Chiều 5/8, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC.
HĐXX đánh giá, bị cáo Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu chỉ đạo việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên hơn 4.300 tỷ đồng; thu lời bất chính hơn 3.600 tỷ đồng.
Hai bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) và Trịnh Thị Thúy Nga (cựu phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) đã giúp anh trai Trịnh Văn Quyết nâng khống vốn của Công ty Faros; qua đó giúp Quyết thu lời bất chính hơn 3.600 tỷ đồng.
HĐXX đánh giá, hành vi vi phạm của các bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga,... là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Tuy vậy, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng được ghi nhận đã có sự đóng góp vào phát triển kinh tế tại một số địa phương, tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho người lao động, được một số địa phương có văn bản xin giảm nhẹ...
Theo HĐXX, trong quá trình lượng hình đã xét toàn diện vai trò của từng bị cáo, tính chất mức độ phạm tội, nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh phạm tội và ý thức khắc phục hậu quả.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt 21 năm tù.
Cùng tội danh, 2 em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC và Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS, lần lượt bị tuyên 14 năm tù và 8 năm tù.
Ở một diễn biến khác, trước khi HĐXX tuyên án, các chủ sở hữu FLC Hạ Long đã có đơn gửi cơ quan xét xử liên quan tới xác minh tài sản để khắc phục thiệt hại.
Đã có khoảng hơn 120 người chủ sở hữu FLC Hạ Long có đơn gửi Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Những người này cho rằng, họ đã mua căn hộ FLC Grand hotel Hạ Long do Tập đoàn FLC mở bán, sau đó Công ty FLC Hạ Long thuê lại.
Theo những người này, Công ty FLC Hạ Long phá vỡ cam kết hợp đồng, không trả tiền thuê căn hộ nên những người này đã kiện ra TAND TP Hạ Long và TAND tỉnh Quảng Ninh từ năm 2022 tới nay.
Những người có đơn cho rằng, việc bị cáo Trịnh Văn Quyết ước tính tài sản gần 5.000 tỷ đồng, trong đó tính cả các căn hộ FLC Grandhotel Hạ Long đã bán cho khách hàng là xâm phạm quyền lợi của chủ sở hữu.
Những người này kiến nghị xử lý nghiêm khắc các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC. Đồng thời, phân định rạch ròi tài sản nào thuộc công ty nào, tài sản nào để bán để tránh xung đột lợi ích của các nạn nhân và bị hại trong những vụ án khác có liên quan đến Tập đoàn FLC và các công ty con"
Trước đó tại phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết từ 19 - 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 5 - 6 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội danh là từ 24 - 26 năm tù.
Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Trịnh Văn Quyết), 4 – 5 năm tù vì thao túng và 13 - 14 năm tù về lừa đảo, tổng hợp từ 17 – 19 năm tù.
Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột ông Quyết), 3 - 4 năm tù vì thao túng và 7 – 8 năm tù về lừa đảo, tổng hợp từ 10 – 12 năm tù.
Bị cáo Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, từ 4 – 5 năm tù vì thao túng và 7 – 8 năm tù về lừa đảo, tổng hợp từ 11 – 13 năm tù.
Các bị cáo khác cũng bị đề nghị từ 1,5 - 16 năm tù về các tội Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Xem thêm video được quan tâm:
Các bị cáo được dẫn giải đến phiên tòa.