Bệnh nhân nam có tên là Hồ Văn Cường (SN 1995) quê tại phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) bị tai nạn giao thông vào khoảng gần 21 giờ ngày 7/10. Anh Cường bị tai nạn tại đoạn đường trước KCN Hoàng Mai, đây là đoạn đường đang sửa chữa, nâng cấp nên đường xấu, các phương tiện giao thông đi lại khó khăn. Sau khi va quyệt giao thông với một xe tải hạng lớn, anh Cường và xe máy lộn nhiều vòng dưới dưới gầm xe tải nên chân trái của nạn nhân trong tình trạng dập nát. Toàn bộ chân trái của anh Cường dính đầy cát sỏi. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, anh Cường được người đi đường đưa vào Bệnh viện Phong và Da liễu Hoàng Mai sơ cứu. Sau đó một giờ anh Cường được người thân thuê xe đưa ra Hà Nội cứu chữa.
Tuy nhiên, trên đường đưa đi Hà Nội anh Cường có diễn biến xấu. Do vết thương quá nặng, mất máu nhiều nên anh Cường rơi vào trạng thái mạch nhanh, huyết áp tụt, cơ thể nhợt nhạt. Do vậy, khi đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa người thân đã quyết định đưa anh Cường nhập viện tại đây vào khoảng nửa đêm cùng ngày.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, ngay lập tức Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã tiến hành hội chẩn Ban lãnh đạo, Khoa Chấn thương, Khoa Hồi sức – cấp cứu. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân rất nặng: da xanh, niêm mạc da nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp thấp, bệnh nhân rơi vào trạng thái hốt hỏng do đau đớn. Bệnh viện tiến hành mở vết thương kiểm tra thì thấy: bệnh nhân gẫy hở 1/3 dưới hai xương cẳng chân độ 3C; lóc da thịt toàn bộ chân trái từ xương chậu xuống nửa cẳng chân; đặc biệt toàn bộ da từ 1/3 cẳng chân tụt xuống gót dạng như “cởi tất”; toàn bộ cơ đùi và cơ bắp chân bị vò nát dính đầy đất, đá, cát, sỏi, vải rách; đồng thời bệnh nhân bị một vết thương lớn vùng thắt lưng, tiên lượng bệnh nhân nếu không được xử lý kịp thời sẽ tử vong. Ban lãnh đạo bệnh viện đã trao đổi với người nhà bệnh nhân về khả năng lớn phải cắt cụt chân.
Bệnh nhân đã hồi tỉnh sau một ngày được mổ cấp cứu
Sau khi bàn bạc, người nhà đã xin để bệnh nhân ở lại điều trị. Ngay lập tức anh Cường được chuyển lên nhà mổ. Bệnh viện đã chuẩn bị một lượng máu lớn và khẩn trương làm các thủ tục cần thiết để bệnh nhân được đưa lên bàn mổ nhanh nhất. Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Vân – Giám đốc Bệnh viện làm trưởng kíp mổ nhận định thấy, tuy vết thương của bệnh nhân là khá phức tạp nhưng các động mạch lớn đều đang còn nên quyết định bảo tồn chân cho bệnh nhân, cũng là mong mỏi của người thân. Trong suốt quá trình phẫu thuật, bệnh nhân Cường đã được truyền 4 đơn vị máu, 2 đơn vị huyết tương và nhiều dịch thể để giữ mạch và huyết áp ổn định. Sau 3 giờ phẫu thuật, xương cẳng chân bệnh nhân đã được cố định bằng khung ngoại vi, toàn bộ vết thương đã được khâu định hướng.
Một giờ sau khi mổ, bệnh nhân Cường đã được rút nội khí quản, mở mắt và tiếp xúc được, một số ngón chân trái đã cử động nhẹ. Gần hai ngày sau khi mổ, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, chân hồng ấm, bàn chân cử động nhẹ. Bệnh nhân tiếp tục được truyền thêm 4 đơn vị máu. Sau 72 giờ bệnh nhân không có diễn biến bất thường thì có thể khẳng định bệnh nhân đã bảo tồn được chân, sau đó tiếp theo từ 15 đến 20 ngày bệnh nhân sẽ được tiến hành cắt lọc để cấy ghép da.
Thanh Thảo