PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhi buộc phải phẫu thuật song lại mắc bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp, thể trạng quá yếu... đã xin về chờ chết nhưng các bác sĩ đã hồi sinh sự sống cho em.
TS Dũng cho biết, nhờ sự kiên trì điều trị và có chiến lược sử dụng kháng sinh hợp lý, khối áp xe của bệnh nhân Bùi Đăng Tuấn, 14 tuổi, (ở huyện Ea H'Leo, Đắc Lắc) đã teo lại, bệnh nhân từ cửa tử đã có cơ hội sống bằng điều trị nội khoa, không cần phẫu thuật. Sau hơn một tháng điều trị, hôm nay 1/10, bệnh nhân đã khỏe mạnh và được xuất viện.
Bệnh nhi Tuấn nhập viện ngày 30/8 trong tình trạng sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn liên tục, cả đêm co quắp ôm đầu không ngủ được. Kết quả phim chụp cho thấy hình ảnh một ổ áp xe lớn trong não tồn tại gần 2 tháng, kích thước khoảng 5-6cm.
Gia đình cho biết đã từng đưa Tuấn đến BV Nhi Trung ương khám và cũng được các bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật vì có khối áp xe não. Tuy nhiên do thể trạng yếu (chỉ nặng 24kg), lại mắc bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp, nhiều dị tật nên không thể can thiệp ngoại khoa. Sau một tháng điều trị, Tuấn trở về nhà và lại đau triền miên, sốt cao, gia đình đã đưa em đến khoa Nhi (BV Bạch Mai) điều trị.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi trước khi xuất viện.
Tại đây, các bác sĩ nhận định, với tình trạng áp xe não kích thước lớn quá 2 tuần (trường hợp này đến tận 2 tháng) thì phẫu thuật là phương pháp tối ưu cho bệnh nhân. Việc điều trị nội khoa sẽ rất khó do thành áp xe quá dày, kháng sinh rất khó thấm qua ổ áp xe. Các bác sĩ khoa Nhi đã phải liên tục hội chẩn với bác sĩ ngoại khoa, nhưng cũng vì tình trạng bệnh lý tim bẩm sinh nặng, thể trạng yếu nên bệnh nhi không thể được phẫu thuật. Ngay cả yêu cầu mổ để dẫn lưu ổ áp xe ra ngoài, thuận lợi hơn cho điều trị nội khoa cũng không thể làm vì tình trạng bệnh nhân quá nặng. Không thể “đứng nhìn” tình trạng bệnh nhân như vậy, nếu về, bệnh nhân chắc chắn sẽ chết, các bác sĩ đã quyết định giữ bệnh nhân lại điều trị nội khoa.
Trước đó, khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng điều trị vài ca áp xe não bằng nội khoa, nhưng là những ca phát hiện sớm ngay trong tuần đầu, tiên lượng tốt, hầu như không cần chỉ định mổ. Tuy nhiên trường hợp bệnh nhân Tuấn khối áp xe não gần 2 tháng, kích thước lớn, y văn hầu như chưa từng điều trị ca bệnh nào như trường hợp này bằng nội khoa. May mắn, nhờ chiến lược kháng sinh hợp lý và sự kiên trì trong điều trị, khối áp xe đã teo hoàn toàn, bệnh nhân từ cửa tử có cơ hội trở về cuộc sống bình thường.
Phân tích thấy ngoài bệnh tim bẩm sinh, bệnh nhân còn có ổ viêm xoang mãn tính nên có khả năng, ngoài vi khuẩn thông thường trong bệnh não, rất có khả năng có cả vi khuẩn từ xoang lên não. Các bác sĩ đã quyết định sử dụng phác đồ kháng sinh phối hợp, dùng kết hợp 3 loại kháng sinh cùng lúc diệt được hầu như tất cả các loại vi khuẩn.
PGS. Dũng chia sẻ: “Đây không phải là những kháng sinh đắt tiền nhưng lại phổ rộng. Các bác sĩ cũng phải tính toán liều lượng cho phù hợp với thân thể gày gò của trẻ, dù 14 tuổi nhưng chỉ nặng 24 kg. Trong 1 tuần đầu điều trị, bệnh nhân đáp ứng thuốc chưa tốt, trẻ vẫn đau đầu dữ dội. Gia đình đã nhiều lần xin bác sĩ cho con về vì nghĩ đã vô phương cứu chữa. Vừa cứu người chúng tôi vừa phải động viên, khuyên nhủ gia đình cho trẻ ở lại điều trị. Bằng sự quyết tâm, kiên nhẫn, ngày nào bệnh nhân cũng được khám, hội chẩn để đánh giá đáp ứng thuốc, cuối cùng, thành quả cũng đã đến, bệnh nhân đã có cơ hội qua khỏi”.
Với chiến lược kháng sinh này, sau 10 ngày tình trạng đau đầu của trẻ giảm dần, trẻ đỡ sốt và đã có sự thay đổi ngoạn mục, khối áp xe ngày càng teo đi và trước thời điểm xuất viện 1 tuần, khối áp xe kích thước chỉ còn 1cm. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy tình trạng viêm, nhiễm trùng đã hoàn toàn được khống chế.
PGS. Dũng cho hay, tuy bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh, khối áp xe não không còn, nhưng trẻ cần được mổ để sửa dị tật tim bẩm sinh để chữa trị triệt để.
Dương Hải