Cứu sống bệnh nhân cùng lúc mắc 3 bệnh lý nguy kịch

17-08-2022 18:32 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nữ 40 tuổi ở Nghệ An cùng lúc mắc 3 bệnh lý u tuyến thượng thận, Basedow kèm nhiễm khuẩn huyết đã được các bác sĩ BV Bạch Mai cấp cứu thành công.

Bệnh nhân Lô Thị Quyên, 40 tuổi, dân tộc Thái, ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh nghệ An được chẩn đoán mắc bệnh Basedow đã 10 năm, tuy có điều trị nhưng bệnh chưa ổn định. Sau đó, chị phát hiện bị tăng huyết áp và nhịp tim cao.

Cách đây 6 tháng bệnh nhân xuất hiện nôn mửa và ngất nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép nên không đi khám. Tới khi mệt nhiều, sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng thì mới quyết định vào viện điều trị.

Cuối tháng 6 chị thăm khám tại BVĐK tỉnh Ninh Bình, được phát hiện có u thượng thận kích thước 12cm nên được chuyển lên Bệnh viện Trung ương.

Cứu sống bệnh nhân cùng lúc mắc 3 bệnh lý nguy kịch - Ảnh 1.

Bệnh nhân Q. khi được điều trị tại BV Bạch Mai.

Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Nội tiết - Đái tháo đường (BV Bạch Mai) với những triệu chứng tim mạch nặng như nhịp tim nhanh thường xuyên ở mức 130-140 lần/ phút, huyết áp dao động thất thường, lúc cao vọt lên đến 220/110 mmHg, lúc tụt xuống 70/40 mmHg. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị sốt cao 40 độ liên tục, rét run…

Tình trạng bệnh nhân lúc đó cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ xuất huyết não và tử vong bất cứ lúc nào.

Ths.BSNT. Vũ Thị Thục Trang, Khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: Đây là một trong những bệnh nhân khó và phức tạp mà Khoa Nội tiết từng điều trị.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã hội chẩn cấp cứu và hoạch định chiến lược điều trị. Đồng thời thực hiện đồng loạt các chỉ định xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu được tiến hành khẩn cấp…

Kết quả xét nghiệm và thăm dò cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị mắc Pheochromocytoma trên nền Basedow. Các bác sĩ đã kịp thời cho thuốc chẹn alpha, thuốc kháng giáp trạng, truyền dịch để kiểm soát huyết áp và các triệu chứng tim mạch.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị có những thời điểm huyết áp của bệnh nhân tăng vọt lên hơn 200/100mmHg, nguy cơ đe dọa xuất huyết não, tử vong.

Nhưng ngay sau đó, huyết áp bệnh nhân lại tụt nhanh xuống 70/40 mmHg, thêm vào đó tim bệnh nhân luôn đập với tần số lên đến 140 chu kì/ phút, có nguy cơ suy tim cấp.

Có những thời điểm, bệnh nhân sốt cao, sốt rét run liên tục, nhiệt độ lên đến 41 độ C. Kết quả cấy máu phát hiện bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do Acinetobacter baumannii - là loại vi khuẩn rất nguy hiểm.

TS.BS. Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ bệnh nhân mắc đến 3 bệnh nặng cùng lúc là khối u thượng thận (Pheochromocytoma) kích thước lên đến 12cm, cường giáp nặng kéo dài nhiều năm và nhiễm khuẩn huyết nặng.

Pheochromocytoma là một dạng u phần tủy của tuyến thượng thận, tăng tiết các hormone gây tăng huyết áp cơn, xảy ra ở khoảng 0,2% số bệnh nhân bị tăng huyết áp. Basedow là bệnh cường giáp gây tim đập nhanh, gày sút, rối loạn thần kinh và tiêu hóa...

Phương pháp điều trị tốt nhất là cắt bỏ khối u thượng thận càng sớm càng tốt, nhưng không thể thực hiện được khi bệnh nhân vẫn cường giáp và còn sốt.

"Chúng tôi phải điều trị đồng thời 3 bệnh cùng lúc và tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho người bệnh. Bên cạnh đó, giám sát theo dõi từng chỉ số, từng diễn biến nhỏ nhất của người bệnh. Sau 3 tuần điều trị tích cực, khi tình trạng cường giáp giảm, hết nhiễm khuẩn, huyết áp được kiểm soát ổn định, bệnh nhân được phẫu thuật cắt u thượng thận thành công tại Khoa Phẫu thuật Gan mật tụy" BS Bảy thông tin.

Có thể nói bệnh nhân thực sự may mắn, bởi sự chồng chéo của các triệu chứng liên quan đến hai bệnh Pheochromocytoma và Basedow có thể làm sai lệch chẩn đoán giữa hai bệnh, trong khi biến chứng của một trong hai bệnh đều có thể gây ra tử vong rất cao.

Về vấn đề tiên lượng, cả hai bệnh lý đều tác động nghiêm trọng đến hệ tim mạch, những khó khăn trong việc điều trị đồng thời có thể làm xấu đi tiên lượng. Pheochromocytoma là bệnh rất hiếm gặp, xảy ra ở 0.05-0.2% ở bệnh nhân bị tăng huyết áp. Trên thế giới cũng mới chỉ báo cáo các trường hợp ca bệnh bị cả Pheochromocytoma cùng với Basedow.

Hành hung nhân viên y tế: Cần làm gì để ngăn chặn hành vi xấu này?  Hành hung nhân viên y tế: Cần làm gì để ngăn chặn hành vi xấu này?

SKĐS - Hành hung nhân viên y tế không phải diễn ra gần đây. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng rồi đâu lại vào đó. Phải chăng do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe? Cần làm gì để nhân viên y tế có một môi trường làm việc an toàn?


N. Anh
Ý kiến của bạn