Hà Nội

Cứu nam công nhân lò luyện kim bị ngộ độc khí CO nguy kịch

30-05-2019 06:41 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Khi đang làm việc trong lò luyện kim loại, nam công nhân đã hít phải một lượng lớn khí lò luyện kim loại đốt bằng than đá và phải nhập Viện Y học biển Việt Nam cấp cứu.

Các bác sĩ của Trung tâm Y học dưới nước và ôxy cao áp, Viện Y học biển Việt Nam vừa cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO trong khi đang làm việc tại lò đúc luyện kim loại.

Khoảng 9h30 ngày 25/5, Viện Y học biển tiếp nhận bệnh nhân nam Đ.V.K, 52 tuổi, trong trạng thái lơ mơ, đau đầu, có khả năng nhận biết nhưng phản ứng chậm. Theo lời kể của người nhà, trước đó, rạng sáng cùng ngày, khi đang làm việc trong lò luyện kim loại, bệnh nhân đã hít phải một lượng lớn khí lò luyện kim loại đốt bằng than đá. Ngay sau đó, bệnh nhân bất tỉnh và được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương ở Hải Phòng.

Tại đây, bệnh nhân đã được sơ cứu. Đến 6h sáng, bệnh nhân tỉnh chậm, tình trạng tiến triển không tốt, nên đã được chuyển đến Viện Y học biển để tiếp tục điều trị. Khi đến Viện, bệnh nhân vẫn trong tình trạng lơ mơ, rối loạn nhận thức, Glasgow 13 điểm, HA: 130/80mmHg, Mạch: 80 lần/phút, đau đầu, nhức mỏi cơ nhiều.

Các bác sĩ đã chỉ định làm xét nghiệm khí máu, chụp cắt lớp vi tính sọ não và chẩn đoán là ngộ độc khí CO (carbonmonoxit). Bệnh nhân ngay lập tức được hội chẩn và quyết định cho điều trị ôxy cao áp cấp cứu theo phác đồ VINIMAM 4 do GS.TS Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Trung tâm Y học dưới nước và ôxy cao áp cùng nhóm chuyên gia của Viện Y học biển xây dựng.

Chỉ sau 2 giờ điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể tự ngồi dậy. Sáu tiếng sau điều trị, bệnh nhân đã tự mình đi ra ngoài buồng ôxy cao áp, đi lại bình thường và trả lời chính xác mọi câu hỏi thăm khám của bác sỹ. Những ngày tiếp theo, bệnh nhân tiếp tục được điều trị ôxy cao áp theo phác đồ VINIMAM 2 x 1 lần/ngày. Sau 5 ngày điều trị tích cực, hiện nay bệnh nhân đã được xuất viện với các kết quả xét nghiệm đều tốt.

Bệnh nhân K. điều trị tại Viện Y học biển Việt Nam.

Dễ tử vong vì ngộ độc khí CO

Tại Trung tâm Y học dưới nước và ôxy cao áp, Viện Y học biển, rất nhiều bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do hít phải khói than hoặc là nạn nhân của các vụ cháy đã được cứu sống nhờ ôxy cao áp, phần lớn các bệnh nhân đều không có di chứng để lại sau điều trị.

Theo GS.TS Nguyễn Trường Sơn: “CO là khí không màu, không mùi, không vị, sinh ra do đốt nhiên liệu hóa thạch hoặc thực vật cháy không hết. Khi CO đi vào cơ thể, nó sẽ bám chặt vào các Hemoglobin của hồng cầu trong máu – chất vận chuyển ôxy từ phổi đi nuôi dưỡng cơ thể, làm cho các mô của cơ thể bị thiếu ôxy, hậu quả là gây tổn thương cho mô não, tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị tử vong.

Những trường hợp cấp cứu muộn nếu sống cũng để lại các di chứng rất nặng nề. Khi bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp ôxy cao áp, ôxy trong điều kiện áp lực cao khi vào cơ thể sẽ đánh bật khí CO khỏi Hemoglobin, trả lại chức năng vận chuyển ôxy cho nó, ôxy áp lực cao sẽ làm tăng khả năng kết hợp với hemoglobin ở phổi và tăng nhả ôxy cho các mô của cơ thể bị thiếu ôxy.

Chính vì vậy, với những trường hợp ngộ độc khí CO nặng khi được phát hiện, nên chuyển bệnh nhân đến Trung tâm ôxy cao áp trong thời gian sớm nhất có thể để được cấp cứu và xử trí kịp thời, tránh tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.

Ngoài điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc khí CO, ôxy cao áp còn ứng dụng để điều trị hiệu quả nhiều bệnh khác như tai biến lặn, các trường hợp tổn thương não do nhồi máu não, hôn mê do phù não, ngạt nước, treo cổ tự vẫn, mất ngủ, suy nhược cơ thể, điếc đột ngột, đặc biệt là các trường hợp bị bỏng, phục hồi tình trạng loét ngoài da lâu liền, sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và một số bệnh lý khác.

Viện Y học biển Việt Nam là đơn vị y tế tiên phong của cả nước đưa ô xy cao áp vào điều trị tại lâm sàng. Trong thời gian tới, Viện Y học biển sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống buồng ôxy cao áp để nhiều bệnh nhân được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao hơn nữa.


Ngô Lâm
Ý kiến của bạn