Hà Nội

Cứu huyệt dưỡng sinh

SKĐS - Theo y học cổ truyền, cứu huyệt có tác dụng điều tiết và lập lại cân bằng âm dương, bổ dưỡng và điều hoà khí huyết, làm ấm và lưu thông kinh mạch, duy trì và cải thiện công năng các tạng phủ, bảo vệ và nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Cứu huyệt là phương pháp dùng sức nóng tác động lên huyệt vị châm cứu để điều hoà âm dương khí huyết, ôn thông kinh lạc, phù chính khu tà nhằm đạt được mục đích bảo kiện sinh mệnh (bảo vệ và nâng cao sức khoẻ), phòng chống bệnh tật và kháng lão ích thọ diên niên (chống lão hoá và kéo dài tuổi thọ). Có nhiều phương thức cứu huyệt khác nhau, cách lựa chọn huyệt vị để cứu cũng rất phong phú, dưới đây xin được giới thiệu ba phương pháp điển hình:

Cứu huyệt Tam túc lý

Túc tam lý là huyệt nằm trên đường kinh Vị, có công dụng điều lý tỳ vị, kiện vận tỳ dương, ôn trung tán hàn, bổ trung ích khí, điều hoà khí huyết, tuyên thông khí cơ, đạo khí thượng hành, phù bản cố nguyên, bổ hư cường thân. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu Túc tam lý đặc biệt có tác dụng kháng lão rõ rệt thông qua việc cải thiện hàng loạt các chỉ tiêu về tuần hoàn, hô hấp, thần kinh, tiết niệu, nội tiết, miễn dịch và vận động ở người có tuổi và cao tuổi.

Cách xác định huyệt: Sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài một khoát ngón tay là vị trí của huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.

Điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Yên Bái.


Cứu huyệt Tuyệt cốt

Còn gọi là huyệt Huyền chung, là huyệt nằm trên đường kinh Đởm, có công dụng bình can tức phong, tăng tinh ích tủy, thư cân hoạt lạc, lý khí chỉ thống. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu Tuyệt cốt cũng có tác dụng nâng cao sức miễn dịch, chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ.

Cách xác định huyệt: Đo từ mắt cá ngoài chân lên ba thốn, sát bờ trước xương mác, ấn vào có cảm giác tê tức. Khi cứu Tuyệt cốt cần chú ý cứu cho tới khi da ửng hồng lên, cảm giác ngứa chuyển thành đau là được.

Cứu huyệt Thần khuyết

Là huyệt nằm ở trung tâm của rốn, thuộc mạch Nhâm, có công dụng ôn bổ nguyên khí, kiện vận tỳ vị, hồi dương cứu nghịch. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu huyệt Thần khuyết đặc biệt có tác dụng điều tiết và nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể, bảo hộ niêm mạc và cải thiện công năng hấp thu của đường tiêu hoá. Thần khuyết thường được cứu cách muối, cách gừng hoặc cách bột thuốc.

Cứu huyệt dưỡng sinh

Trong dân gian lưu truyền một phương pháp cứu Thần khuyết rất độc đáo có tác dụng bảo kiện trường thọ cực tốt, có tên gọi là Thần khuyết cứu tề pháp: lấy sinh ngũ linh chi 24g, thanh diêm 15g, nhũ hương 3g, một dược 3g, dạ minh sa 6g (sao qua), mộc thông 9g, can thông đầu 6g, xạ hương một chút xíu, tất cả đem tán thành bột thật mịn. Khi cứu, lấy vài thìa bột mì hoà với nước rồi nặn thành cái vành tròn úp ngay ngắn lên lỗ rốn, lấy 6g bột thuốc đổ vào lỗ rốn rồi dùng một miếng vỏ cây hoè mà đốt bởi một nén hương, cứ bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu lửa, mỗi tháng cứu 1 lần, cứu vào giờ Ngọ là tốt nhất.


ThS. Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn