Phối hợp 2 viện cứu sống thai phụ mắc bệnh lý hiếm gặp
Tin từ Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, cách đây 10 ngày, chị T., 28 tuổi ở Hà Nội cảm thấy đau đầu dữ dội, đau đến mức chị phải sử dụng thuốc giảm đau mặc dù chị đang mang thai tuần thứ 37, tuy nhiên tình trạng không được cải thiện. Chị T. đến khám tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội.
TS BS Trần Văn Cường, Trưởng khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh nhân đến khám với các triệu chứng của bệnh lý tiền sản giật. Tuy nhiên theo lời kể của bệnh nhân cho biết, chị thường xuất hiện các triệu chứng đau đầu về đêm không liên quan đến huyết áp. Kết quả thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cho thấy sản phụ T. có dấu hiệu tiền sản giật và được chỉ định mổ lấy thai.
Hai ngày sau phẫu thuật mổ lấy thai, sản phụ T. có hiện tượng đau bụng nhiều, sốt có biểu hiện của một nhiễm trùng, chướng bụng rất điển hình của viêm phúc mạc. Các xét nghiệm cho thấy đường máu tăng liên tục, bắt đầu có biểu hiện đường huyết cao và dấu hiệu suy thận cấp. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Bệnh nhân đang được hồi sức tại Bv Bạch Mai.
Sau khi tiến hành mở ổ bụng, các bác sỹ thấy rất nhiều dịch nâu đen. Ngay lập tức kíp mổ cấp cứu liên lạc qua điện thoại với các bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa Bệnh viện Xanh Pôn. Song song với hội chẩn từ xa, Ban lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn cử một êkíp cấp cứu ngay lập tức tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hỗ trợ ca mổ.
Bs. Ôn Quang Phóng, Khoa tiêu hoá, Bệnh viện Xanh Pôn, trưởng êkip cấp cứu được tăng cường cho Bv Phụ sản Hà Nội cho biết: “ Qua thăm khám các thương tổn trong phẫu thuật, chúng tôi thấy có hình ảnh “vẩy nến” đặc thù của viêm tụy cấp trong mạc nối và tụy hoại tử toàn bộ. Chúng tôi tiến hành mở bao tụy, lấy tổ chức hoại tử và dẫn lưu ổ tụy, túi mật cũng như ổ bụng. Nhận thấy đây là một ca bệnh khó, tiên lượng nặng và rất hiếm gặp, kíp cấp cứu của 2 bệnh viện bàn bạc và quyết định chuyển bệnh nhân sang Bạch Mai để lọc máu và hồi sức tích cực”.
“Trong viêm tụy cấp thai kỳ, chỉ định chấm dứt thai kỳ (mổ lấy thai) thường được đặt ra khi thai đủ tháng và khi điều trị nội khoa không đạt được kết quả. Hiện tại sau mổ ngày thứ 4, sản phụ đã hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống được. Các xét nghiệm máu đã trở về gần như bình thường. Tuy vậy vẫn còn rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra do các biến chứng của viêm tụy hoại tử”.
Viêm tụy cấp trong thai kỳ là một bệnh lý hiếm gặp với tần suất được ghi nhận từ 1/1.000 đến 1/12.000 (Theo Ramin và cs., 1995), từ 1/1.000-3/10.000 (Junesa và cs., 2013). Chẩn doán Viêm tụy cấp trên thai kỳ thường rất khó khăn. Rất dễ nhầm với những chẩn đoán khác. Bệnh có thể diễn tiến theo nhiều thể từ nhẹ đến nặng, với tình trạng hoại tử, không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ bị áp xe hay suy đa cơ quan. Nguy cơ tỉ lệ tử vong mẹ và con lần lượt là 20% và 50%, trong đó có đến 43 - 62,5% xuất hiện ở 3 tháng cuối của thai kỳ.
“28 năm làm nghề mới gặp 1 ca”
Đây là chia sẻ của TS Cường, bác sĩ cho biết: "Suốt 28 năm trong nghề, tôi mới gặp ca này là đầu tiên. Bệnh nhân bị viêm tuỵ hoại tử trên nền tiền sản giật". Trước đó, khi thăm khám bệnh nhân có triệu chứng của tiền sản giật, chỉ có một dấu hiệu rất nhỏ là đau đầu về đêm. Nếu đau đầu liên quan đến chứng tăng huyết áp thì phù hợp với một bệnh cảnh tiền sản giật. Tuy nhiên ở bệnh nhân này hoàn toàn không rõ nguyên nhân. Bác sĩ Phóng cho biết, nguyên nhân của ca bệnh này không rõ ràng, nhưng có thể do sự chèn ép của thai nhi trong ổ bụng.
Theo các bác sỹ, nguyên nhân hàng đầu của viêm tuỵ cấp trong thai kỳ là do bệnh trong bản thân người đó, sỏi mật là nguyên nhân thường gặp hơn. Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân có thể gặp dẫn tới viêm tụy cấp thai kỳ gồm tăng triglyceride máu, lạm dụng bia rượu hoặc các bệnh lý tuyến giáp. Bên cạnh đó, trong khi mang thai, ở những giai đoạn cuối, thai nhi lớn rất nhanh gây áp lực trong ổ bụng có thể dẫn đến viêm tụy cấp…