Hà Nội

Cứu sống bệnh nhân 3 lần cận kề cửa tử

30-03-2014 21:21 | Thời sự
google news

SKĐS - Bệnh nhân là ông Nguyễn Xuân T. (73 tuổi, ở xã Dũng Nghĩa, Vũ Thư, Thái Bình) nhập viện ngày 5/2/2014 trong tình trạng khó thở nhiều, nhịp tim nhanh, viêm phổi nặng.

Ngày 28/3/2014, PGS.TS. Tạ Mạnh Cường - Trưởng Phòng Cấp cứu và Hồi sức tích cực Tim mạch, C1 - Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các bác sĩ vừa cứu chữa thành công một bệnh nhân trong tình trạng đặc biệt nặng, suy hô hấpsuy tim rất nặng do hẹp khít van động mạch chủ, ứ huyết phổi, viêm phổi. Thành công này có được là do sự tận tình, hết lòng vì người bệnh, cấp cứu, hồi sức tích cực tim mạch kết hợp với chăm sóc toàn diện người bệnh của tập thể y bác sĩ Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai.

Sự sống đếm từng giây

Bệnh nhân là ông Nguyễn Xuân T. (73 tuổi, ở xã Dũng Nghĩa, Vũ Thư, Thái Bình) nhập viện ngày 5/2/2014 trong tình trạng khó thở nhiều, nhịp tim nhanh, viêm phổi nặng. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ông T. bị hẹp khít van động mạch chủ từ lâu, đã có chỉ định phẫu thuật thay van tim nhưng bệnh nhân, gia đình chưa đồng ý phẫu thuật. Đến khi bệnh nhân khó thở nhiều lên, người mệt mỏi, suy tim nặng..., gia đình đưa ông T. vào Bệnh viện Thái Bình để điều trị.

Bác sĩ Phạm Minh Tuấn, Khoa C1 Viện Tim mạch khám theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân T.

Sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Thái Bình, tình trạng bệnh không thuyên giảm, khó thở ngày một nhiều hơn và kèm theo sốt... nên bệnh nhân được chuyển lên Phòng cấp cứu và Hồi sức tích cực tim mạch, C1 - Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, ngay lập tức, các bác sĩ đã phải đặt nội khí quản, thông khí nhân tạo và cho bệnh nhân thở máy. Sau khi khám và làm xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị hẹp khít van động mạch chủ, suy tim nặng, ứ huyết và viêm phổi nặng, gây suy hô hấp nặng, suy thận cấp, nguy cơ tử vong là vô cùng lớn.

Một khó khăn rất lớn đặt ra ở đây là van động mạch chủ - cánh cửa để dòng máu từ tim trái chảy qua đi nuôi tất cả các cơ quan nội tạng trong cơ thể của bệnh nhân bị hẹp rất khít, diện tích lỗ van lúc đó chỉ còn 0,4cm2 (khoảng 1/10 diện tích lỗ van của người bình thường). Lúc này, máu trong buồng tim trái bị ứ lại, nội tạng của bệnh nhân thiếu máu, tim co bóp yếu lại càng suy nhiều hơn, máu ứ lại ở phổi làm cho bệnh nhân càng khó thở hơn. Mọi loại thuốc chống suy tim, tăng cường khả năng co bóp cơ tim đối với bệnh nhân lúc này tỏ ra có hại nhiều hơn có lợi. Phẫu thuật thay van động mạch chủ là biện pháp hiệu quả nhất để chạy chữa cho bệnh nhân, tuy nhiên, trong hoàn cảnh này lại không thực hiện được do tình trạng bệnh nhân quá nặng.

Trước tình hình này, giải pháp tạm thời là nong van động mạch chủ bằng bóng nhưng một khó khăn đặt ra là van động mạch chủ có thể bị hở nhiều sau khi nong, mặt khác, bệnh nhân cũng có thể tử vong trong khi làm thủ thuật. Yêu cầu được các bác sĩ đặt ra là phải nong van thật nhanh, bơm bóng ở mức độ thật vừa phải, làm sao cho lỗ van được mở rộng nhưng cũng không gây hở van động mạch chủ nhiều sau nong, như vậy đòi hỏi phát rất khéo léo khi làm thủ thuật.

Hình ảnh van tim được thay.

Ngày 8/2/2014, bệnh nhân được tiến hành nong van động mạch chủ qua da và thật may mắn, diện tích lỗ van được mở rộng hơn và áp lực qua van đã được giảm xuống đáng kể, van động mạch chủ không bị hở nhiều... Sau 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện, tuy nhiên, bệnh nhân vẫn chưa tự thở được, phế quản tăng tiết nhiều đờm đặc và phản xạ ho khạc của bệnh nhân rất yếu. Chỉ định mở khí quản được đặt ra nhằm mục đích thu hẹp khoảng chết thông khí, giúp dịch tiết trong lòng phế quản có thể ra ngoài được dễ dàng hơn và hy vọng người bệnh có thể tự thở, không phải thở bằng máy. Sau 5 ngày mở khí quản, tình trạng hô hấp của bệnh nhân được cải thiện hơn, phổi đỡ viêm hơn, bệnh nhân đỡ khó thở hơn. Điều rất mừng ở đây là bệnh nhân đã không phải thở bằng máy, tự thở bằng chính bộ máy hô hấp của mình. Mức độ suy tim được cải thiện nhưng thể trạng chung của bệnh nhân vẫn còn yếu.

Vừa cấp cứu bệnh nhân,vừa thuyết phục người nhà

Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định, tình trạng bệnh nhân vẫn có thể nguy kịch do còn liên quan nhiều đến mức độ hẹp van động mạch chủ. Câu hỏi này đã được đặt ra và đã được các bác sĩ Phòng C1, Phòng Tim mạch can thiệp và tập thể lãnh đạo Viện Tim mạch hội chẩn, kết luận được đưa ra là nên thay van động mạch chủ qua da vì phương pháp này ít gây nguy cơ hơn cho bệnh nhân trong hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, phương pháp này tốn kém nên khoa đã cử bác sĩ giải thích với người nhà và bệnh nhân. Sau khi được giải thích kỹ lưỡng, người thân của bệnh nhân đã đồng ý, quyết tâm cùng bệnh viện cứu chữa người bệnh.

Ngày 15/3/2014, bệnh nhân được tiến hành can thiệp thay van động mạch chủ qua da tại Phòng Tim mạch can thiệp - Viện Tim mạch. Kết quả siêu âm một ngày sau can thiệp cho thấy: chiếc van nhân tạo này đã và đang hoạt động tốt, đóng mở nhịp nhàng cho dòng máu đi qua trong mỗi chu chuyển tim, tình trạng của người bệnh đã được cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân hết khó thở, không phải thở oxy, tình trạng suy tim đã hết trên lâm sàng. Hiện nay, bệnh nhân đã qua tình trạng hiểm nghèo, hết suy tim, hết khó thở, đang chuyển sang giai đoạn bình phục, tự ăn uống và đi lại được.

Theo PGS.TS. Tạ Mạnh Cường: Có thể nói, đây là một thành công lớn của các bác sĩ và nhân viên Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai mà Phòng Cấp cứu và Hồi sức tích cực C1 và Phòng Tim mạch can thiệp là những đơn vị trực tiếp điều trị, chăm sóc người bệnh. Tại đây, những người chiến sĩ áo trắng đã không quản ngại khó khăn vất vả, hết lòng chăm sóc người bệnh, trăn trở và tìm tòi những biện pháp điều trị hiệu quả, những kỹ thuật cao với mục đích cao nhất là giành lại sự sống cho người bệnh.

Vũ Thanh Lan

Thay van động mạch chủ qua da là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu để chỉnh sửa hẹp động mạch chủ nặng. Đó là tình trạng mà van động mạch chủ của tim bị hẹp hoặc tắc, ngăn cản van mở ra đúng qui trình và hạn chế dòng máu từ thất trái của tim đi đến động mạch chủ. Thay van động mạch chủ qua da được thực hiện qua một vết rạch nhỏ khoảng 4 - 6cm ở háng hoặc ngực (nơi mà ống thông - catheter) có bong bóng và van được đưa vào để đến van bị bệnh. Phương pháp này giúp giảm chấn thương cho bệnh nhân vì không cần phải mổ tim như trong trường hợp mổ hở, dẫn đến thời gian phục hồi nhanh hơn và rút ngắn thời gian nằm viện.

 


Ý kiến của bạn