Hà Nội

Cứu sống bệnh nhân có nhịp tim nhanh chậm thất thường, nguy cơ suy tim

19-09-2019 06:04 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - BSCKI. Đỗ Hữu Nghị - Phụ trách khoa Tim mạch, BVĐK Hà Đông cho biết, các bác sĩ của khoa vừa thực hiện thành công ca đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân 38 tuổi. Đây là kỹ thuật được triển khai thực hiện đầu tiên tại BVĐK Hà Đông.

Trước đó, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (sinh năm 1981, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) với triệu chứng mệt, kém ăn, khó thở, nhịp tim chậm 44 lần/phút, cơn hồi hộp, đánh trống ngực, kèm theo những đợt xây xẩm mặt mày. Ngoài ra bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp.

Kết quả kiểm tra thăm khám cho thấy, bệnh nhân bị hội chứng suy nút xoang (nhịp nhanh, nhịp chậm), có nhịp dưới 40 lần/phút lúc thức. Bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Nếu không thực hiện cấy máy kịp thời, sau một thời gian, bệnh nhân có thể bị suy tim nặng nề, gây có rối loạn nhịp tim, đe dọa đến tính mạng như ngưng tim.

Kíp thực hiện đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân gồm các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội cùng các y bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Các bác sĩ đã tiến hành tạo đường vào tĩnh mạch, luồn và cố định điện cực vào thành cơ tim, sau đó nối vào máy tạo nhịp được cấy dưới da. Ngay sau đặt máy các thông số kỹ thuật của máy ổn định, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, các chỉ số đều ở mức bình thường ghi nhận nhịp máy tạo nhịp là  trên 60 lần/phút. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Kíp kỹ thuật thực hiện đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân.

BSCKI. Đỗ Hữu Nghị cho hay, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là một trong những thủ thuật phức tạp và rất khó trong việc điều trị các bệnh lý về tim mạch đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải được đào tạo bài bản và chuyên sâu. Vị trí đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn được đặt ở khu vực ngực trái gần vai bệnh nhân, có ống dẫn vào buồng tim để hỗ trợ nhịp đập cho tim. Máy tạo nhịp sẽ thay thế phát nhịp khi nhịp tim chậm, giúp giữ nhịp tim bệnh nhân ở mức bình thường. Tuổi thọ trung bình của một máy tạo nhịp tim khoảng 10 - 15 năm.

Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị cho biết thêm, kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn được triển khai từ tháng 6/2019 do các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội chuyển giao. Các bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn khi bị rối loạn nhịp chậm, có hội chứng suy nút xoang, bệnh nhân có nhịp xoang dưới 40 lần/phút hoặc có những cơn ngưng xoang kéo dài.

Một số bệnh nhân có triệu chứng điển hình của rối loạn nhịp chậm như chóng mặt, xây xẩm, ngất thường xuyên hoặc nặng hơn là bệnh nhân có thể ngưng tim, nhồi máu não, bắt buộc phải đặt máy tạo nhịp. Bệnh nhân có cơn nhịp chậm dễ gây xoắn đỉnh, khởi phát các cơn tim nhanh gây đột tử. Tuy nhiên, một số trường hợp lại không có dấu hiệu bệnh, chỉ tình cờ được phát hiện bởi các bác sĩ tim mạch. Nhờ hỗ trợ của máy tạo nhịp tim, đảm bảo tần số tim bệnh nhân tối thiểu 60 lần/phút, giúp cải thiện các triệu chứng bệnh nhân gặp phải, giảm các nguy cơ tim mạch như ngưng tim hay nhồi máu não.

 

BSCKI. Đỗ Hữu Nghị khuyến cáo, trong xu hướng các bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng, nên chú trọng các giải pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong đó, lưu ý đến 3 yếu tố về lối sống, chế độ ăn uống và dùng thuốc. Đồng thời, thường xuyên vận động, tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tuần, giảm cân nặng.

Rối loạn nhịp thường gặp ở người trên 60 tuổi, nữ nhiều hơn nam, ở độ tuổi tương đối cao. Bệnh xảy ra theo cơ chế tim có nút phát nhịp và hệ thống dẫn truyền suy giảm chức năng, thoái hóa theo thời gian, cùng các bệnh lý mãn tính kèm theo như bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp và nhiều rối loạn khác.

Trước đây, khi bệnh viện chưa triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, bệnh nhân bị rối loạn nhịp nhập viện, được đặt máy tạo nhịp tạm thời rồi chuyển lên tuyến trên. Từ khi bệnh viện có kỹ thuật đặt máy tạo nhịp do Bệnh viện Tim Hà Nội chuyển giao kỹ thuật đã giúp ích rất nhiều cho người bệnh trên địa bàn thành phố.

 


Đào Hiền
Ý kiến của bạn