Hà Nội

Cựu nữ nhân viên buồng phòng, chuyên gia tâm lý đăng quang Nobel Văn học

16-10-2019 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Từ ngày 10/10/2019 Olga Tokarczuk đã trở thành nhà văn nổi tiếng thế giới. Được đào tạo để trở thành chuyên gia tâm lý, song đam mê viết truyện đã đưa chị đăng quang Nobel Văn học 2018.

Olga Tokarczuk sinh ngày 29/1/1962 ở thành phố Sulechow (Ba Lan), tốt nghiệp Thạc sĩ Tâm lý, Đại học Tổng hợp Warszawa năm 1985. Trong các kỳ nghỉ hè suốt 5 năm học đại học, để có điều kiện sống tự lập, nữ sinh viên giầu nghị lực đầu quân làm nhân viên buồng phòng tại một khách sạn khá sang trọng ở London (Anh). Trước ngày bén duyên văn học, Olga nhiều năm làm bác sĩ tâm lý trị liệu tại Wroclaw và Walbrzych. Ngày 20/5/2018 trả lời phỏng vấn hãng tin PAP sau đăng quang giải thưởng Văn học Quốc tế Man Booker Prize nhờ tiểu thuyết “Bieguni”, người nổi tiếng bật mí, cặp khuyên tai chị vẫn ưa thích trưng diện chính là kỷ vật những năm chị làm nhân viên buồng phòng.

17 tuổi trình làng

Chưa rời ghế phổ thông trung học, năm 1979 nữ sinh Olga Tokarczuk đã có gần chục truyện ngắn đăng trên tạp chí “Na Przelaj”. 10 năm sau tác giả xuất bản tập thơ đầu tiên và năm 1993 - tiểu thuyết đầu tiên “Cuộc phiêu lưu những tín đồ ngoan đạo”.

Sau gần 30 năm cùng lúc học đại học, ngày hè làm nhân viên buồng phòng và thực hành nghề bác sĩ tâm lý trị liệu sau tốt nghiệp đại học, Olga cần cù cho ra đời gần chục tiểu thuyết và tập truyện ngắn. Tiểu thuyết “Bieguni” xuất bản năm 2007 sáng tác theo trào lưu văn học huyền bí giả tưởng đã mang lại cho chị thành công lớn nhất. Tư tưởng tác phẩm bắt nguồn từ giáo phái Bieguni thịnh hành ở Nga thế kỷ 18. Các thành viên giáo phái huyền bí cho rằng, thế giới chúng ta sống là tác phẩm của quỷ Sa tăng. Ác quỷ thâm nhập linh hồn dễ nhất, khi chúng ta kìm chân thời gian. Để trốn chạy quỷ Sa tăng, con người phải liên tục vận động, đẩy nhanh vòng quay bánh xe thời gian. Nữ tác giả mô tả tín đồ Bieguni hiện đại, những người du hành vĩnh cửu. Đối tượng thường nhật sử dụng những sản phẩm đặc thù của riêng giáo phái, như bàn chải đánh răng lắp ghép, giày dép sử dụng một lần, mắc những bệnh gắn với sự biến đổi thời gian khác thường... Năm 2008 “Bieguni” đoạt giải Nike, giải thưởng Văn học lớn nhất Ba Lan, sau đó, năm 2018 tiểu thuyết dịch sang tiếng Anh mang tên “Filghts” đăng quang giải Văn học Quốc tế Booker kèm 50 nghìn bảng tiền thưởng (một phần chia cho tác giả bản dịch).

Olga Tokarczuk sinh năm 1962, người đẹp Ba Lan thứ hai đăng quang Nobel Văn học.

Olga Tokarczuk sinh năm 1962, người đẹp Ba Lan thứ hai đăng quang Nobel Văn học.

Nhân vật có thật và tình yêu động vật vào tiểu thuyết trinh thám

Sau “Bieguni” gây bão dư luận, Tokarczuk cho ra mắt tiểu thuyết, bản thân chị xếp loại “tiểu thuyết trinh thám đạo đức”. Nhân vật chính của “Hãy đưa lưỡi cày của bạn qua hài cốt người quá cố” là bà Janina Duszejko, nguyên mẫu nhân vật trong đời thường.

Bà Janina khởi đầu là kỹ sư cầu đường, hiện là giáo viên dạy môn tiếng Anh, địa lý kiêm nhân viên trông nom nhà nghỉ. Sở thích của bà Janina là chiêm tinh học, còn tình yêu lớn - là mọi con vật. Tại khu vực bà giáo sống ngày càng xuất hiện nhiều phần tử săn bắn trộm và những kẻ hành xác động vật. Con số thú vật vô tội tử vong năm sau nhiều hơn năm trước. Bà Janina có số liệu ghi chép và điều tra đầy đủ danh tính thủ phạm, song cảnh sát bỏ ngoài tai mọi kiến nghị của bà, coi bà như người phụ nữ kỳ quái vô hại.

- Tôi tin, “Hãy đưa lưỡi cày của bạn qua hài cốt người quá cố” đến nay vẫn là cuốn sách mang tính thời sự và được công chúng đón nhận nồng nhiệt - Olga nhận định tháng 5/2019, sau thời điểm tác phẩm dịch ra tiếng Anh được đề cử giải Booker. Ẩn mình bên trong cuốn tiểu thuyết trinh thám là câu hỏi về những vấn đề quan trọng. Nếu pháp luật hiện hành là vô đạo đức, công dân tử tế cần phản ứng thế nào? Có nên tiến hành những hành động phản kháng? Hành vi nổi loạn có được phép xuất hiện trong xã hội dân chủ? Liệu con người có nên đi theo tiếng gọi của lương tâm? “Hãy đưa lưỡi cày của bạn qua hài cốt người quá cố” cũng là cuốn sách viết về sự cô đơn và bị loại ra khỏi đời sống xã hội của những người phụ nữ cao tuổi - nữ nhà văn, tân tác giả Nobel Văn học chia sẻ.

Năm 2017 dự án hợp tác với nữ đạo diễn tài hoa Agnieszka Holland, phim “Pokot” theo kịch bản điện ảnh của Olga Tokarczuk chuyển thể từ tiểu thuyết “Hãy đưa lưỡi cày của bạn qua hài cốt người quá cố” tỏa sáng trên màn bạc thế giới. Phim được trao giải Gấu Bạc và Giải thưởng mang tên Alfred Bauer tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin.

Người đẹp Ba Lan thứ hai tỏa sáng

Sau nữ thi sĩ Wislawa Szymborska (1923-2012) đoạt Nobel Văn học năm 1996, Olga Tokarczuk là người đẹp Ba Lan thứ hai giành vinh quang này. Ngoài điểm khác, Olga là nhà văn, chị còn đăng quang ở độ tuổi trẻ hơn nhiều so với đàn chị tiền bối (57 và 73 tuổi). Gộp lại, đến nay Ba Lan đã có 5 nhà văn, nhà thơ giành Nobel Văn học (Henryk Sienkiewicz, Wladyslaw Reymont, Czeslaw Milosc, Wislawa Szyborska và Olga Tokarczuk). Xếp trên Ba Lan, chỉ có Pháp (16), Mỹ (12), Anh (11), Đức và Thụy Điển (8) cùng Italia và Tây Ban Nha (6 tác giả).


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn