Hà Nội

Cựu chủ tịch Vinashin: 'Tôi đã ký sai'

29-03-2012 08:43 | Pháp luật
google news

Cơ quan công tố cáo buộc, thiệt hại trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng mà cựu chủ tịch Vinashin cùng đồng phạm gây ra chỉ đứng sau vụ mua tàu Hoa Sen. Tại tòa, bị cáo Phạm Thanh Bình thừa nhận có sai phạm.

Cơ quan công tố cáo buộc, thiệt hại trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng mà cựu chủ tịch Vinashin cùng đồng phạm gây ra chỉ đứng sau vụ mua tàu Hoa Sen. Tại tòa, bị cáo Phạm Thanh Bình thừa nhận có sai phạm.
 
Sự việc bắt đầu từ năm 2003 khi ông Phạm Thanh Bình ký quyết định góp vốn thành lập công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh Vinashin (Công ty Hoàng Anh) do ông Nguyễn Văn Tuyên làm giám đốc, với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng, trong đó Vinashin giữ 51% cổ phần.
 
3 năm sau, ông Tuyên muốn xây dựng một nhà máy nhiệt điện độc lập để cung cấp điện cho nhà máy thép và khu công nghiệp Mỹ Trung – Nam Định, nếu còn thừa sẽ bán vào lưới điện quốc gia để kinh doanh, nên đã chủ động bàn bạc và thống nhất với ông Nguyễn Tuấn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long, thời điểm này chưa phải thành viên của Tập đoàn Vinashin) về việc đầu tư dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 110MW.
 Bị cáo Phạm Thanh Bình. Ảnh: TTXVN
Để có cơ sở pháp lý cho việc huy động vốn đầu tư vào dự án nhà máy nhiệt điện, ông Tuyên đã báo cáo và thống nhất với ông Phạm Thanh Bình cho tăng mức vốn điều lệ từ 10 tỷ lên 130 tỷ.

Đến tháng 4/2006, Nguyễn Tuấn Dương sang Hàn Quốc mua 2 tổ máy điện cũ (công suất mỗi tổ là 55MW) cho dự án của công ty Hoàng Anh. Tuy nhiên, khi thấy công suất nhỏ, ông Tuyên đã thống nhất với ông Dương mua thêm một tổ nhiệt điện cũ nâng công suất nhà máy nhiệt điện Sông Hồng thành 185MW. Việc làm này được ông Phạm Thanh Bình nhất trí.

Sau khi đồng ý phương án đầu tư xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện sông Hồng, ông Bình giao cho công ty Hoàng Anh làm chủ đầu tư, Công ty Cửu Long làm tổng thầu dự án và chịu trách nhiệm kỹ thuật trong suốt quá trình xây lắp và vận hành nhà máy.

Tháng 3/2007, công ty Cửu Long lập xong hồ sơ dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng công suất 185 MW đã được ông Bình ký với tổng đầu tư lên đến hơn 1.400 tỷ đồng. Đây là dự án nhóm A.

Trong khi Bộ Công nghiệp và các cơ quan chức năng của Nhà nước đang thẩm định hồ sơ dự án, tháng 5/2007, Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Tuấn Dương đã chỉ đạo hai công ty tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng. Và chỉ sau gần chục ngày, Bộ Công nghiệp có công văn gửi Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định về việc thẩm tra hồ sơ dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng vì dự án này không có cơ sở pháp lý để phê duyệt, thiết bị công nghệ của dự án lạc hậu. Bộ này cũng yêu cầu UBND tỉnh Nam Định đình chỉ thực hiện dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.

Và sau nửa năm, Phạm Thanh Bình ký quyết định đình chỉ thực hiện dự án này.

Tại buổi xét xử sơ thẩm, cơ quan công tố cho rằng, quá trình đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện sông Hồng các bị cáo Phạm Thanh Bình, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Tuấn Dương, Đỗ Đình Côn đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước. Trong đó, bị cáo Phạm Thanh Bình giữ vai trò là người tổ chức, còn Tuyên, Dương và Đỗ Đình Côn (nguyên kế toán trưởng, phó tổng giám đốc công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) là đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội.

Riêng bị cáo Phạm Thanh Bình, với tư cách là Chủ tịch HĐQT đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng không có trong quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện quốc gia.

Đứng trước vành móng ngựa ngày 28/3, khi được chủ tọa hỏi nhận thức về hành vi phạm tội, cựu chủ tịch Vinashin thừa nhận các hành vi trong cáo trạng đã nêu. Tuy nhiên, bị cáo nói sẽ không nhất trí nếu bị buộc tội trực tiếp tổ chức công việc trên và gây thiệt hại.

Bị Hội đồng xét xử hỏi về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng không có trong quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện quốc gia, không lập báo cáo đầu tư trình Thủ tướng cho phép đầu tư đối với dự án nhóm A, bị cáo Bình biện minh: “Lúc đầu tôi ký duyệt thì dự án vẫn thuộc nhóm B. Do đây là dự án độc lập trong thời điểm trước tháng 8/2006 chưa có quy định phải báo cáo Chính phủ. Sau khi ký chính thức nâng công suất của nhà máy điện lên thì mới thuộc nhóm A. Lúc này tôi ký là sai”.

Trong khi một số bị cáo liên quan đến vụ việc thừa nhận bản cáo trạng truy tố không sai thì Đỗ Đình Côn, Nguyễn Văn Tuyên lại cho rằng chỉ làm theo cấp trên và thiếu hiểu biết pháp luật. “Bị cáo chỉ làm giám đốc thôi, không nắm rõ công việc chuyên môn. Sau này các anh công an giải thích thì tôi mới biết”, bị cáo Tuyên nói.

Riêng Trịnh Thị Hậu, nữ bị cáo duy nhất trong phiên tòa thì không đồng ý với bản cáo trạng đã truy tố. Nữ bị cáo 48 tuổi này bị buộc tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn duyệt giải ngân cho công ty cổ phần Hoàng Anh vay hơn 42 tỷ đồng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ khi hồ sơ đề nghị giải ngân chưa đủ thủ tục pháp lý, chưa thẩm định hồ sơ vay vốn và chưa được Hội đồng quản lý nguồn vốn phê duyệt.

Dự kiến, phiên sơ thẩm kết thúc vào ngày 30/3.
Cùng ngày, Hội đồng xét xử cũng hỏi các bị cáo có liên quan đến những sai phạm tại dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây thiệt hại 30,4 tỷ đồng; bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang tại công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu gây thiệt hại hơn 27 tỷ đồng.
Theo VnExpress

Ý kiến của bạn