Cứu sống bé trai 9 tuổi bị tắc mạch máu não

26-04-2019 09:53 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP. HCM) vừa tiếp nhận bệnh nhi nam 9 tuổi nhồi máu não, tắc động mạch thân nền trong tình trạng đột ngột xuất hiện đờm, xanh xao và nôn ói nhiều lần.

Bệnh nhi là nam, 9 tuổi; nhập viện trong tình trạng ói, có biểu hiện lừ đừ, ngủ nhiều, không nói, ói nhiều khi xoay trở và ngủ gà.

Theo lời kể của gia đình, chiều hôm trước khi nhập viện, bé vẫn chơi và chạy bình thường, đột ngột xuất hiện đờm, xanh xao và nôn ói trên 10 lần.

Ngay sau khi nhập viện, các bác sĩ khám và theo dõi điều trị đến ngày thứ 4, bác sĩ đã tiến hành chụp MRI. Theo kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não, tắc động mạch thân nền.

Hình ảnh tắc mạch máu não ở bệnh nhi.

Đến 16h20, bệnh nhân được chụp mạch máu não DSA xác định có tắc mạch máu não (động mạch thân nền). Bé được điều trị theo phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ nhằm lấp động mạch thân nền và tái thông TICI3. Đây là một trong những kỹ thuật tiên tiến trong điều trị tắc động mạch được áp dụng ở nhiều bệnh viện trung tâm lớn trên cả nước.

Sau điều trị, bệnh nhân được chuyển về nằm theo dõi tình hình sức khỏe. Đến ngày thứ 12, bé được xuất viện. Một tháng sau ngày xuất viện, bé đã dần hồi phục trở lại như bình thường.

Mặc dù đã qua 3 giờ vàng điều trị đột quỵ, nhưng bé cũng đã được đội ngũ y bác sĩ chẩn đoán đúng và có phương án điều trị hợp lý. Đây là một trong những ca bệnh khá phức tạp vì đã nằm theo dõi trong 3 ngày tại bệnh viện. Nếu không phát hiện sớm và được điều trị đột quỵ tắc động mạch kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ tử vong.

Theo BS.CK1 Trần Nguyễn Khánh – Phó Khoa Nội thần kinh: “Lấy huyết khối ở trẻ em đối với tắc mạch máu lớn, đặc biệt là động mạch thân nền có thể đạt được kết cục tốt ngay cả khi ngoài cửa sổ điều trị thường quy. Hình ảnh tổn thương DWI trên MRI tiên lượng kết cục xấu, tuy nhiên không nên đơn thuần dựa vào đó để loại trừ phương pháp điều trị. Hiện chưa có chứng cứ tốt - rõ ràng trong khuyến cáo điều trị đột quỵ ở trẻ em. Bóc tách động mạch do chấn thương là nguyên nhân cần lưu ý hàng đầu”.

Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đột quỵ thiếu máu não cấp không chỉ xảy ra ở người lớn mà trẻ em cũng có thể bị. Tỉ lệ đột quỵ thiếu máu não cấp ở trẻ em chiếm khoảng 25% trong tổng số bệnh nhân bị đột quỵ não ở trẻ em. Theo K. P. J. Braun, khoảng 19 trong số 45 trẻ đột quỵ không được chuẩn đoán xác định cho đến 15 giờ hoặc kéo dài đến 3 tháng sau khi khởi phát triệu chứng.

Hiệu quả điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp ở người lớn bằng thuốc tiêu sợi huyết áp (rTPA) và lấy huyết khối bằng dụng cụ đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu RCT. Tuy nhiên, chứng cứ về điều trị ở trẻ em còn thiếu rất nhiều.


Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh lý về tim mạch và ung thư, nhưng đứng hàng đầu về tỷ lệ tàn tật ở người trưởng thành. Vì vậy, đột quỵ não không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề kinh tế, gánh nặng cho toàn xã hội, cho chính bệnh nhân và gia đình người bệnh.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Đột quỵ thường xảy ra “bất ngờ” và để lại hậu quả vô cùng nặng nề khi có tới 90% bệnh nhân phải gánh chịu các di chứng sau cơn đột quỵ như liệt nửa người, liệt toàn thân, bại não, biến chứng tâm lý, tâm thần... Trong 3 năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng từ 1,7% - 2,5%. Trong đó, tỷ lệ nam giới mắc phải cao gấp 4 lần nữ giới. Nghiêm trọng hơn, độ tuổi bị tai biến mạch máu não đang dần trẻ hóa, từ 40 - 45 tuổi so với trước đây là 50 - 60 tuổi.
Theo các bác sĩ nguyên nhân gây đột quỵ, về sọ não các nguy cơ mắc phải ở người trẻ là dị dạng mạch não (sinh ra đã có) khoảng 5% dân số. Tuy nhiên vỡ lúc nào thì không thể biết trước được. Ở người già có thể không vỡ, trẻ em cũng có thể vỡ.
Nguyên nhân thứ hai là u máu thể hang, phình động mạch não. Phình mạch não thường gặp ở người trung niên và có yếu tố bẩm sinh nhưng có một yếu tố liên quan chặt chẽ là bị các bệnh chuyển hóa (cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường) chỗ phình ra sẽ bị vỡ.
Một nguyên nhân nữa được bác sĩ nhắc đến đó là nguyên nhân do các bệnh rối loạn chuyển hóa nhất là bệnh tiểu đường (rất âm thầm) bệnh tiểu đường gặm nhấm thành mạch rất nhiều. Những nước phát triển như Nhật Bản kiểm soát bệnh chuyển hóa rất tốt nhưng ở Việt Nam thì tỷ lệ rất cao, các bệnh tiểu đường, mỡ máu tăng nhanh.



Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn