Hà Nội

Cứu sống bé gái 4 tuổi viêm cơ tim cấp, biến chứng rối loạn nhịp tim

12-06-2017 16:44 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Các bác sĩ Khoa Nhi, BV Bạch Mai vừa cứu sống một bệnh nhi bị viêm cơ tim nặng có biến chứng rối loạn nhịp tim. Đây là bệnh ít gặp ở trẻ nhưng thường diễn biến nhanh, do đó bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần hết sức để ý phát hiện dấu hiệu bất thường để đưa con đi khám và điều trị kịp thời.

Nôn nhiều, mệt lả... vào viện đã viêm cơ tim

Bệnh nhi là H.T.L (4 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, lúc 10h đêm ngày 2/6/2017 được BV Nông nghiệp chuyển tới Khoa Nhi, BV Bạch Mai trong tình trạng khó thở có suy hô hấp và có rối loạn nhịp tim (nhịp chậm và có nguy cơ ngừng tim).

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trước đó, cháu bị sốt, bỏ ăn, nôn nhiều 1 ngày trước khi được gia đình đưa đi khám. Tại BV Nông nghiệp, do trẻ có biểu hiện nôn liên tục ở nhà, mệt và hầu như không ăn được gì nên bệnh nhi được các bác sĩ truyền dịch và theo dõi. Đến 20h ngày 2/6, cháu bất ngờ bị xỉu, khi các bác sĩ khám thấy xuất hiện tình trạng tim đập chậm nên nhanh chóng chuyển đến Khoa Nhi, BV Bạch Mai.

Bệnh nhi được chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng khó thở, mệt lả, nhịp tim chậm dần chỉ còn 40-50 lần/phút. Theo nhận định ban đầu của bác sĩ trực cấp cứu thì đó là biểu hiện suy tim, suy hô hấp. Tình trạng này diễn biến nhanh và có nguy cơ đe dọa tính mạng.


Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

Kíp trực gồm BS. Nguyễn Hồng Phong và BS. Đỗ Tuấn Anh đã hội chẩn nhanh chóng và xác định nguyên nhân ban đầu là khả năng bệnh nhi bị viêm cơ tim cấp có biến chứng rối loạn nhịp tim và suy hô hấp. Bệnh nhi ngay lập tức được đặt nội khí quản, thở máy, dùng các thuốc trợ tim.

Các bác sĩ đã xác định được nguyên nhân và điều trị tích cực ngay từ đầu nhưng tình trạng của bệnh nhi vẫn tiếp tục diễn biến nặng lên trong 2 ngày đầu. Trẻ vẫn tiếp tục phải thở máy, tình trạng suy tim tăng lên với biểu hiện nhịp tim liên tục ở mức cao từ 180-200 chu kỳ/phút, huyết áp có thời điểm rất thấp, chỉ khoảng 60/30 mmHg. Với sự chăm sóc và điều trị tích cực đến ngày thứ 3 thì trẻ có tiến triển theo hướng thuận lợi. Sau 4 ngày, bệnh nhi đã cai được máy thở. Hiện tại (ngày 8/6), cháu đã tỉnh táo, có thể nói chuyện được. Tình trạng suy tim của trẻ luôn được theo dõi sát.

Theo đánh giá của các bác sĩ thì khả năng co bóp của cơ tim đã phục hồi nhanh chóng. Và hôm nay (ngày 12/6), sau 10 ngày điều trị, cháu L. đã hoàn toàn khỏe mạnh và được các bác sĩ cho xuất viện.

Bệnh ít gặp ở trẻ nhưng nguy hiểm

Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, ThS.BS Trương Văn Quý, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: Trường hợp của bé .L là trường hợp viêm cơ tim nặng, khi vào viện trẻ đã có biểu hiện suy tim rất nặng và có rối loạn nhịp tim (nhịp chậm), nguy cơ ngừng tim rất cao. Cháu bé đã nhận được sự chăm sóc và điều trị kịp thời và bệnh nhi cũng đáp ứng rất tốt với những điều trị mà bác sĩ đưa ra nên trẻ hồi phục khá nhanh chóng.


Cháu L. đã khỏe mạnh ra viện sau khi được các bác sĩ khoa Nhi điều trị tích cực, cứu sống thành công.



BS. Quý cũng cho biết thêm: Ở trẻ em, các biểu hiện của viêm cơ tim thường không đặc hiệu như trẻ mệt nhiều, không chịu chơi, nôn trớ, bỏ bú hoặc bú kém và bị các triệu chứng của bệnh lý khác che mờ như biểu hiện khó thở và suy hô hấp. Do đó nếu không có sự thăm khám một các toàn diện và không nghĩ đến viêm cơ tim thì dễ bỏ sót chẩn đoán và đưa ra quyết định điều trị không chính xác ngay từ đầu.

Không giấu được niềm vui khi thấy con gái khỏe mạnh trở lại, anh Hoàng Mạnh Quân - bố cháu chia sẻ: “Bác sĩ nói con gái tôi bị viêm cơ tim cấp có biến chứng rối loạn nhịp tim, cộng thêm việc bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, nhiều lần đe dọa tính mạng, tuy nhiên chưa lúc nào các thầy thuốc ở đây và gia đình chùn bước, không kể ngày đêm, theo dõi sát sao từng chỉ số của cháu và điều chỉnh thuốc cho hợp lý. Không biết nói gì hơn, từ tấm lòng mình tôi xin chân thành cảm ơn các thầy thuốc Khoa Nhi, cảm ơn bác sĩ Quý hết lòng cứu chữa cho con gái tôi”.

Cũng từ ca bệnh này, BS. Quý khuyến cáo: Viêm cơ tim cấp là bệnh ít gặp ở trẻ em, mỗi năm khoa Nhi, BV Bạch Mai chỉ có vài trường hợp, nguyên nhân thường gặp là do virus. Bệnh diễn biến nhanh và các triệu chứng của bệnh lại không đặc hiệu, chỉ đến khi trẻ có biểu hiện bệnh nặng như sốt cao, trẻ mệt nhiều, nôn nhiều, bỏ bú (ở trẻ bú mẹ) thì gia đình mới chú ý để đưa trẻ đi khám.

Do vậy khi trẻ có dấu hiệu bị ốm đặc biệt là các dấu hiệu trẻ mệt nhiều, ngủ nhiều, li bì, nôn nhiều hoặc ăn kém thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.


Dương Hải
Ý kiến của bạn