Cựu Chủ tịch FLC khai chưa bao giờ muốn chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư

23-07-2024 12:25 | Pháp luật

SKĐS - Trả lời trước tòa, bị cáo Trịnh Văn Quyết khai muốn phát triển Công ty Farros để chủ động trong việc xây dựng dự án cho cả hệ thống FLC. Ngoài ra, khẳng định chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Cựu Chủ tịch FLC thừa nhận các con số, diễn biến trong cáo trạng nêu đều chính xác 

Cuối giờ sang 23/7, sau phần trả lời của các bị cáo khác, HĐXX yêu cầu bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC có mặt tại phòng xét xử để trả lời thẩm vấn sau gần một ngày bị cách ly.

Cáo trạng cáo buộc ông Trịnh Văn Quyết có 2 hành vi vi phạm, gồm thao túng 4 mã cổ phiếu họ FLC, thu lợi 684 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Trịnh Văn Quyết có vai trò chính trong việc nâng khống vốn Công ty Xây dựng Faros, đưa lên sàn HOSE với mã ROS một cách trái quy định. Cổ phiếu ROS sau đó được bán cho hơn 30.000 nhà đầu tư, thu lợi bất chính hơn 3.600 tỷ đồng.

Trả lời trước tòa, cựu Chủ tịch FLC cho biết, bị cáo tôn trọng, đồng ý cáo trạng của Viện kiểm sát. "Thời gian lâu nên không nhớ cụ thể hành vi của mình, nhưng xác nhận các con số, diễn biến trong cáo trạng nêu đều chính xác", bị cáo Quyết khai.

Cựu Chủ tịch FLC khai chưa bao giờ muốn chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư- Ảnh 1.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa.

Về việc phát hành cổ phiếu ROS, ông Quyết khai mong muốn khi mua lại rồi phát triển Công ty Faros nhằm mục đích có doanh nghiệp xây dựng của riêng mình. Điều này giúp bị cáo chủ động trong việc xây dựng dự án cho cả hệ thống FLC. "Bị cáo chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư", ông Trịnh Văn Quyết khai trước tòa.

Đối với các cáo buộc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán" bản thân đang bị truy tố, ông Quyết cho biết sẽ chấp nhận mọi phán quyết của HĐXX.

Loạt người thân đứng tên hộ giúp Trịnh Văn Quyết góp vốn khống hàng nghìn tỷ đồng

Trước đó, tại phần xét hỏi chiều 22/7, nhiều bị cáo là người thân, anh em, cháu, thông gia của bị cáo Trịnh Văn Quyết và đều thừa nhận tội danh bị truy tố. 

Các bị cáo khai không góp vốn, không phải cổ đông Công ty Faros nhưng được nhờ đứng tên sở hữu và qua đây giúp sức hành vi phạm tội lừa đảo. Những người khác đồng phạm trong hành vi thao túng cũng nhận tội nhưng cho hay họ không hưởng lợi bất chính.

Cựu Chủ tịch FLC khai chưa bao giờ muốn chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư- Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Văn Mạnh trả lời các câu hỏi của HĐXX.

Bị cáo Nguyễn Văn Mạnh, nhân viên Công ty FLC Land, (chồng của bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, em gái ông Quyết) khai cho bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Trịnh Văn Quyết) mượn CMND để mở tài khoản chứng khoán, thành lập pháp nhân nhưng không nhớ là bao nhiêu tài khoản, bao nhiêu pháp nhân.

Bị cáo Trịnh Tuân, cựu giám đốc Công ty FLC Land (là cháu họ ông Quyết) khai bản thân không góp vốn. Sau khi lên làm việc với cảnh sát, bị cáo mới nhớ có ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền mua cổ phần trị giá 15 tỷ đồng và một số chứng từ chưa có nội dung.

Bị cáo Tuân khai được bà Trịnh Thị Minh Huế nhờ nên cho mượn giấy tờ tùy thân thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán và nghĩ ký chứng từ là để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Cựu Chủ tịch FLC khai chưa bao giờ muốn chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư- Ảnh 3.

Bị cáo Trịnh Văn Đại, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng FLC Faros (anh họ bị cáo Quyết).

Bị cáo Trịnh Văn Đại, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng FLC Faros (anh họ bị cáo Quyết) thừa nhận cáo buộc và cho hay không nộp tiền góp vốn, không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng được bị cáo Huế nhờ đứng tên cổ đông.

Theo cáo trạng, từ năm 2017-2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo hai em gái là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Các bị can đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh.

Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Với việc làm trên, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra cáo trạng xác định, Trịnh Văn Quyết có hành vi nâng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, thu tiền của các nhà đầu tư.

Theo đó, Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống cho doanh nghiệp này từ 1.197 tỷ đồng lên tới 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần.

Xem thêm video được quan tâm:

Các bị cáo được dẫn giải tới phiên tòa.


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn