Bệnh nhân là ông Kim Jung Soo (40 tuổi) đến làm việc tại Việt Nam từ năm 2017. Ngày 25/1/2019, khi đang làm việc, ông Kim Jung Soo đột ngột đau đầu dữ dội, gọi hỏi chậm chạp, ý thức dần lơ mơ, được sơ cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng). Các bác sĩ đã tiến hành chụp CT não - mạch não và chẩn đoán bị xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch cảnh phức tạp…
Sau đó bệnh nhân Soo đã được Bệnh viện Việt Tiệp liên hệ chuyển tuyến tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hồ sơ bệnh án được trao đổi ngay trên nhóm 4G. Vì vậy, khi bệnh nhân vừa tới nơi, các bác sĩ tại khoa cấp cứu đã nắm được tình hình bệnh nhân tương đối toàn diện.
Bệnh nhân người Hàn Quốc bị đột quỵ đã được cấp cứu thành công.
Ảnh BVCC
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy qua nội khí quản, liệt nửa người bên phải, huyết áp cao kịch phát.
Qua hội chẩn, nhóm các bác sĩ quyết định: Khoa can thiệp tiến hành can thiệp nút Coil phình mạch cấp cứu. Khoa ngoại thần kinh sẵn sàng phương án phẫu thuật nếu có phù não tiến triển; Trung tâm đột quỵ não sẽ thu dung điều trị hồi sức tích cực toàn diện bệnh nhân trước - trong và sau can thiệp.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm đột quỵ não, bệnh nhân sau khi can thiệp đã được điều trị hồi sức tích cực tại Trung tâm Đột quỵ não. Sau 10 ngày hôn mê, thở máy, bệnh nhân đã cai được thở máy. Do bệnh nhân co thắt phế quản và phù nề thanh môn nên gặp khó khăn trong rút nội khí quản, cai thở máy. Qua 2 lần rút ra đặt lại nội khí quản, kết hợp với săn sóc hô hấp tích cực, bệnh nhân tự thở được.
Bệnh cảnh xuất huyết dưới nhện cấp tính, có ổ máu tụ lớn nhu mô, phình mạch động mạch cảnh hai bên phức tạp là một trong những mặt bệnh cấp cứu đột quỵ não, bệnh nặng, nguy cơ rủi ro cao. Với chẩn đoán xuất huyết dưới nhện nguy cơ tử vong của bệnh nhân lên tới trên 70%.
Hoạt động can thiệp mạch đã được triển khai nhanh chóng. Các bác sĩ của Khoa can thiệp mạch đã tiến hành nút kín hoàn toàn hai túi phình lớn một cách an toàn, loại trừ triệt để nguy cơ vỡ tái phát.
Đến nay, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã ra viện và tiếp tục công tác.
Từ đó đã thống nhất được phương án điều trị cho bệnh nhân ngay khi tới bệnh viện. Thậm chí có thể hỗ trợ từ xa cho các đồng nghiệp đang trực tiếp tham gia cấp cứu.
Tất cả việc làm đó theo hệ thống vòng tròn: Khoa Cấp cứu (tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên) - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Trung tâm Đột quỵ não/Khoa can thiệp mạch - Khoa Phẫu thuật thần kinh - Trung tâm Đột quỵ não...
Qua hơn 4 năm triển khai mô hình làm việc nhóm đã mang lại lợi ích cho rất nhiều bệnh nhân.