Hà Nội

Cứu sống bệnh nhân kẹt van 2 lá biến chứng phù phổi cấp

02-12-2015 21:38 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện TƯQĐ 108 vừa phẫu thuật thành công cứu sống một trường hợp bệnh nhân bị kẹt van 2 lá cơ học biến chứng phù phổi cấp.

Bệnh nhân là anh Lê Văn C, 29 tuổi, có tiền sử thấp tim từ nhỏ, biến chứng hẹp khít van 2 lá. Anh C. đã được phẫu thuật thay van 2 lá cơ học năm 2013. Gần đây bệnh nhân thấy ho nhiều, khó thở tăng dần, xuất hiện ho khạc ra bọt hồng, chuyển đến Bệnh viện TƯQĐ 108 với chẩn đoán phù phổi cấp do kẹt van 2 lá cơ học sau phẫu thuật thay van năm thứ 2. Sau khi thăm khám và hội chẩn cấp cứu, bệnh nhân được đưa lên phòng mổ ngay trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, tràn dịch màng phổi 2 bên…

Bệnh nhân nhanh chóng được gây mê nội khí quản, hô hấp điều khiển. Đặt canuyn động-tĩnh mạch đùi phải, chạy tuần hoàn ngoài cơ thể hỗ trợ 2/3 lưu lượng, chạy tuần hoàn ngoài cơ thể toàn phần sau khi đặt được 2 canuyn tĩnh mạch chủ trên và dưới. Quá trình phẫu thuật kéo dài do dính, bóc tách khó khăn, thời gian chạy tuần hoàn ngoài cơ thể kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, thời gian kẹp động mạch chủ cũng mất gần 2 giờ. Bệnh nhân được lấy hết cục máu đông và thay lại van 2 lá cơ học.
Quá trình trong và sau mổ, bệnh nhân được hồi sức đặc biệt tích cực, kiểm soát hô hấp, huyết động, cân bằng điện giải, kiềm toan, trợ tim phổi, duy trì chức năng lọc cầu thận.

24 giờ sau phẫu thuật, các triệu chứng của phù phổi cấp giảm hẳn. Sau 5 ngày được điều trị tại Khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân hết khó thở, huyết động ổn định và được xuất viện sau 2 tuần điều trị trong tình trạng sức khỏe hồi phục tốt.

BS CK II Nguyễn Thanh Tú, Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, phẫu thuật thay van tim được tiến hành khá sớm trên thế giới từ những năm 1960 và ở nước ta vào những năm 1970. Mỗi năm có khoảng 280.000 bệnh nhân trên toàn thế giới được thay van tim nhân tạo. Ở nước ta, mỗi năm, trung bình cũng có gần 10.000 bệnh nhân được thay van tim, Viện Tim mạch thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng là một trung tâm phẫu thuật tim trong toàn quốc. Mặc dù đã có những tiến bộ rõ ràng về thiết kế của van tim cũng như kỹ thuật phẫu thuật thay van tim trong những thập kỷ qua, nhưng bệnh nhân mang van tim nhân tạo vẫn có các biến chứng nguy hiểm sau khi thay van.

Cũng theo BS.  Tú, có khá nhiều biến chứng sau khi thay van tim có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Trong đó biến chứng huyết khối là nguyên nhân chính gây tử vong ở những bệnh nhân này. Tỉ lệ biến chứng này gặp ở 0,6 - 2,3% bệnh nhân mỗi năm. Nguy cơ biến chứng huyết khối là giống nhau với bệnh nhân mang van tim cơ học có điều trị warfarin và bệnh nhân van sinh học không có điều trị warfarin. Nguy cơ huyết khối không phụ thuộc vào loại van tim nhân tạo cũng như vị trí van tim nhân tạo, các yếu tố nguy cơ. Biến chứng huyết khối có thể gây ra huyết khối bắn lên hệ thống gây ra tắc các mạch như mạch chi hoặc mạch máu não; đặc biệt nguy hiểm khi huyết khối gây kẹt van tim nhân tạo. Tỉ lệ huyết khối gây kẹt van nhân tạo gặp từ 0,3 - 1,3% mỗi năm. Triệu chứng của huyết khối gây kẹt van là bệnh nhân có khó thở hoặc mệt mỏi tăng lên trong thời gian ngắn từ vài ngày đến 1 tuần. Điều này đặc biệt hay gặp ở những bệnh nhân đột ngột dừng thuốc chống đông, có thay đổi liều chống đông.

BS Tú khuyến cáo, những bệnh nhân có triệu chứng này cần phải được làm siêu âm sớm để chẩn đoán. Khi có chẩn đoán huyết khối gây kẹt van nhân tạo mà kích thước huyết khối nhỏ, có thể điều trị bằng các thuốc tiêu huyết khối như urokinase hoặc streptokinase, tỷ lệ thành công khá cao. Nếu huyết khối gây kẹt van nhân tạo lớn, di động hoặc bệnh nhân trong tình trạng huyết động không ổn định, cần phải phẫu thuật cấp cứu để lấy huyết khối hoặc thay lại van. Với những bệnh nhân mổ lại do kẹt van nhân tạo, tỉ lệ tử vong là 4-5%.


Minh Trí
Ý kiến của bạn