Cứu sống bệnh nhân chảy máu dạ dày ồ ạt

31-08-2019 18:31 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Tin từ Bệnh viên Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ cho biết, đã cấp cứu thành công trường hợp xuất huyết tiêu hóa trong tình trạng rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, niêm mạc nhợt, thở ngáp, toan chuyển hóa nặng, suy hô hấp phải thở máy đã được cứu sống ngoạn mục nhờ triển khai nội soi tiêu hóa cấp cứu tại giường với can thiệp cầm máu qua nội soi với 2 clíp kẹp cầm máu.

Ông Phạm Văn Minh, 60 tuổi, huyện Vị Thanh, Hậu Giang được điều trị tại bệnh viện địa phương từ ngày 22/8  đến 29/8/2019 vì đi tiêu phân đen lẫn máu đỏ bầm nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn diễn tiến nặng với tiêu phân đen tiếp tục nhiều hơn, bệnh nhân mệt, vã mồ hôi, ngất xỉu nên được tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ với chẩn đoán: Sốc giảm thể tích - xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng, nghi do loét dạ dày tá tràng.

Hình 2 clip kẹp cầm máu cho bệnh nhân

Khi vào viện, bệnh nhân bức rức, da niêm nhợt nhạt, vã mồ hôi, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, toan chuyển hóa nặng, suy hô hấp nặng. Hb:3,6g/dl (lượng huyết sắc tố trong cơ thể mức độ giảm rất nặng, giá trị bình thường là 12-15g/dl).

Nhận định đây là trường hợp cấp cứu rất nặng, nên BS CK I Mai Thành Nghiệm - Phó Khoa Cấp cứu tổng hợp đã thực hiện quy trình báo động đỏ nội viện. Bệnh nhân được hồi sức tích cực với thở máy, chống sốc giảm thể tích với dịch truyền, truyền khối hồng cầu lắng, chống toan, sử dụng thuốc ức chế bơm proton theo phác đồ xuất huyết tiêu hóa nặng và tiến hành nội soi cấp cứu tại giường khi tình trạng cho phép.

Sau hồi sức tích cực tình trạng toan chuyển hóa bệnh nhân được cải thiện, huyết áp cải thiện, bệnh nhân được tiến hành nội soi tiêu hóa cấp cứu tại giường.

Ê kíp nội soi do BS Phan Văn Tiển  khoa nội soi đã tiến hành nội soi tiêu hóa cấp cứu  tại giường cho bệnh nhân. Qúa trình nội soi, ngay gối D1 hành tá tràng có một ổ loét đường kính 2 cm, máu đang chảy thành dòng, kẹp 2 clip cầm máu chích cầm máu bằng dung dịch HSE 3% chích 4 mũi xung quanh ổ loét, mỗi mũi 2ml.

Sau chích, không còn chảy máu. Thời gian nội soi và can thiệp trong vòng 15 phút. Tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, huyết áp ổn định, tình trạng hết toan chuyển hóa và được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực điều trị tiếp.

Bệnh nhân hiện đã cai được thở máy, tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, sinh tồn ổn định, hết tiêu phân đen, lượng huyết sắc tố Hb: 9g/dl.

Bệnh nhân được tiếp tục theo dỏi và điều trị tiếp tại khoa hồi sức tích cực chống độc. Từ thành công trường hợp xuất huyết mức độ nặng này cho thấy, ngoài sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các chuyên khoa Cấp cứu, Nội soi, Tiêu hóa huyết học lâm sàng, Hồi sức tích cực chống độc không thể không nói đến vai trò của cầm máu xuất huyết dạ dày tá tràng qua nội noi.

Trường hợp ông Minh đang có tình trạng sốc giảm thể tích, toan chuyển hóa nặng, suy hô hấp nặng đang thở máy thì việc lựa chọn cầm máu qua nội soi được xem là phương pháp lựa chọn tối ưu so với các phương pháp cầm máu khác như: phẩu thuật, can thiệp nội mạch.. để cầm máu xuất huyết tiêu hóa.

Việc phối hợp tiêm cầm máu và dùng clip kẹp cầm máu làm tăng khả năng thành công cầm máu của xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng. Tiêm cầm máu là phương pháp phổ biến an toàn, chi phí thấp và hiệu quả.

Theo BS CK II Bồ Kim Phương, Trưởng khoa tiêu hóa huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ kẹp clip cầm máu qua nội soi là một trong những biện pháp cơ học thông dụng và hiệu quả. Nhất là trong các trường hợp xuất huyết không do vỡ thực quản.

Kẹp clip cầm máu có hiệu quả trong các trường hợp cháy máu đang hoạt động, các tổn thương mạch máu lộ. Tác dụng cầm máu bằng cách kẹp trực tiếp vào mạch máu đang chảy máu mang lại hiệu quả cầm máu cao (như trường hợp tổn thương loét tá tràng đang tia thành máu ở bệnh nhân này).

Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng là một trong những bệnh cấp cứu thường gặp, phương pháp kẹp clip cầm máu qua nội soi được xem là hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng. Đây được xem là phương pháp xâm lấn tối thiểu nhưng mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị cấp cứu cho bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng.

 

 


PV
Ý kiến của bạn