Cứu cụ ông 83 tuổi bị uốn ván cấp thể nặng

19-01-2015 16:17 | Thời sự
google news

SKĐS - Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa cứu sống thành công cụ ông 83 tuổi bị uốn ván cấp mức độ nặng.

Cứu chữa và chăm sóc người bệnh là công việc mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp của các y, bác sỹ. Mới đây, các bác sỹ và điều dưỡng viên khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã vun đắp thêm giá trị cao quý của người thầy thuốc bằng việc cứu sống một người bệnh 83 tuổi bị uốn ván cấp.

Cụ ông Lê Văn Khuê, 83 tuổi- ở thôn Sa Bắc, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh bị gai nhọn đâm xuyên vào kẽ ngón 1 và ngón 2 của bàn chân trái trong lúc làm vườn. Sau đó, cụ Khuê yếu dần, người trở nên cứng như gỗ và được người nhà đưa đến bệnh viện. Ngày 6/12/2014, cụ Khuê được chuyển vào khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng khít hàm, đút lọt một ngón tay út, cơ thể có cơn co cứng khi kích thích, vết thương ở kẽ ngón 1 và ngón 2 bàn chân trái đã 7 ngày.

Chẩn đoán xác định người bệnh bị uốn ván cấp, giai đoạn toàn phát, mức độ nặng tương đương giai đoạn 3, các bác sỹ khoa Bệnh nhiệt đới đã sử dụng huyết thanh kháng độc tố uốn ván, thuốc an thần chống co cứng, kháng sinh phòng chống bội nhiễm và nuôi dưỡng người bệnh bằng đường tĩnh mạch. Một ngày sau, cụ Khuê liên tục lên cơn co cứng, tăng tiết đờm dãi và khó thở nên các bác sỹ đã tiến hành mở khí quản để khai thông đường thở, khống chế được cơn co cứng, co giật bằng đông miên và thuốc an thần.

Bác sỹ Ngô Chiến- Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị nói: “Với bệnh uốn ván cấp giai đoạn toàn phát mức độ nặng thì tỷ lệ tử vong là 50/50 ở người trên 50 tuổi. Trường hợp một người đã 83 tuổi bị bệnh uốn ván cấp như cụ Khuê thì đặc biệt nguy hiểm, đòi hỏi quá trình điều trị phải đảm bảo lưu thông đường thở, khống chế được cơn co giật, dinh dưỡng phải đầy đủ, cân bằng điện giải, điều dưỡng chăm sóc phải sát sao để chống bội nhiễm phổi, chống tắc mạch, chống lở loét”. Với nỗ lực điều trị và chăm sóc tích cực đó, ngày 27/12/2014, cụ Khuê mở được mắt và 20 ngày sau người bệnh đặc biệt này đã thoát khỏi tình trạng đông miên và an thần, tỉnh táo dần, trả lời được, tự thở và ăn uống chủ động được.

Các bác sỹ, điều dưỡng viên tận tình chăm sóc người bệnh 83 tuổi bị bệnh uốn ván cấp (Ảnh: Bội Nhiên)

Đặc biệt, trong quá trình điều trị bệnh, cụ Khuê được các điều dưỡng viên của khoa Bệnh nhiệt đới ngày đêm tận tình chăm sóc, từ việc đảm bảo lưu thông đường thở, chống tắc mạch, vệ sinh thân thể để chống bội nhiễm phổi và xoa bóp chân tay để chống lở loét đến cho ăn đủ chế độ dinh dưỡng cần thiết, làm ấm thân nhiệt trong điều kiện thời tiết đang xảy ra rét đậm kéo dài, hướng dẫn con cháu của cụ Khuê một số chăm sóc, trị liệu cơ bản, cần thiết. Bằng sự tận tâm đó, các thầy thuốc đã khống chế được cơn co giật, co cứng do bệnh uốn ván gây ra đối với cụ Khuê và đến ngày thứ 38 kể từ khi được điều trị, cụ Khuê đã hồi tỉnh.

Trong nỗi xúc động rất khó kiềm chế, anh Lê Văn Đông- con trai của cụ Khuê nói: “Từ khi bố tôi được đưa vào khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, các bác sỹ và điều dưỡng của khoa hết sức tận tình, chu đáo, thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh bất kể ngày đêm để kịp thời hút đờm dãi mỗi khi bố tôi bị tăng tiết, lên cơn co giật. Biết hoàn cảnh gia đình rất nghèo nên dù bố tôi được chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế nhưng gia đình tôi vẫn phải đi vay mượn tiền, các cô điều dưỡng đã nấu nước sôi để dùng khi lau rửa thân thể của bố tôi và xin cháo tình thương cho bố con tôi ăn hàng ngày. Hôm qua, tôi còn được cô Chi điều dưỡng của khoa chở đi nhận tiền quyên góp giúp bố con tôi ở nhà người tốt. Ngoài ra, các bác sỹ và các cô điều dưỡng cũng tạo điều kiện để tôi được chăm sóc bố tôi mỗi ngày”.

Từ chỗ hết sức buồn bã, lo lắng vì bệnh tình của người bố, đến nay anh Lê Văn Đông đã vui vẻ và lạc quan hơn, đã thuộc hết họ tên và dáng hình của toàn bộ y, bác sỹ ở khoa Bệnh nhiệt đới. Bởi lẽ đó là bác sỹ Trần Hữu Minh, bác sỹ Ngô Chiến, bác sỹ Đoàn Viết Hiền và các điều dưỡng viên Dương Thị Kim Chi, Quách Thị Bích Thoa, Nguyễn Thị Huỳnh, Hoàng Thị Phương Thảo, Phan Thị Quyên, Nguyễn Thị Thương,… đã gắn bó với từng nhịp thở, từng thìa cháo trong gần hai tháng điều trị và chăm sóc bố của anh.

Trong cuộc chuyện trò, thỉnh thoảng anh Đông lại rơm rớm nước mắt khi nói tới sự đối xử hòa nhã, thái độ hết sức nhiệt tình của các bác sỹ và điều dưỡng viên, từ việc cho bố của anh nằm mền nước, vệ sinh thân thể của bố anh bằng nước ấm và sữa tắm khô, ứng dụng vật lý trị liệu để bố anh không bị lở loét và cấp đủ chăn gối, dùng đèn sưởi để giữ ấm cơ thể của bố anh trong chuỗi ngày xảy ra các đợt rét đậm. Khi bố mình qua khỏi nguy kịch và tỉnh táo dần, ngày 14/1/2015, anh Lê Văn Đông đã thay mặt gia đình viết thư cảm ơn các bác sỹ, điều dưỡng viên của khoa Bệnh nhiệt đới nói riêng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị nói chung đã tận tình cứu chữa, giữ gìn mạng sống của bố mình gửi Đài Phát thanh-truyền hình tỉnh Quảng Trị.

 

Thư cảm ơn khoa Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị của gia đình người bệnh Lê Văn Khuê (Ảnh: Bội Nhiên)

Bằng những hành động nghề nghiệp và tinh thần phục vụ nhiệt tình, chu đáo của mình, các bác sỹ và điều dưỡng viên đã giúp cụ ông 83 tuổi Lê Văn Khuê vượt qua được thử thách cam go của bệnh uốn ván cấp sau một thời gian dài đông miên, an thần là một thành công của năng lực chuyên môn và y đức. Và, thành công ấy được tạo ra bởi các bác sỹ, điều dưỡng viên khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị có năng lực chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao và tấm lòng rất đỗi thương yêu người bệnh.

NGUYỄN BỘI NHIÊN

 

 

 


Ý kiến của bạn