2 trường hợp bị phình động mạch thân tạng, trong đó có 1 trường hợp bị lóc tách và vỡ khối phình vào trong ổ bụng đã được cứu sống nhờ kỹ thuật đặt khung giá đỡ có màng bọc (cover stent).
Bệnh nhân thứ nhất là Phùng Thị T 57 tuổi quê quán ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử bị tăng huyết áp nhiều năm nay nhưng không được điều trị. Vào viện vì đau bụng dữ dội vùng thượng vị, tình trạng mất máu cấp tính với biểu hiện ý thức lơ mơ, mạch nhanh 120 lần/phút, huyết áp tụt 70/40 mmHg, chọc hút dịch ổ bụng có rất nhiều máu không đông. Sau khi chụp cắt lớp vi tính các bác sỹ phát hiện bệnh nhân Th có phình động mạch thân tạng kích thước lớn (3 x 3,6 cm), đã có biến chứng lóc tách gây hẹp lỗ vào động mạch thân tạng, tắc động mạch gan chung, động mạch lách và chẩy máu ổ bụng. Trước tình trạng bệnh nhân rất nặng đe dọa tử vong, phương pháp phẫu thuật mở để vào ổ bụng cắt bỏ khối phình và tái tạo các mạch máu lớn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Hình ảnh khối phình động mạch thân tạng của bệnh nhân Th trước phẫu thuật.
Do vậy, các bác sĩ đã quyết định áp dụng phương pháp can thiệp mạch cho bệnh nhân. Ngày 24/06/2019, kíp kỹ thuật của khoa Can thiệp Tim mạch đã tiến hành nhiều kỹ thuật khó bao gồm: nong lỗ vào động mạch thân tạng, nong động mạch gan chung và đặt 1 stent có màng bọc từ lỗ vào của động mạch thân tạng qua khối phình tới chỗ phân chia động mạch gan chung.
Sau 3 giờ can thiệp, khối phình đã được che phủ hoàn toàn, tình trạng bệnh nhân phục hồi, mạch, huyết áp ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, hết đau bụng và bệnh nhân được xuất viện ngày 28/6/2019.
Hình ảnh khối phình động mạch thân tạng của bệnh nhân Th sau đặt khung giá đỡ có màng bọc (mũi tên đen)
Bệnh nhân thứ hai là Lưu Văn V quê quán ở xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, Tỉnh Thanh Hóa. Bệnh nhân là thương binh hạng ¼ với nhiều bệnh lý mạn tính ở các cơ quan, thể trạng gầy yếu, có tiền sử bị tăng huyết áp nhiều năm nay nhưng không được điều trị và thói quen hút thuốc lá, thuốc lào. Theo lời kể, cách đây khoảng hơn 1 tháng, trước khi nhập viện ông V. có biểu hiện đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, được gia đình đưa đi khám tại bệnh viện Đa khoa Tỉnh Thanh Hóa được chụp cắt lớp vi tính ổ bụng thì phát hiện căn bệnh rất nguy hiểm đó là phình động mạch thân tạng. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Bệnh nhân được các bác sĩ khoa Can thiệp Tim mạch – Bệnh viện Quân y 103 chụp mạch phát hiện khối phình động mạch thân tạng kính thước lớn nguy cơ vỡ phình rất cao.
Ngày 21/06/2019, bệnh nhân đã được áp dụng kỹ thuật đặt 1 stent có màng bọc từ lỗ vào của động mạch thân tạng qua khối phình tới chỗ phân chia động mạch gan chung. Sau 2 giờ can thiệp, khối phình đã được che phủ hoàn toàn, các nhánh của động mạch thân tạng đều được bảo tồn, hết đau bụng và bệnh nhân được ra viện ngày 28/6/2019.
Theo Tiến sĩ- bác sĩ Trần Đức Hùng, Chủ nhiệm khoa Can thiệp Tim mạch Bệnh viện Quân y 103, động mạch thân tạng là một nhánh được tách ra từ động mạch chủ bụng cung cấp máu nuôi gan, lách, tuyến tụy và một phần ống tiêu hóa, có đường kính trung bình khoảng 6-8 mm. Khi đường kính động mạch giãn to trên 1,5 lần so với bình thường thì được gọi là phình động mạch thân tạng, đây là bệnh rất hiếm gặp. Theo thống kê, cho tới nay thì có khoảng dưới 200 bệnh nhân bị phình động mạch thân tạng được báo cáo trên toàn thế giới. Nguyên nhân chính của bệnh phình động mạch thường do xơ vữa mạch hoặc do thoái quá thành mạch.
Triệu chứng của phình động mạch thân tạng khi chưa vỡ nhiều khi chỉ là đau bụng thoáng qua do vậy rất dễ bị bỏ sót. Tuy nhiên, đây là bệnh rất nguy hiểm nếu khối phình bị vỡ. Tỷ lệ vỡ khối phình rất cao ngay cả với những túi phình kích thước nhỏ, khi vỡ túi phình thì máu từ túi phình vỡ sẽ ồ ạt chảy vào ổ bụng và bệnh nhân nhanh chóng bị hội chứng mất máu và rất dễ tử vong.
Thông thường để điều trị phình động mạch thân tạng, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ túi phình và tái tạo lại tất cả các nhánh mạch máu chính nuôi các cơ quan. Tại Việt Nam, cho tới nay cũng chỉ mới có 1 trường hợp bệnh nhân ở Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh bị bệnh lý này được cứu sống bằng kỹ thuật mổ này. Tuy nhiên, đây là một cuộc mổ lớn với thời gian kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong và sau mổ. Để khắc phục được các hạn chế nhược điểm của kỹ thuật mổ mở thì trên thế giới đã có 1 số báo cáo điều trị bệnh lý này bằng đặt khung giá đỡ có màng bọc (cover stent). Đây là 1 giá đỡ bằng kim loại và bên ngoài được bọc bằng một lớp vải mỏng, lớp vải này cho phép máu chảy bên trong lòng stent mà không thoát ra ngoài và không vào trong khối phình. Kỹ thuật này so sánh với mổ mở thì có nhiều ưu điểm: ít xâm lấn, không phải mở bụng, có thể tiến hành trên các bệnh nhân tình trạng nặng, cao tuổi, nguy cơ phẫu thuật cao, theo dõi trong và sau khi làm kỹ thuật đơn giản hơn rất nhiều. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng có 1 số yêu cầu cao về mặt kỹ thuật.