Cứu nạn nhân bị ngạt khí như thế nào?

18-03-2015 15:47 | Đời sống
google news

Khi thấy có người bị ngạt khí, cần mở hết các cửa để không khí tràn vào. Đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc rồi nhanh chóng đưa tới bệnh viện cấp cứu...

Cấp cứu người ngạt khí ở  siêu thị Big C  The  Garden. 	Ảnh: T.L

Cấp cứu người ngạt khí ở siêu thị Big C The Garden. Ảnh: T.L

Thảm họa nơi phòng kín, tầng hầm

Vừa qua, tại siêu thị Big C The Garden (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã xảy ra vụ ngạt khí khiến hàng chục người ngất xỉu. Nguyên nhân do xe máy ùn ứ quá đông ở cửa soát vé tầng hầm, hệ thống lọc khí gặp sự cố khiến nhiều người ói mửa, hoa mắt, ngất xỉu hàng loạt.

Trước đó tại quán Karaoke Queen Club, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà (Quảng Ninh), thảm họa ngạt khí đã xảy ra khiến 12 người gặp nạn (6 người chết tại chỗ, 2 người chết sau khi được đưa đi cấp cứu). Nguyên nhân do điện lưới bị cắt nên nhân viên quán đã chạy máy phát điện để thắp sáng phòng nghe nhạc. Mất điện lưới dẫn đến quạt thông gió không hoạt động, cửa cuốn lại đóng kín khiến cả 12 người bị ngạt khí.

Theo GS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), khí thải xe máy, ô tô, các động cơ diezen như máy phát điện có thể “giết người” nhanh chóng. Các khí thải của chúng chứa các loại khí như CO, CO2, HC... và nhiều thành phần hữu cơ độc hại khác.

Khí thải độc hại từ xăng dầu đốt ra có thể khiến con người bị rối loạn một số loại hormone ở hệ thần kinh, hệ sinh sản, còn là tác nhân dẫn tới bệnh ung thư hoặc ảnh hưởng xấu tới quá trình mang thai khiến trẻ sinh ra bị rối loạn một số cơ quan, là tác nhân dẫn tới bệnh tiểu đường. Trong đó, khí thải xe máy nguy hiểm hơn ô tô, do hydrocacbon gây đột biến gen cao hơn so với khí thải từ các loại động cơ khác. Các nhà khoa học Nhật Bản mới đây công bố khí thải xe máy có các hidrocarbon ảnh hưởng đến chuyển hóa các hormone sinh dục ở người, gây ung thư cơ quan sinh dục nữ dẫn tới vô sinh, đàn ông thì bị ung thư tuyến tiền liệt.

GS Trần Hồng Côn cho hay, khí CO không mùi, không màu, rất độc vì nó cướp mất ôxy của hemoglobin trong máu, khiến hồng cầu hoạt động nhưng không có ôxy cho cơ thể, gây yếu cơ, liệt cơ, hôn mê và không thể kêu cứu. Nếu các nạn nhân uống rượu bia hoặc ngủ quên sẽ bị ngấm độc từ từ và ngạt khí đến chết.

Ngạt khí CO, CO2 được gọi là “cái chết không báo trước” vì không thể có phản xạ thấy ngạt để tự chạy ra ngoài. Do đó việc nổ xe máy, chạy máy nổ trong phòng kín là cực kỳ nguy hiểm, bởi nhiên liệu cháy bao nhiêu sẽ sinh ra khí CO2 độc hại bấy nhiêu. Nếu động cơ không tốt, lượng khí độc sinh ra càng lớn. Bị ngạt nhẹ cũng gây bất tỉnh. Ngạt nặng sẽ ngấm độc từ từ và không thể phản ứng lại. Cứu chữa ngạt khí CO và CO2 rất khó, vì chúng nhanh chóng cướp hết ôxy, đẩy nạn nhân vào tình trạng ngạt tế bào, ngạt hệ thống, khiến não bị thiếu ôxy và hôn mê, có cứu được cũng sống đời sống thực vật. Nạn nhân chết do ngạt khí CO thì da đỏ tía, còn ngạt CO2 thì da tái.

Cấp cứu nạn nhân bị ngạt khí

Cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân bị ngưng tim thì chỉ có 4 phút để hành động. Sau đó mỗi phút cơ hội sống của nạn nhân sẽ giảm đi 10%.

Nếu có nhân viên y tế sẽ cho nạn nhân thở mặt nạ ôxy liều cao, đặt nội khí quản trợ thở, dùng thuốc ức chế cạnh tranh… Nếu không có nhân viên y tế, cần khẩn trương cấp cứu theo trình tự:

- Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt, nhưng phải lưu ý đảm bảo an toàn cho cả người cấp cứu.

- Gọi thêm người hỗ trợ để sơ cứu cho nạn nhân đồng thời gọi cấp cứu 115.

- Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay. Sau đó phải chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện để điều trị tiếp.

Phòng tránh thế nào?

- Không nổ xe máy, ô tô, chạy máy phát điện, động cơ diezel ở nơi không gian kín như tầng hầm, gara, phòng đóng kín cửa.

- Các gia đình phòng mất cắp cũng không nên đặt máy phát điện trong nhà.

- Các tòa nhà phải thiết kế hệ thống thông gió, đảm bảo không khí lưu thông tốt.

- Nếu kẹt ở nơi có khói, hãy dùng khăn ướt che kín miệng, mũi để thở, giảm khí lọt vào.

- Nếu kẹt nơi có khí độc thì hãy bò sát sàn nhà, lấy áo hoặc khăn thấm ướt bịt vào mặt rồi lần tường tìm đường ra (bởi khí độc thường nhẹ nên hay lơ lửng trên cao).

- Đeo khẩu trang chỉ có thể giúp che khói bụi, chứ không có khả năng phòng độc. Nhưng khi cần thì khẩu trang cũng rất hữu ích để tẩm nước che mặt, tìm cách thoát ra ngoài.

Nơi dễ xảy ra ngạt khí

Ngạt khí hay xảy ra ở các hầm mỏ, hố sâu, giếng khơi, không gian kín… là nơi hay tích tụ và bốc lên nhiều khí CO2, CH4 và các hợp chất lưu huỳnh.

Nhiều người hút thuốc lá trong phòng kín, không lưu thông không khí cũng dễ sinh ra nhiều khí CO, làm trao đổi ôxy trong máu bị hạn chế, nạn nhân lơ mơ tri giác rồi lịm dần có thể dẫn đến tử vong.

Những phòng máy lạnh quá đông người nhưng không lắp đặt quạt thông gió, máy lạnh không đủ công suất, khiến không khí trong phòng không luân chuyển kịp… sẽ làm con người hít phải khí của chính mình thải ra. Biểu hiện là có khó thở, chóng mặt, thở nhanh… Lâu dần sẽ bị ức chế, thở chậm dần và lịm đi. Nhiều trường hợp tài xế ngủ quên trong xe hơi bị tử vong cũng do nguyên nhân trên.

 

 


Ý kiến của bạn