Bệnh nhân là cháu A., 12 tuổi (PV: tên bệnh nhân đã được thay đổi). Theo lời kể của mẹ bệnh nhân, cách đây hơn 3 năm, cháu A. bị đau bụng trái, nghi ngờ con bị đau ruột thừa, gia đình đưa con đến khám ở Bệnh viện tỉnh. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện cháu A. có khối u bất thường ở ổ bụng và đưa bé lên một bệnh viện lớn ở tuyến trung ương.
Tại đây, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy cháu A. có khối u sau phúc mạc lớn kích thước 12x15cm, u bao quanh bó mạch chủ bụng, bao quanh bó mạch thận hai bên, u phát triển qua cơ hoành lên lồng ngực, đồng thời trong lồng ngực cháu cũng có khối u với kích thước 10x12cm vùng trung thất, ngay sau màng tim. Sau khi tiến hành sinh thiết, các bác sĩ kết luận cháu A. bị u hạch thần kinh trưởng thành. Mặc dù khối u có tính chất lành tính, nhưng khi phát triển lớn có thể chèn ép tim, phổi, các mạch máu lớn và các tạng trong ổ bụng nguy cơ gây suy hô hấp, suy tim và các biến chứng khác. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, do khối u có kích thước lớn, lại bao quanh nhiều mạch máu lớn nên gặp nhiều rủi ro khi phẫu thuật. Sau khi hội chẩn, bác sĩ khuyên gia đình nên theo dõi thêm.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc u hạch thần kinh
Không chịu đầu hàng, gia đình tiếp tục đưa cháu đi khám tại một số bệnh viện lớn khác nhưng đều cho kết quả tương tự là không nên mổ vì nguy cơ tử vong cao do phẫu thuật khó khăn, bệnh nhân được chỉ định uống thuốc và tiếp tục theo dõi.
Đươc người quen giới thiệu, gia đình cháu biết đến PGS.TS. Trần Ngọc Sơn tại Khoa phẫu thuật Nhi Bệnh viện Xanh pôn đã mổ thành công nhiều khối u khó ở trẻ em, bố mẹ cháu liền đưa đến đây với hy vọng có thể chữa được bệnh cho con.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, PGS.TS. Trần Ngọc Sơn kết luận cháu A. bị u hạch thần kinh lớn sau phúc mạc phía ổ bụng lan lên trung thất sau (ở ngực) bên phải, u bao quanh động mạch chủ bụng và tĩnh mạch dưới, bao quanh bó mạch thận 2 bên. Với tình trạng bệnh lý này, nếu không được phẫu thuật sớm khối u sẽ to dần, chèn ép tim và phổi, bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp, suy tim. Chưa kể, kết quả siêu âm cho thấy, thận phải của cháu A. đã bị ép dẹp biến đổi hình dạng.
PGS. TS Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Bv Xanh Pôn.
Nhận định đây là ca bệnh khó, phức tạp, hiếm gặp song PGS.TS. Trần Ngọc Sơn và các cộng sự đã quyết định phẫu thuật cắt u cho cháu. Ngày 6/6/2019, cháu A. đã được phẫu thuật. Ca mổ căng thẳng kéo dài gần 8 tiếng, được chia thành 2 thì: thì thứ nhất mổ mở cắt bỏ phần khồi u trong ổ bụng và thì thứ hai mổ nội soi lồng ngực bên phải cắt phần khồi u trung thất sau.
Với sự phối hợp chặt chẽ của ê kíp phẫu thuật cùng kíp gây mê hồi sức, ca mổ đã thành công, khối u được cắt bỏ hoàn toàn bệnh nhân chỉ mất 200ml máu. Sau mổ, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở máy trong vòng 24 tiếng. Sức khỏe cháu A. tiến triển tốt, các bác sĩ tiến hành rút dẫn lưu màng phổi ngày thứ 5 sau mổ, rút dẫn lưu khoang sau phúc mạc ngày thứ 6 sau mổ và ra viện vào ngày 14/6, tức là sau mổ chỉ một tuần.
PGS.TS. Trần Ngọc Sơn cho biết thêm “Đây là một ca mổ rất phức tạp do kích thước khối u lớn nằm cả trong ổ bụng và trong lồng ngực, khối u còn bao quanh nhiều mạch máu lớn nên bệnh nhân có nguy cơ tai biến cao, thậm chí tử vong trên bàn mổ trong trường hợp tổn thương mạch máu. Trên thế giới có rất ít các báo cáo cắt những khối u như thế này thành công, và thường được mổ thành hai lần riêng biệt cách nhau 2-4 tuần: lần mổ thứ nhất cắt phần khối u trong ổ bụng và lần mổ thứ hai cắt phần khối u trong khoang ngực và trung thất. Các bác sĩ phẫu thuật nhi Bệnh viện Xanh pôn đã thực hiện cả 2 thì cắt u bụng và ngực trong cùng một cuộc mổ, dùng phẫu thuật nội soi lồng ngực nên giảm sang chấn, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn tránh phải mổ 2 lần, giảm thời gian nằm viện và chi phí điều trị"..