Hà Nội

Cứu sống bệnh nhân nhồi máu não diện rộng có phù não ác tính

12-06-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc, đột quỵ thiếu máu hay nhồi máu não chiếm tỷ lệ khoảng 80 - 85% bệnh nhân đột quỵ não.

Thiếu máu não kéo dài dễ dẫn đến nhồi máu não

Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc, đột quỵ thiếu máu hay nhồi máu não chiếm tỷ lệ khoảng 80 - 85% bệnh nhân đột quỵ não. Thiếu máu não kéo dài sẽ dẫn đến nhồi máu não thực sự nếu không được tái thông kịp thời và sẽ để lại các di chứng do tổn thương thần kinh khu trú.

Hình ảnh CT sọ não và mạch máu não có dấu hiệu của nhồi máu não khi vào viện.

Vì vậy, mục tiêu điều trị trong đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp là phải khôi phục dòng máu đến vùng đang thiếu máu càng sớm càng tốt. Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch dùng chất hoạt hóa plasminogen mô tái tổ hợp (rtPA) được xem là điều trị chuẩn mực đối với bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não nhập viện sớm trong 4-5 giờ đầu tính từ lúc khởi phát. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 3-10% bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não giai đoạn cấp được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch do nằm ngoài cửa sổ điều trị hoặc do rất nhiều các chống chỉ định. Trường hợp bệnh nhân H. đến viện sau 5 giờ 30 phút từ khi khởi phát nằm ngoài chỉ định điều trị của thuốc tiêu sợi huyết. Thêm vào đó, tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch có tỷ lệ tái thông mạch máu não không cao đối với các trường hợp tắc mạch máu lớn như động mạch cảnh trong và thường hay bị tái tắc sau điều trị. Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học có thể tái thông được các mạch máu lớn, được chỉ định điều trị trong vòng 8 giờ đối với tuần hoàn bên và có thể tới 12 giờ đối với hệ tuần hoàn sau, tỷ lệ tái tắc sau can thiệp gặp ít hơn. Bệnh nhân này đến viện trong giới hạn cho phép điều trị lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học và bệnh nhân đã được lấy huyết khối, tái thông hoàn toàn động mạch cảnh trong trái giờ thứ 7. Ở trường hợp này, tuy không cứu được toàn bộ vùng não bị thiếu máu nhưng cũng đã thu hẹp được diện tổn thương.

Hình ảnh CT mạch máu não sau can thiệp.

Hình ảnh CT mạch máu não sau can thiệp.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc, mặc dù đã được tái thông mạch nhưng do thời gian tái thông khá muộn (giờ thứ 7), bệnh nhân vẫn tiến triển dẫn đến nhồi máu não ác tính, hiệu ứng khối nặng nề, gây tăng áp lực nội sọ, đè đẩy đường giữa bậc III. Các bệnh nhân nhồi máu não ác tính có tỉ lệ tử vong lên tới 80% khi điều trị nội khoa và để lại di chứng nặng nề ở những bệnh nhân sống sót. Phẫu thuật mở sọ giải chèn ép (decompressive craniectomy - DC) được xem là cơ hội cuối cùng với bệnh nhân này. Bên cạnh đó, việc mở sọ giải chèn ép cũng làm giảm hiệu ứng khối, giảm áp lực nội sọ và cải thiện tưới máu não, làm tăng tỉ lệ sống sót, giảm thiểu di chứng. Do đó, TS. Ngọc khuyến cáo, bệnh nhân đột quỵ cấp cần được đưa đến bệnh viện kịp thời để điều trị tái thông mạch máu não, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Được biết, Bệnh viện TWQĐ 108 là một trong số ít trung tâm tại Việt Nam có thể cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ não một cách toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa hồi sức thần kinh, phẫu thuật thần kinh và can thiệp mạch máu não. Trong những năm qua, Trung tâm Đột quỵ não của bệnh viện đã áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, phối hợp chặt chẽ nhiều chuyên khoa trong cấp cứu và điều trị thành công nhiều trường hợp bệnh nhân đột quỵ cấp, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và tàn phế.

Ðột quỵ thiếu máu hay nhồi máu não chiếm tỷ lệ khoảng 80 - 85% bệnh nhân đột quỵ não. Thiếu máu não kéo dài sẽ dẫn đến nhồi máu não thực sự, nếu không được tái thông kịp thời và sẽ để lại các di chứng do tổn thương thần kinh khu trú.

Hoài An

 

 

 


Ý kiến của bạn