Cựu “Ngoại trưởng y tế” Việt Nam - người luôn trăn trở với công tác bảo vệ sức khoẻ người dân

14-08-2021 08:29 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - PGS.TS Trần Thị Giáng Hương tâm sự: “Tôi mong rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người Việt Nam, đặc biệt là các cán bộ trẻ có năng lực, có khát khao cống hiến sẽ được vào làm việc cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khác”.

Quen biết PGS.TS Trần Thị Giáng Hương hơn 10 năm là cũng chừng ấy năm tôi biết đến PGS  với con người thân thiện, hào sảng, trong công việc PGS Hương là người quyết đoán nhưng lại vô cùng cẩn trọng, tỷ mỉ, rõ ràng. 

Đã 2 năm kể từ khi chị chuyển công tác tới Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương có trụ sở tại Philippines với nhiều trải nghiệm mới mẻ, nhưng hàng ngày chị vẫn chia sẻ những tâm sự, nỗi lo lắng cho quê hương Việt Nam - nơi đang chiến đấu với "kẻ thù vô hình" mang tên dịch bệnh COVID-19.

Cựu “Ngoại trưởng y tế” của Việt Nam- người luôn trăn trở với công tác bảo vệ sức khoẻ người dân - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thị Giáng Hương tại phòng làm việc

Tôi cảm nhận được tận sâu trong con người PGS.TS Trần Thị Giáng Hương  là một con người với nhiều trăn trở cho công tác bảo vệ sức khoẻ người dân không chỉ ở Việt Nam mà còn cho cả khu vực Tây Thái Bình Dương. Chị là người Việt Nam đầu tiên đảm nhiệm trọng trách cao trong tổ chức y tế lớn nhất thế giới. Mới đây chị cũng vinh dự được Bộ Ngoại giao Australia bình chọn là gương mặt tiêu biểu trong các  cựu sinh viên từng du học ở Australia.

PGS.TS. Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc các Chương trình Kiểm soát bệnh tật của Tổ chức Y tế thế giới, Điều phối viên WHO khu vực Tây Thái Bình Dương về vaccine COVID-19 đã có cuộc trò chuyện thú vị về những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của mình.

Phóng viên: Tháng 7 này  là tròn 2 năm bà giữ trọng trách Giám đốc các Chương trình Kiểm soát bệnh tật của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương, bà là một trong số ít những người Việt Nam đảm nhiệm vị trí quan trọng của một tổ chức quốc tế. Vậy 2 năm qua ở môi trường làm việc này đã cho bà những trải nghiệm gì, và có điều gì thú vị không thưa bà?

PGS. TS. Trần Thị Giáng HươngTrong 02 năm qua trên cương vị là Giám đốc các Chương trình Kiểm soát bệnh tật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái bình dương, tôi đã nhanh chóng hòa nhập tốt với môi trường làm việc mới, đó là môi trường làm việc của WHO, Cơ quan chuyên môn y tế quốc tế cao nhất, đòi hỏi trình độ chuyên môn vững vàng, năng lực quản lý điều hành chuyên nghiệp, hiệu quả và khả năng làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa với các đồng nghiệp đến từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. 

Tôi đã thể hiện được năng lực quản lý, năng lực chuyên môn và khẳng định được bản thân trên cương vị mới, được Giám đốc WHO khu vực và các đồng nghiệp tại WHO, các quốc gia thành viên và các đối tác đánh giá cao. Đây là nguồn động lực lớn lao giúp tôi tiếp tục nỗ lực phấn đấu để tiếp tục hoàn thành tốt các trọng trách được giao phó, góp phần vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của 1.9 tỷ dân trong khu vực Tây Thái Bình Dương gồm 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Cựu “Ngoại trưởng y tế” của Việt Nam- người luôn trăn trở với công tác bảo vệ sức khoẻ người dân - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Thị Giáng Hương tham dự cuộc họp của Tổ chức Y tế thế giới về phòng chống dịch COVID-19

Một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất đối với tôi đó là chỉ khoảng sau 6 tháng làm việc tại WHO khu vực Tây Thái Bình Dương thì dịch bệnh COVID -19 bùng phát vào tháng 1/2020, tôi đã được giao thêm trọng trách làm quyền Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của khu vực Tây Thái Bình Dương từ tháng 2/2020 cho đến tháng 10/2020. 

Trong thời gian này, tôi vừa đảm nhiệm vai trò Giám đốc các Chương trình Kiểm soát bệnh tật vừa phụ trách điều hành công tác phòng chống dịch COVID 19 của khu vực Tây Thái bình dương. Tôi đã cùng với các đồng nghiệp hỗ trợ công tác chống dịch cho các nước trong khu vực, xây dựng Kế hoạch hành động khu vực về Ứng phó khi dịch COVID 19 lây lan rộng trong cộng đồng, xây dựng các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về công tác phòng chống dịch, kịp thời cử chuyên gia sang hỗ trợ các nước trong khu vực, cung cấp test kit chẩn đoán, máy móc xét nghiệm, các trang bị phòng hộ cá nhân cho các nhân viên y tế, vật tư y tế…

Đây là thời gian không thể nào quên đối với tôi, vì đây là dịch bệnh mới bùng phát, lại cùng lúc đảm đương 02 trọng trách lớn, áp lực công việc vô cùng lớn, nhưng tôi tự nhủ đây chính là giai đoạn thử thách cần phải vượt qua và tôi đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần đưa khu vực Tây Thái Bình Dương trở thành một trong các khu vực thành công trong công tác phòng chống dịch với tỷ lệ mắc và tử vong do SARS-CoV- 2 thấp nhất thế giới trong năm 2020, trong đó Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hình mẫu trong phòng chống dịch COVID.

Cựu “Ngoại trưởng y tế” của Việt Nam- người luôn trăn trở với công tác bảo vệ sức khoẻ người dân - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Thị Giáng Hương chụp tại trụ sở Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới _WHO

 Từ tháng 10/2020, tôi lại tiếp tục được giao trọng trách là Trưởng nhóm công tác, Điều phối viên WHO khu vực về Vaccine COVID 19, có nhiệm vụ điều phối và hỗ trợ chương trình tiếp cận vắc xin và triển khai tiêm chủng vaccine  COVID 19 cho các nước trong khu vực. 

Với vai trò là đầu mối trong điều phối các nguồn vaccine  cho các nước trong khu vực, tôi đã cùng các đồng nghiệp kịp thời đưa vaccine  từ cơ chế COVAX, là cơ chế do WHO và các đối tác thành lập nhằm đảm bảo vaccine  được phân phối công bằng và hiệu quả tới các quốc gia. 

Đây là nhiệm vụ nặng nề, phức tạp nhưng vô cùng ý nghĩa vì chương trình tiêm chủng vaccine  COVID sẽ góp phần quan trọng vào việc khống chế thành công dịch bệnh, kết hợp với các biện pháp y tế công cộng khác. 

Cho tới nay, cơ chế COVAX đã hỗ trợ được 32 triệu liều vaccine COVAX tới các quốc gia tham gia chương trình COVAX trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Riêng Việt Nam đã nhận được hơn 10 triệu liều vaccine  từ cơ chế COVAX, góp phần quan trọng vào công tác chống dịch ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam. 

Tôi cảm thấy đây là trách nhiệm lớn lao đồng thời là niềm vinh dự vì được góp phần thiết thực và hiệu quả vào các nỗ lực phòng chống dịch của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
PGS.TS Trần Thị Giáng Hương

WHO cũng theo dõi và hỗ trợ các quốc gia sử dụng vaccine  một các hiệu quả nhất bằng cách tập trung ưu tiên cho các nhóm đối tượng ưu tiên gồm cán bộ, nhân viên y tế, các cán bộ tuyến đầu chống dịch và nhóm người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nền nhằm giảm thiểu tử vong và tỷ lệ nhập viện khi bị nhiễm bệnh.

 Cho tới nay 37/37 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Tây Thái Bình Dương đã đảm bảo có đủ vaccine  cho toàn bộ nhân viên y tế, 32/37 quốc gia có đủ vaccine  cho nhóm người cao tuổi. Ngoài việc điều phối cơ chế COVAX, WHO cũng làm việc với các đối tác như Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand… để đảm bảo có thêm nguồn cung vaccine  cho các nước trong khu vực.

Phóng viên: Thưa PGS, quay trở lại  thời điểm 2 năm về trước, điều gì thôi thúc bà đưa ra quyết định là chuyển sang  công việc mới với nhiều thử thách mới trong khi đã có quá trình gắn bó lâu dài và những đóng góp thiết thực hiệu quả cho ngành y tế Việt Nam ở vị trí "Ngoại trưởng y tế"?

PGS. TS. Trần Thị Giáng HươngTrong những năm qua, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước ta về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, ngành y tế Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, góp phần tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước và nâng cao vai trò, vị thế của ngành y tế Việt Nam nói riêng và của đất nước nói chung trên trường quốc tế. 

Cựu “Ngoại trưởng y tế” của Việt Nam- người luôn trăn trở với công tác bảo vệ sức khoẻ người dân - Ảnh 5.

PGS.TS Trần Thị Giáng Hương tại Trụ sở WHO

Với một phần tư thế kỷ (25 năm) gắn bó và làm việc ở Bộ Y tế, trong đó có hơn 11 năm làm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ, tôi đã tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ cũng như  kết nối được một mạng lưới rộng lớn các đối tác quốc tế hoạt động trong lĩnh vực y tế. Việt Nam ngày càng được biết đến như một đối tác tin cậy và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. 

Trên vai trò của mình, tôi nhận thức được việc tham gia làm việc tại các Tổ chức quốc tế là thể hiện trách nhiệm và sự đóng góp hiệu quả, thiết thực vào các vấn đề sức khỏe trên toàn cầu, đồng thời góp phần nâng cao được vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.  

Như một cơ duyên, tôi được biết WHO, cơ quan chuyên môn y tế cao nhất của Liên hợp quốc có đăng tuyển một số vị trí quan trọng tại Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, là khu vực gồm 37 quốc gia và vùng lãnh thổ với dân số 1.9 tỷ người trong đó có Việt Nam là một quốc gia thành viên. Được sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ Y tế và của Bộ Ngoại giao, tôi đã đăng ký thi tuyển vào vị trí Giám đốc các chương trình kiểm soát bệnh tật của WHO khu vực Tây Thái bình dương và qua các vòng thi tuyển minh bạch, gắt gao tôi đã đứng ở vị trí đầu tiên vượt qua hàng trăm ứng viên đến từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, được WHO chọn vào vị trí Giám đốc nêu trên.

Trên cương vị công tác mới ở Văn phòng WHO khu vực, tôi thấy mình có thêm nhiều cơ hội lớn hơn với tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn để đóng góp và cống hiến cho các chương trình y tế công cộng cho người dân trong khu vực nhằm góp phần vào xây dựng một khu vực mạnh khỏe nhất và an toàn nhất (Healthiest and Safest Region), triển khai được các chương trình chăm sóc sức khỏe tới nhiều quốc gia và cộng đồng, phát huy được những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được khi làm việc ở Việt Nam vào công việc mới với một tầm cao mới và tầm ảnh hưởng khu vực. 

Đây thực sự là cơ hội tuyệt vời để tôi tiếp tục được cống hiến và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quốc tế quí báu để làm tốt hơn nữa trọng trách của mình, qua đó đóng góp sức mình vào bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân trong toàn khu vực,  thể hiện được vai trò và sự đóng góp của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề sức khỏe toàn cầu và khu vực.

Tôi cũng mong rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người Việt Nam, đặc biệt là các cán bộ trẻ có năng lực, có khát khao cống hiến sẽ được vào làm việc cho WHO và các tổ chức quốc tế khác.
PGS.TS Trần Thị Giáng Hương

Đây cũng chính là chủ trương của Đảng và nhà nước ta trong việc thể hiện vai trò chủ động tích cực và sự đóng góp hiệu quả của Việt Nam vào các thể chế quốc tế đa phương.

Phóng viên:  Nhớ hồi còn ở Việt Nam, PGS được coi là "thủ lĩnh" trong công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của Bộ Y tế, nhiều người còn "phong" cho bà là "Ngoại trưởng y tế". Bà  không chỉtham gia tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc gia, quốc tế trong lĩnh vực y tế mà bà còn thành công  vận động được nhiều nguồn tài chính, hỗ trợ  từ các đối tác quốc tế cho Việt Nam. Bà nhớ kỷ niệm nào nhất trong khoảng thời gian trước đó?

PGS. TS. Trần Thị Giáng HươngTrong vai trò là Vụ trưởng Vụ HTQT của Bộ Y tế, hay vị trí "Ngoại trưởng y tế" như mọi người vẫn hay quen gọi, tôi phụ trách điều hành công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực HTQT của ngành y tế, là đầu mối về công tác HTQT của ngành, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế, tôi đã cùng tập thể Vụ HTQT và các đồng nghiệp trong ngành y tế chủ trì quản lý và điều phối các hoạt động hợp tác quốc tế trong toàn ngành, vận động và thu hút các nguồn viện trợ và hợp tác kỹ thuật của các đối tác quốc tế để sử dụng cho các mục tiêu ưu tiên của ngành y tế. 

Đồng thời trong suốt thời gian công tác tại Bộ Y tế tôi đã không ngừng học tập, nghiên cứu và tham gia trực tiếp vào nhiều hoạt động chuyên môn của ngành, trong đó có công tác phòng chống dịch bệnh, là một trong những thế mạnh của ngành y tế Việt Nam. 

Một kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi đó là đại dịch SARS xảy ra vào năm 2003, đó cũng là một dịch bệnh hoàn toàn mới, khi đó mọi người còn biết rất ít về dịch bệnh này. Tôi đã có cơ hội được tham gia vào công tác phòng chống dịch SARS ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch xảy ra tại Việt Nam. 

Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế, tôi đã cùng các đồng nghiệp kịp thời chia sẻ thông tin về dịch bệnh SARS và cập nhật các thông tin về phòng chống dịch trong khu vực và trên thế giới cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch SARS, đồng thời đã chủ động tích cực huy động được sự hỗ trợ quí báu về kỹ thuật và thuốc men, trang thiết bị phòng chống dịch của cộng đồng quốc tế đặc biệt là WHO cho công tác Phòng chống dịch SARS ở Việt Nam. 

Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm ngày Việt Nam được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS vào tháng 5/2003 tại Kỳ họp của Đại hội đồng Y tế thế giới. 

Chính những trải nghiệm trong công tác phòng chống dịch SARS ở Việt Nam đã giúp ích cho tôi rất nhiều khi tôi được giao trọng trách quyền Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO khu vực để chỉ đạo ứng phó với dịch COVID 19 trong thời gian qua.

Còn rất nhiều kỷ niệm trong một phần tư thế kỷ gắn bó với công tác HTQT của ngành y tế mà tôi muốn kể đến, đó là những sự kiện y tế quốc tế quan trọng mà Việt Nam dã chủ trì thành công, góp phần nâng cao vai trò và uy tín của ngành y tế VN trên trường quốc tế, đó là Hội nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức vào năm 2012, Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN năm 2014, Hội nghị APEC 2017. Việt Nam cũng vinh dự được bầu làm thành viên của Hội đồng chấp hành của Tổ chức Y tế thế giới nhiệm kỳ 2016 – 2019, được tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách y tế toàn cầu.

Tôi cũng rất tự hào được tham gia vào quá trình đàm phán, chuẩn bị và xây dựng nhiều dự án hỗ trợ của quốc tế cho ngành y tế trong đó có thể kể đến các dự án nâng cấp BV Bạch Mai, BV Trung ương Huế, dự án Phòng xét nghiệm sinh học cấp độ 3 tại Viện VSDT TW và dự án xây dựng nhà máy sản xuất vaccine  Sởi và Rubella tại POLIVAC do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, đến nay các dự án này tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Việt Nam, đặc biệt là trong công tác điều trị, phòng chống dịch và tự chủ sản xuất vaccine  tại Việt Nam. Đây cũng chính là nền tảng tốt để Việt Nam xây dựng chiến lược sản xuất vắc xin COVID 19 trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực góp phần vào công tác phòng chống dịch COVID 19 của khu vực TTBD thông qua thúc đẩy việc tiếp cận vaccine  nhiều hơn nữa cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nhằm đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm ưu tiên gồm nhân viên y tế, các cán bộ tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, người mắc bệnh nền, tiến đến đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất 70%- 80% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế công cộng và xã hội nhằm đẩy lùi dịch bệnh và thực hiện lộ trình "bình thường mới" để đạt mục tiêu kép của Chính phủ.

WHO sẽ tiếp tục cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong các nỗ lực phòng chống dịch và trong quá trình  nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vaccine trong nước nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng và hiệu quả theo tiêu chuẩn của WHO để góp phần vào chiến lược phát triển khoa học công nghệ y học và ứng dụng vào sản xuất vaccine, đảm bảo cho Việt Nam có thể làm chủ được các công nghệ mới, tự chủ được nguồn vaccine  phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID 19 và các dịch bệnh khác trong tương lai. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà.

Xem video đang được quan tâm:

Các vaccine COVID-19 đã được WHO phê duyệt cho đến hiện nay và hiệu quả đối với biến thể Delta


Hải Yến
(thực hiện)
Ý kiến của bạn