương bàn chân bên phải. Người bệnh được phẫu thuật trong hai tư thế: người bệnh nằm ngửa để các bác sĩ tiếp cận và đặt lại vùng khớp mu và xương cẳng chân 2 bên; tiếp đó, người bệnh nằm sấp để các bác sĩ tiếp cận hai bên cánh chậu và đặt lại khớp cùng chậu dưới sự hỗ trợ của màn hình tăng sáng.
Ca mổ diễn ra rất thành công, người bệnh sau mổ phục hồi tốt, đang được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để sớm đi đứng trở lại bình thường.
Tin có thể bạn quan tâm: