Cứu người chính là lẽ sống của thầy thuốc

25-02-2016 07:10 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong chặng đường phấn đấu, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cao cả bảo vệ - chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành y tế không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành.

Trong chặng đường phấn đấu, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cao cả bảo vệ - chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành y tế không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành. Mạng lưới y tế ngày càng được củng cố, công tác giảm tải bệnh viện đã có những thành công hiện hữu bước đầu, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao; công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai đến vùng sâu, vùng xa, chính sách BHYT gia tăng tỷ lệ bao phủ, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới trong một số lĩnh vực chuyên sâu của Việt Nam đạt ngang tầm các nước trong khu vực...

Bệnh viện tuyến tỉnh làm chủ kỹ thuật cao

Gần những ngày hội của những người làm ngành y - ngày 27/2, liên tiếp những niềm vui được chính các bàn tay tài hoa và sự tận tâm của các thầy thuốc viết thêm vào những thành tựu của ngành. Đó là tại nhiều bệnh viện (BV) tuyến dưới, nhiều kỹ thuật cao của các BV tuyến TW như can thiệp tim mạch, mổ tim hở, chấn thương chỉnh hình, ung bướu... đã được triển khai thành công mỹ mãn, giúp người bệnh không chỉ được hưởng thành tựu khám chữa bệnh có chất lượng ngay tại địa phương mà còn góp phần giảm tải cho tuyến trên. Và, quan trọng hơn cả là những thành công này đã thêm khẳng định cho quyết tâm chính trị thực hiện Đề án Giảm tải BV của ngành y đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt và cái lợi trước hết đã thuộc về người dân...

Nửa ngày sau khi được các bác sĩ của Khoa Tim mạch can thiệp - BVĐK tỉnh Phú Thọ kịp thời cứu sống bởi kỹ thuật can thiệp tim mạch, chiều ngày 22/2/2016, trò chuyện với chúng tôi, dường như bệnh nhân Bùi Đức An vẫn không thể tin mình có thể khỏe mạnh đến thế, có thể nói chuyện dễ dàng đến thế, bởi trước đó, cơn nhồi máu cơ tim cấp đã khiến gia đình phải vội vã đưa anh nhập BVĐK huyện Lâm Thao và được chuyển tuyến lên BVĐK tỉnh Phú Thọ gấp. TS. Nguyễn Huy Ngọc - Giám đốc BVĐK tỉnh Phú Thọ cho chúng tôi biết, hiện nay không chỉ triển khai thành công các kỹ thuật cao về tim mạch can thiệp nhờ sự chuyển giao của Viện Tim mạch Quốc gia, BVĐK tỉnh Phú Thọ còn triển khai thành công các kỹ thuật cao liên quan đến chuyên ngành ung bướu, chấn thương chỉnh hình nhờ là BV vệ tinh của BV K và BV Việt Đức. Đến nay, hàng trăm ca can thiệp tim mạch, hàng ngàn ca phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, ung bướu đã được các bác sĩ của BVĐK tỉnh Phú Thọ thực hiện thành công, kịp thời cứu sống rất nhiều người bệnh. Được biết, so với trước khi thực hiện Đề án BV vệ tinh, tỷ lệ chuyển tuyến của BVĐK tỉnh Phú Thọ đã giảm một cách ngoạn mục: từ gần 60% chuyên ngành ung bướu năm 2010 đến nay chỉ còn 1,6%; đối với chuyên ngành tim mạch từ 35% năm 2010, nay chỉ còn chưa đầy 1%.

Ứng dụng kỹ thuật cao điều trị cho bệnh nhân.Ảnh: Trần Minh

Không chỉ BVĐK Phú Thọ mà hiện nay nhiều BV vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y học cao do BV hạt nhân chuyển giao, thiết thực giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận và được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới, điển hình là BVĐK tỉnh của các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Nam, Lào Cai, Kiên Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Cần Thơ...

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, từ thực tế cho thấy, thực hiện Đề án BV vệ tinh đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện Đề án giảm tải BV của ngành y tế. Trong năm 2015 cũng như trong 5 năm qua, một trong những thành tựu mà ngành y tế đạt được là cải thiện bước đầu tình trạng quá tải trong điều trị. Tại một số BV TW trước đây như BV K, BV Nội tiết, BV Nhi, BV Chợ Rẫy..., bệnh nhân phải nằm ghép 2, ghép 3 một giường, thậm chí phải nằm cả dưới gậm giường thì đến nay có nơi, tình trạng này không còn diễn ra nữa mà thay vào đó, mỗi người một giường, thậm chí có nơi còn có đầy đủ tiện nghi như một căn phòng của một khách sạn. Để làm được điều đó, trong thời gian qua, ngành thực hiện xây mới một loạt các công trình tại các cơ sở 2 của BV hoặc các tòa nhà nhà mới kỹ thuật cao, mở thêm một số cơ số giường bệnh khá lớn, kể cả các BV tuyến tỉnh, tuyến huyện, dựa vào các nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ và vốn xã hội hóa, tự huy động. Hiện số giường bệnh trên vạn dân đã tăng từ 21,5 giường năm 2011 lên 25 giường năm 2015 (vượt chỉ tiêu đề ra là 24 giường/vạn dân). Bên cạnh đó, trong năm 2016 này, nhiều cơ sở 2, khu điều trị kỹ thuật cao của nhiều BV sẽ tiếp tục được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cùng với đó, các giải pháp tổng thể đã được triển khai tích cực và đồng bộ cho việc giảm tải BV như cải tiến quy trình khám bệnh để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Đến nay quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh, so với năm 2012 thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh.

Ðột phá về khoa học công nghệ

Cuối tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và chúc mừng các thầy thuốc chuyên ngành sản khoa của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia và BV Phụ sản TW, khi họ vừa ứng dụng khoa học kỹ thuật để đem lại niềm hạnh phúc vô bờ được làm cha mẹ nhờ kỹ thuật mang thai hộ cho một cặp vợ chồng hiếm muộn 16 năm. Chúc mừng gia đình, bế cháu bé đầu tiên của Việt Nam được chào đời nhờ mang thai hộ, trò chuyện với người mẹ, nhìn ánh mặt người mẹ hạnh phúc, Bộ trưởng chia sẻ: “Cháu bé chào đời là kết tinh của tính nhân văn giữa hành lang pháp lý và khát khao tiếp tục chinh phục khoa học công nghệ của các thầy thuốc sản khoa”.

Trước đó, các thầy thuốc BV Việt Đức và BV Chợ Rẫy cũng đã viết nên kỳ tích về ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành y, khi bằng nỗ lực, bằng khát khao nhân văn vì người bệnh đã thực hiện thành công ca ghép tạng xuyên Việt bởi nguồn tạng được lấy và đưa ra từ TP.HCM với chặng đường 1.800km...

Có thể nói, kết quả nhân văn này là thành tựu khoa học công nghệ đáng để chúng ta tự hào, nhưng nhìn vào những kết quả của ngành y tế trong thời gian qua cho thấy, khoa học công nghệ y tế đã có bước đột phá, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã thực hiện và làm chủ được nhiều khoa học kỹ thuật công nghệ đạt trình độ khu vực và quốc tế. Việt Nam là một trong 39 nước làm chủ được công nghệ sản xuất vắc-xin, tự nghiên cứu sản xuất và cung ứng đủ 11/12 loại vắc-xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Sau 14 năm triển khai thực hiện, Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin (NRA) đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận, đảm bảo hành lang pháp lý để vắc-xin Việt Nam xuất khẩu.

“Bên cạnh đó, Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép đa tạng, ngoài các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc,...; làm chủ và chuyển giao nhiều kỹ thuật nội soi can thiệp cho các nước (như nội soi can thiệp trong bệnh mạch não, bệnh tim mạch, bệnh gan mật, bệnh lý cột sống, nội tiết, nhi khoa,...)” - Bộ trưởng dẫn chứng.

Không chỉ y học hiện đại mà công tác y học cổ truyền được quan tâm, đầu tư, đặc biệt là châm cứu đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều nước đã cử cán bộ y tế đến Việt Nam học kỹ thuật châm cứu. Hiện nay, chúng ta cũng đã mở hai trung tâm châm cứu tại Liên bang Nga và Mexico.

Cũng trong thời gian qua, ngành y tế đã tạo được một bước đột phá trong thực hiện BHYT nhằm đạt mục tiêu BHYT toàn dân. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt 77%, vượt chỉ tiêu đề ra là 75,4%.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng triển khai chặt chẽ, đồng bộ những “thành lũy” bảo vệ sức khỏe người dân qua việc kiểm soát và ngăn ngừa không để các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập Việt Nam, như dịch Zika, Ebola, H7N9, H5N6; MERS-CoV, dịch hạch và các biện pháp ngăn chặn dịch tay-chân-miệng, sốt xuất huyết,... Nhờ vậy, không có dịch bệnh lớn xảy ra và giảm tỷ lệ tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm.

Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được Bộ Y tế xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu. Qua đó góp phần đưa Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ về suy dinh dưỡng, giảm tử vong bà mẹ và tử vong trẻ em được Liên hợp quốc biểu dương, đánh giá cao. Thành tựu đó đã chứng tỏ hướng đi đúng đắn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng và y tế cơ sở của Việt Nam...

Ðồng hành cùng đất nước hội nhập và phát triển

Trên thực tế, trong những năm qua, bằng sự nỗ lực, bằng tinh thần trách nhiệm, tư lệnh ngành y - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng toàn thể các cộng sự của mình và đội ngũ cán bộ y tế quyết tâm hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Có thể nói, sự đóng góp của ngành y đối với xã hội là rất lớn, nhưng âm thầm nên ít người nhận thấy. Tuy nhiên, nhìn lại số liệu thống kê, chúng ta sẽ thấy tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam vài thập kỷ trước chỉ trên 60 tuổi, nay đã là trên 73 tuổi; tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em đều giảm ngoạn mục trong những năm gần đây.

Nếu không có sự phát triển của ngành y tế với những đội ngũ cán bộ có trình độ cao có khả năng ứng dụng tiến bộ y học trong chẩn đoán và điều trị, nếu không có hàng chục ngàn cán bộ y tế ngày đêm cần mẫn làm việc trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh... và trên hết nếu họ không có lòng đam mê nghề nghiệp, yêu thương con người với phương châm “trị bệnh cứu người chính là lẽ sống của thầy thuốc” thì mọi chuyện sẽ ra sao, chắc chúng ta có thể hình dung được... Vẫn biết rằng, đây đó vẫn còn có những thầy thuốc chưa thực hiện đầy đủ các quy định của ngành, khiến người dân phải phàn nàn, vì lẽ đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh” và toàn ngành y đã quyết tâm thực hiện để hướng đến một sự hài lòng toàn diện của người dân với ngành cả về y thuật, y đức, y đạo...

Đồng hành cùng đất nước trên con đường hội nhập và phát triển, trên chặng đường dài, ngành y tế đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng. Những công việc ấy không phải lúc nào cũng được diễn tả bằng lời để mọi người có thể hiểu và chia sẻ. Có những khó khăn đã được tháo gỡ, có những thách thức còn hiển hiện trước mắt, nhưng tựu trung, sâu thẳm trong mỗi cán bộ ngành y đều đau đáu hướng về nhân dân, niềm khao khát cháy bỏng được dâng hiến tâm sức mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của mỗi cán bộ ngành y là được phục vụ nhân dân, phần thưởng quý báu nhất mà họ nhận được là niềm tin yêu, ghi nhận, sẻ chia của nhân dân.


Thái Bình
Ý kiến của bạn