Cứu nam thanh niên sốt xuất huyết nguy kịch, chảy máu không cầm được

20-06-2019 16:23 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nhân nam N.V.C., 26 tuổi, được chuyển đến với tình trạng sốt xuất huyết ngày thứ 5, xuất huyết tiêu hóa không cầm máu được may mắn được các bác sĩ cứu sống.

Sốt xuất huyết được xem là một bệnh ít nghiêm trọng, tỷ lệ mắc trong cộng đồng tương đối cao khi vào mùa dịch, thông thường sau 7 ngày theo dõi, điều trị, chăm sóc bệnh nhân sẽ hồi phục. Tuy nhiên, khi sốt xuất huyết kết hợp với bệnh nền có sẵn trên bệnh nhân như viêm loét dạ dày – tá tràng thì trở nên rất nghiêm trọng.

Vào lúc 02 giờ 20 phút ngày 11/6/2019, bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân nam N.V.C., 26 tuổi, được chuyển đến với tình trạng sốt xuất huyết ngày thứ 5, xuất huyết tiêu hóa không cầm máu được.

Tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện: sốt cao, giảm tiểu cầu, giảm hemoglobin, tiêu phân đen, theo dõi xuất huyết tiêu hóa… bệnh nhân được khám, theo dõi và chăm sóc tích cực tại khoa Nội Nhiễm.

Đến 8 giờ sáng, bệnh nhân nôn ra máu đỏ tươi, đau thượng vị. Các bác sĩ đã hội chẩn cùng khoa Nội Tiêu hóa, khoa Nội soi quyết định nội soi dạ dày, kết quả hang vị có 02 ổ loét kích thước 0.5-1 cm đang chảy máu thành tia và thực hiện kẹp clip cầm máu thành công. Song song đó, bệnh nhân được truyền máu, truyền dịch và theo dõi sát.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Sang ngày thứ 6, bệnh nhân vẫn còn tiêu phân đen và tiếp tục nôn ra máu, bác sĩ khoa Nội Nhiễm đã liên hệ khẩn cấp khoa Nội soi tiếp tục nội soi dạ dày cầm máu lần 2 do BSCKII. Nguyễn Thị Quỳnh Mai – Trưởng khoa Nội soi cùng ê - kíp thực hiện.

Sau 03 ngày điều trị, truyền 10 đơn vị chế phẩm máu, đến ngày thứ 8 tình trạng bệnh nhân đã ổn định, hết sốt, dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Theo các bác sĩ, đây là bệnh cảnh sốt xuất huyết Dengue nặng thể xuất huyết (cụ thể xuất huyết tiêu hoá) trên bệnh nhân có tiền căn loét dạ dày làm cho tình trạng trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân cần theo dõi sát, xử trí kịp thời và sự phối hợp tốt giữa các chuyên khoa.

Để phòng ngừa sốt xuất huyết, các gia đình cần ngủ mùng, diệt muỗi, lăng quăng… Khi có biểu hiện sốt kéo dài, có dấu xuất huyết trên da cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền các cấp, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình với mục tiêu “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”.


D.Hải
Ý kiến của bạn