Cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu rất nặng tại Quảng Ninh

06-12-2013 09:02 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong số nhiều trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu (methanol) tại Quảng Ninh mấy ngày gần đây, có 3 bệnh nhân may mắn thoát chết nhờ sự điều trị tích cực của các bác sĩ BVĐK Quảng Ninh.

Trong số nhiều trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu (methanol) tại Quảng Ninh mấy ngày gần đây, có 3 bệnh nhân may mắn thoát chết nhờ sự điều trị tích cực của các bác sĩ BVĐK Quảng Ninh.


	Bệnh nhân ngộ độc rượu (methanol) nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: BS. Chính.

Bệnh nhân ngộ độc rượu (methanol) nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: BS. Chính.

Hiện tại 3 trường hợp này đang tiếp tục được theo dõi điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực, trong đó có 2 trường hợp nhẹ và một trường hợp bị ngộ độc rượu rất nặng cũng đang dần hồi phục.

Trước đó, vào tối 3/12, các bác sĩ BVĐK tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 4 trường hợp ngộ độc rượu rất nặng. Trước khi nhập viện khoảng 36 giờ, 4 bệnh nhân này có uống loại rượu “Nếp mới Hà Nội”. Uống hết can thứ nhất thì 2 người thấy đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ nên dừng uống và đi ngủ. Còn lại 2 người tiếp tục ngồi uống can rượu thứ hai, sau đó 2 nạn nhân cũng thấy đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ... và đi ngủ.

Sáng hôm sau, bạn bè phát hiện 2 người uống sau có biểu hiện rối loạn ý thức và vật vã nhiều, còn 2 người đi ngủ trước thì vẫn đau đầu và nhìn mờ tăng, nhưng cả 4 bệnh nhân không được đưa tới viện ngay. Đến cuối buổi chiều cùng ngày, 2 bệnh nhân đi vào hôn mê, được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.


	Kết quả xét nghiệm định lượng nồng độ methanol trong mẫu rượu. Ảnh do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cung cấp.

Kết quả xét nghiệm định lượng nồng độ methanol trong mẫu rượu. Ảnh do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cung cấp.

Tại thời điểm nhập viện, trong 2 bệnh nhân ngộ độc nặng thì một trường hợp hôn mê sâu, da lạnh, trụy tim mạch, đồng tử giãn tối đa 2 bên (mất phản xạ ánh sáng), nhiễm toan chuyển hóa nặng... đã được đặt ống nội khí quản, thở máy, truyền dịch và thuốc nâng huyết áp, truyền bicarbonate, uống ethanol và lọc máu cấp cứu... nhưng tình trạng không cải thiện và tử vong vào buổi sáng hôm sau.

Bệnh nhân ngộ độc nặng thứ hai (25 tuổi) cũng ở trong tình trạng hôn mê sâu, ứ đọng hầu họng, da lạnh, thở nhanh (30 lần/phút), mạch nhanh (160 nhịp/phút), nhiệt độ 36oC, tụt huyết áp (70/40), kích thước đồng tử 3mm (phản xạ ánh sáng yếu), không có dấu hiệu thần kinh khu trú, rì rào phế nang phổi đều và rõ hai bên, không có ran, tim nhịp nhanh, bụng mềm và gan lách không to. Xét nghiệm khí máu có tình trạng toan chuyển hóa nặng. Xét nghiệm định lượng methanol trong mẫu rượu phát hiện methanol với hàm lượng 23%.

Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản, dùng thuốc an thần và thở máy; đặt catheter tĩnh mạch trung tâm đường dưới đòn để truyền dịch và thuốc nâng huyết áp (dopamin); đặt catheter tĩnh mạch đùi để lọc máu (thẩm tách máu) cấp cứu, truyền bicarbonate đường tĩnh mạch và nhỏ giọt dạ dày ethanol 10%... Sau 1 ngày điều trị, ý thức bệnh nhân có cải thiện nhưng vật vã kích thích nhiều nên phải dùng thuốc an thần, huyết động ổn định (mạch: 140 nhịp/phút, huyết áp: 120/70 mmHg), có nhiều nước tiểu (7000 ml/24 giờ), hết toan chuyển hóa, khoảng trống aninon trở về gần bình thường (12,7 mmol/L), lactat máu giảm rõ (1,86 mmol/L).

Hai trường hợp ngộ độc rượu nhẹ hơn cũng được nhập viện điều trị và theo dõi vì đau đầu và giảm thị lực, phác đồ điều trị bao gồm các thuốc chính như ethanol nhỏ giọt dạ dày, truyền dịch..., sau 2 ngày điều trị thì hết đau đầu, thị lực có cải thiện.

Theo tài liệu y khoa, ethanol và methanol là các sản phẩm của quá trình ủ men tự nhiên và đã được con người sử dụng từ xa xưa. Ethanol được sử dụng nhiều nhất với nhiều mục đích khác nhau từ mức độ được xã hội chấp nhận cho tới mức độ tội phạm, từ mức độ có lợi cho tới mức độ có hại và thậm chí gây chết người.

Các loại rượu khác (như methanol) cũng được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp dưới dạng các dung môi, chống đóng băng, dung dịch của phanh, sơn, resin và nhiên liệu. Phơi nhiễm với các hóa chất này thường xảy ra khi người ta sử dụng thay thế cho ethanol, khi tự tử, khi san sẻ các chất này từ các đồ chứa đựng ban đầu, khi không bảo quản an toàn tại gia đình, hoặc tiếp xúc kéo dài trong nghề nghiệp. Đặc biệt nguy hiểm là việc ô nhiễm hoặc sử dụng các hóa chất này trong thực phẩm, nước uống hoặc thuốc chữa bệnh… đã gây ra các vụ ngộ độc lớn

Vụ ngộ độc rượu (methanol) mới xảy ra ngày 3/12 tại tỉnh Quảng Ninh là một ví dụ điển hình đã khiến nhiều người phải nhập viện, trong đó có 5 trường hợp tử vong (1 trường hợp tử vong trước khi tới bệnh viện và 4 trường hợp tử vong vì ngộ độc quá nặng ngay từ khi nhập viện: trụy tim mạch, toan chuyển hóa nặng, hôn mê sâu và mất não).

ThS. BS. Lương Quốc Chính (http://www.bacsinoitru.vn/)


Ý kiến của bạn