Để cứu “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới” đã xác lập Kỷ lục Guinness, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án sửa chữa, bảo dưỡng... với giá trị hơn 2,5 tỷ đồng.
Nhiều giá trị
Gần 7 năm qua, du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội đều nghe đến “con đường gốm sứ” dài gần 4km chạy ven đê sông Hồng từ các phố Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải. Nhiều người khi đến Hà Nội đã tìm đến công trình nghệ thuật này để tận mắt chiêm ngưỡng tuyệt tác từ các mảnh gốm do các nghệ sĩ, nghệ nhân vất vả làm nên trong khoảng 3 năm.
Giá trị của con đường gốm sứ ven sông Hồng không chỉ nằm ở bề ngoài, mà ẩn chứa bên trong là những câu chuyện kể về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Với chiều dài gần 4km, con đường gốm sứ ven sông Hồng là tổng thể bức tranh gốm với 21 trường đoạn chạy dài theo các chủ đề: tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông thông qua các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý, Trần, Lê, Nguyễn; tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm; tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề Hà Nội - thành phố vì hòa bình. Ngoài ra còn là những bức tranh đương đại bằng gốm của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế... Tất cả đều được làm bằng gốm và được sáng tác cùng những tinh hoa của các làng nghề gốm truyền thống như Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bình Dương, Vĩnh Long, Bàu Trúc...
Với sự đồ sộ, hoành tráng và mang nhiều giá trị nghệ thuật, nhiều năm qua, con đường gốm sứ ven sông Hồng là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch của Thủ đô. Đi hết con đường nghệ thuật được làm bằng gốm này, bất cứ ai cũng phải xuýt xoa vì vẻ đẹp của con đường, ngưỡng mộ sự tài tình của những con người đã làm nên vẻ đẹp cho Thăng Long - Hà Nội trong thời đại mới. Những biểu tượng của Hà Nội như cầu Long Biên, Tháp Rùa, Khuê Văn Các, chùa Một Cột... hay những bức tranh của nghệ sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc và cả của những em nhỏ đang tập vẽ, tập tô đều được tái hiện trên con đường gốm có một không hai ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Thời gian qua, con đường gốm sứ ven sông Hồng xuất hiện nhiều đoạn hư hại: bong tróc, nứt...
Nỗi buồn theo thời gian và “cứu” bằng cách nào?
Với một công trình làm bằng gốm được làm ven đường, đồng nghĩa với việc các bức tranh bằng gốm phải “dầm mưa dãi nắng”. Từ thực tế này đã làm không ít đoạn đường gốm sứ bị hư hỏng do tác động của điều kiện tự nhiên và cả sự thiếu ý thức của con người.
Trong những năm qua, nhiều người dân sinh sống cạnh con đường gốm sứ phản ánh nhiều đoạn các mảng, mảnh gốm bị bong, rơi, vỡ... Tại đường gốm sứ qua địa bàn phường Phúc Tân, từ cầu Long Biên đến Hàm Tử Quan, không ít lần người đi đường đỏ mặt lẫn bức xúc trước việc một số người thiếu ý thức phóng uế vào các bức tranh gốm. Tình trạng người dân thiếu ý thức tiểu tiện lên các bức tranh gốm sau đó diễn ra hằng ngày và khi không chịu được “nhiệt” thì gốm ố màu và cả đoạn đường bốc mùi hôi thối. Bên cạnh đó, tại con đường gốm sứ, một số đoạn không hiểu do ai tùy tiện vá, chắp bằng xi-măng cẩu thả trông rất nhếch nhác.
Bên cạnh đó, do tác động của thời tiết (nắng, mưa, độ ẩm, rêu mốc...) nên có nhiều đoạn tranh gốm nứt dài làm mất tính thẩm mỹ chung của cả công trình. Lý giải về việc tranh gốm ở con đường nghệ thuật ven sông Hồng bị nứt, vỡ,... một số chuyên gia lý giải sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết, đồng thời các phương tiện đi lại thường xuyên bên cạnh công trình này nên gây ra độ rung lớn. Sự không ăn khớp giữa kết cấu bê-tông và gạch cũng gây nên hiện tượng nứt, vỡ...
Trước sự xuống cấp, hư hại của con đường gốm sứ, không ít lần cơ quan chức năng tại Hà Nội đã cho tu sửa, tôn tạo nhưng được chỗ này lại mất chỗ khác, vừa sửa đoạn cũ thì nơi khác lại xuất hiện bong tróc, nứt... Để “cứu” con đường gốm sứ này, vừa qua UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6223/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án sửa chữa, bảo dưỡng Con đường gốm sứ ven sông Hồng với tổng giá trị 2,572 tỷ đồng. Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao chủ đầu tư là Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về nội dung trình duyệt (bao gồm cả tính chính xác về số lượng và chất lượng) theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các quy định có liên quan của pháp luật...
Tuy nhiên, một số chuyên gia chia sẻ, ngoài việc sửa chữa, bảo dưỡng con đường gốm sứ, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch vệ sinh bề mặt công trình nghệ thuật này hằng ngày. Đặc biệt, để tránh làm hư hại và giữ gìn hình ảnh cho con đường gốm sứ nói riêng, hình ảnh Hà Nội nói chung, chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục người dân có ý thức hơn để tránh phóng uế bừa bãi lên tránh gốm hoặc cạnh con đường gốm sứ. Đồng thời cần xử lý các hành vi gây tổn hại cho con đường gốm sứ độc đáo của Thủ đô và cả nước.