Cứu cụ bà gãy đốt sống cổ hiếm gặp, nguy hiểm tính mạng

20-08-2019 19:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo các bác sĩ, gãy mỏm nha đốt sống cổ C2 là 1 trong những loại tổn thương hiếm gặp và khó chẩn đoán. Nếu không phát hiện được kịp thời bệnh nhân có nguy cơ yếu liệt dần hoặc thậm chí có thể đột tử do chèn ép hành tuỷ gây suy hô hấp.

Trường hợp bệnh nhân Đỗ Thị G. (sinh năm 1953, địa chỉ tại Gia Lâm – Hà Nội), bị tai nạn giao thông được chuyển về điều trị tại BVĐK Đức Giang ngày 29/7 trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc còn chậm, Glasgow 14 điểm, đau đầu nhiều, đau vùng cột sống cổ kèm theo các vết thương vùng mặt đầu đã được xử trí khâu vết thương tại bệnh viện trước, chân tay vận động bình thường.

Ngay khi tiếp nhận được thông tin, bệnh nhân Đỗ Thị G. đã được các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết. Dựa trên hình ảnh phim chụp CT sọ não phát hiện có dập não vùng trán phải, xuất huyết dưới nhện lan tỏa nhiều chỗ, bệnh nhân được điều trị ổn định sọ não tại khoa. Sau quá tình điều trị, bệnh nhân tỉnh táo và tiếp xúc tốt hơn, đỡ đau đầu, tuy nhiên những dấu hiệu đau cột sống cổ lại không giảm.

Nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở  bệnh nhân G., các bác sĩ cho đi chụp Xquang cột sống cổ, trên phim chụp Xquang cho thấy hình ảnh nghi ngờ gãy mỏm nha đốt sống cổ C2. Lập tức, bệnh nhân được chỉ định thực hiện chụp CT Scanner, Cộng hưởng từ cột sống cổ thấy hình ảnh gãy mỏm nha đốt sống cổ C2.

Các bác sĩ hội chẩn và chẩn đoán chấn thương cột sống cổ gãy mất vững mỏm nha C2/CTSN xuất huyết dưới nhện vùng trán và thái dương hai bên, dập não trán phải. Ngày 15/08/2019, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mổ cố định đốt sống cổ C1-C2 bằng nẹp vít, kíp phẫu thuật do ThS.BS Trần Trung Kiên – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình trực tiếp thực hiện.

Phẫu thuật cố định đốt sống cổ C1-C2 bằng nẹp vít.

Tổn thương phức tạp, khó chẩn đoán

BS. Trần Trung Kiên cho biết: “Gãy mỏm nha đốt sống cổ C2 là 1 trong những loại tổn thương hiếm gặp và khó chẩn đoán. Do các dấu hiệu lâm sàng của loại gãy này rất ít thường chỉ có biểu hiện đau vùng cột sống cổ (tình trạng đau này thường bị lu mờ bởi các dấu hiệu đau ở các vùng khác hoặc bệnh nhân hôn mê không biểu hiện) nên thường hay bị bỏ sót và chỉ được phát hiện khi có dấu hiệu chèn ép thần kinh. Để có thể phát hiện nhanh chóng và kịp thời loại bệnh lý này đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm và phải có đầy đủ trang thiết bị hiện đại như máy chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính.

Trong trường hợp, nếu không phát hiện được kịp thời bệnh nhân có nguy cơ yếu liệt dần hoặc thậm chí có thể đột tử do chèn ép hành tuỷ gây suy hô hấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, sự mất vững khớp C1-C2 có thể có tỷ lệ tử vong cao, thay đổi từ 13% đến 60%, tùy từng nghiên cứu. Chính vì vậy, bất kể bệnh nhân nào có tổn thương gãy ở vùng này đều cần được kiểm tra và can thiệp phẫu thuật cấp cứu”.

BS. Kiên cũng cho biết thêm, đây là một trong những vùng phẫu thuật khó khăn nhất của cột sống. Do cấu trúc giải phẫu hết sức đặc biệt đòi hỏi phẫu thuật viên phải nắm chắc các kiến thức giải phẫu cũng như phải có khả năng định vị tốt trong không gian 3 chiều.

Mặc dù vậy tỷ lệ tai biến cho phẫu thuật ở vùng này vẫn còn khá cao khiến cho hầu hết các phẫu thuật viên phải e ngại. Lý do là không những cấu trúc giải phẫu vùng này đã khác biệt hoàn toàn so với các vùng khác mà ở mỗi bệnh nhân lại có sự khác nhau rất nhiều. Vì vậy để can thiệp được an toàn thì cần phải khảo sát trước mổ rất tỉ mỉ cặn kẽ và phẫu thuật viên phải làm chủ được nhiều phương án phẫu thuật.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, hiện tại bệnh nhân G. được chuyển về khoa Chấn thương chỉnh hình tiếp tục được các bác sĩ theo dõi và điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã dần phục hồi tốt hơn.

Với tính chất phức tạp và khó phát hiện từ ca bệnh của bệnh nhân G., bác sĩ Kiên đưa ra khuyến cáo: Đối với bệnh nhân đa chấn thương hoặc nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ cần được khám xét tỉ mỉ để tránh bỏ tổn thương.

Nếu không thể khẳng định được là cột sống cổ có bị tổn thương hay không thì cần cố định cột sống cổ thật chắc chắn để tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc, nếu tình trạng bệnh nhân cho phép thì nên chuyển bệnh nhân đến các trung tâm có bác sĩ chuyên khoa cột sống để được chẩn đoán và phẫu thuật sớm nhất.

Lê Nguyên
Ý kiến của bạn