Theo đó ngày 22/7/2019, chị Nguyễn Thị H. 40 tuổi, ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đến TTYT huyện Văn Yên để được sinh con. Chị H., mang thai viện khám nhập viện, được theo dõi chuyển dạ tại Khoa Sản - TTYT huyện Văn Yên, chị H. mang thai lần 3, 2 lần trước đẻ thường.
Đến 5h30 phút ngày 25/7/2019, có dấu hiệu vỡ ối, chị H. tỉnh táo tự lên bàn đẻ với sự hỗ trợ của nữ hộ sinh và gia đình. Đột nhiên, ngay sau đó sản phụ đột ngột gọi không trả lời, tái nhợt, không tự thở, mất mạch cảnh, mạch bẹn, huyết áp không đo được.
Kíp trực chẩn đoán, ngừng tuần hoàn/thai 39 tuần chuyển dạ, nghi tắc mạch ối và được cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim, bóp bóng, đặt Nội khí quản, tiêm Adrenalin. Sau khoảng 30 phút cấp cứu, có tim trở lại, huyết áp tụt kẹt (mặc dù dùng các thuốc vận mạch liều cao).
Nhận thấy tình trạng của thai phụ nguy kịch, thai nhi đã mất tim thai, khả năng tử vong mẹ cao, cần mổ giải phóng thai cố gắng hy vọng cứu mẹ. Thai phụ được mổ lấy thai 6h15, lấy ra 1 thai đã tử vong, đã thực hiện cấp cứu bóp bóng oxy, ép tim, Adrenalin theo phác đồ không có kết quả.
Sau mổ người bệnh tiếp tục diễn biến xấu, lãnh đạo TTYT Văn Yên điện báo cáo xin ý kiến xin hỗ trợ chuyên môn từ BVĐK tỉnh Yên Bái. Lãnh đạo BVĐK tỉnh cử ngay 1 kíp cấp cứu (Bác sĩ gây mê, sản khoa, ngoại khoa và Hồi sức cấp cứu). Sản phụ hôn mê sâu, máu chảy ra từ âm đạo và vết mổ, không có nước tiểu. Kíp hồi sức của BVĐK tỉnh Yên Bái tỉnh và TTYT Văn Yên hội chẩn thống nhất chẩn đoán: Hôn mê sau ngừng tuần hoàn.
Bệnh nhân rối loạn đông máu nghi do tắc mạch ối đã mổ lấy thai 39 tuần. Chỉ định cắt tử cung bán phần để cầm máu, trong quá trình phẫu thuật được truyền 5 đơn vị máu cùng nhóm. Sau phẫu thuật xin chuyển tuyến về Khoa Hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh Yên Bái điều trị tiếp.
Giây phút căng thẳng để lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đến 13h00, ngày 25/7/2019, bệnh nhân hôn mê, thở theo bóp bóng, đồng tử 2 bên giãn tối đa, không có phản xạ ánh sáng, da xanh, niêm mạc tái nhợt, trên da có những mảng bầm tím. Mạch quay nhỏ khó bắt, bụng chướng vừa, vùng phẫu thuật lấy thai băng kín, dịch máu thấm băng, có dịch máu chảy qua dẫn lưu ổ bụng, huyết áp tụt dao động.
Kết quả xét nghiệm, có biểu hiện suy đa tạng (tuần toàn, huyết học, hô hấp, thận..) rối loạn đông máu nặng, các chỉ số đông máu (Prothrombin, APTT, Fibrinogen) và toan chuyển hóa nặng có nguy cơ ngừng tim tái phát rất cao.
Kíp trực cấp cứu của BVĐK tỉnh Yên Bái đã tiến hành hội chẩn cấp cứu toàn viện, thống nhất chẩn đoán: Hôn mê sau ngừng tuần hoàn – rối loạn đông máu nặng, ARDS- suy đa tạng nghi do thuyên tắc ối- suy đa tạng/phẫu thuật lấy thai và cắt tử cung.
Theo BS Nguyễn Song Hảo, Phó giám đốc BVĐK tỉnh Yên Bái, các bác sĩ đã quyết định thông khí nhân tạo chiến lược ARDS netword; truyền các chế phẩm máu và đông máu, đặt HA động mạch xâm lấn, tiến hành siêu lọc máu ngay (CVVH), kháng sinh kết hợp.
Tuy nhiên, khi huyết áp tốt hơn, xuất hiện chảy máu qua vết mổ, qua dẫn lưu lượng nhiều, lượng máu truyền vào không đủ lượng máu mất. Lãnh đạo bệnh viện xin chi viện từ Bệnh viện Bạch Mai về hỗ trợ chuyên môn cấp cứu, cung ứng máu và các chế phẩm của máu.
21h00, ngày 25/7/2019, kíp hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai (gồm Bác sĩ khoa Cấp cứu A9, Trung tâm Huyết học truyền máu, Khoa Sản và cán bộ Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến), cùng dụng cụ cấp cứu, máu và các chế phẩm của máu đã có mặt tại Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Yên Bái để tiến hành hội chẩn, đưa ra các phác đồ tối ưu cho người bệnh.
Với sự hợp đồng từ tuyến trên và tuyến dưới đã vạch ra phác đồ điều trị, tiếp tục hồi sức nội khoa: đảm bảo hô hấp, tuần hoàn, kháng sinh kết hợp, điều chỉnh rối loạn đông máu bằng các chế phẩm của máu, dinh dưỡng, lọc máu liên tục....
Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của BVĐK tỉnh Yên Bái dù nhân lực thiếu, chia làm 3 kíp, làm việc liên tục 24/24h để xử trí cấp cứu người bệnh. Mỗi ngày từ 4-6 giờ ghi chép đầy đủ các thông số lâm sàng, thở máy, xét nghiệm gửi về Bệnh viện Bạch Mai về hội chẩn điều chỉnh phác đồ theo diễn biến của người bệnh.
Đến ngày 5/8/2019, bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 89 đơn vị máu và các chế phẩm của máu. Siêu lọc máu liên tục 5 lần (mỗi lần kéo dài 18-24 giờ); chạy thận nhân tạo 4 lần. Điều trị kết hợp 3 loại kháng sinh thế hệ mới. Thông khí nhân tạo theo chiến lược bảo vệ phổi ARDS netword. Chọc dẫn lưu các màng (màng bụng, màng phổi).
Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, 5 ngày đầu tiên tình trạng tiếp tục diễn biến nặng: Rối loạn động máu, suy hô hấp, không giảm được vận mạch, vô niệu hoàn toàn, nhiều lần có nguy cơ ngừng tim. Sau 7 ngày bệnh nhân tỉnh dần, cắt được vận mạch 3 thuốc trợ tim và vận mạch, cai dần được máy thở và rút ống nội khí quản, đông máu dần cải thiện.
Ngày 6/8/2019, sau 10 ngày, chị H. đã tỉnh, giao tiếp được với gia đình và thầy thuốc. Tự thở, ăn được ít cháo, huyết áp ổn định. Còn thiểu niệu, không sốt.
Theo các bác sĩ BVĐK tỉnh Yên Bái, hiện nay bệnh nhân tiếp tục lọc máu đào thải chất độc, tăng cường dinh dưỡng, điều trị triệu chứng và náng cao thể trạng cơ thể.