Người cựu chiến binh, thương binh đã kinh qua hai cuộc chiến, làm nhiều chức vụ ở địa phương, là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban thị trấn, về hưu, ông tiếp tục cống hiến thầm lặng khi viết sử quê nhà và coi đó như một sự trả ơn quê hương. Ông chính là Lê Nhâm, người con của mảnh đất ATK Định Hóa anh hùng, người được mệnh danh là “nhà Định Hóa học”.
Cái duyên viết sử quê hương
Khi chúng tôi tìm đến nhà ông tại Chợ Chu (thị trấn Chợ Chu), đã thấy ông đang bận bịu với sách vở, tài liệu bày đầy trên bàn. Thì ra ông đang tập trung chỉnh sửa, bổ sung để chuẩn bị tái bản cuốn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Chu, cùng với đó đang viết cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phúc Chu, Trung Lương. Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo mình viết sử là do sự kỳ vọng của các tiền bối đi trước. Khi về hưu, các vị tiền bối bảo cần phải có người viết về lịch sử oai hùng của quê hương Chợ Chu, chỉ có ông Nhâm mới làm được việc này. Không biết các cụ sao lại tin tưởng thế, nhưng ông Nhâm nghĩ mình cũng phải có trách nhiệm làm điều đó. Và thế là ông bắt đầu đi thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cho công việc viết lịch sử của quê hương.
Ông Lê Nhâm nhiều năm qua vẫn lặng thầm viết sử quê hương.
Lần kể lại cuộc đời mình, ông Nhâm cho chúng tôi biết, bố mẹ ông từ Thái Bình lên vùng đất Chợ Chu từ những năm 1940. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất truyền thống cách mạng Định Hóa - Thái Nguyên, ông Lê Nhâm sớm tiếp thu được những truyền thống quý báu ấy từ các thế hệ đi trước. Vì vậy mà khi còn đang là học sinh, theo tiếng gọi của đất nước, dù có vóc dáng nhỏ thó, chàng trai Lê Nhâm vẫn xung phong lên đường đi bộ đội. Qua sự phấn đấu rèn luyện, lại thêm có trình độ, Lê Nhâm sớm trở thành sĩ quan của tiểu đoàn pháo binh. Chiến tranh ác liệt, lại đảm nhận chức vụ sĩ quan chỉ huy nên phải đến gần 10 năm (từ 1964 đến 1973) ông mới được về thăm nhà một lần để tìm vợ.
Nhưng thời gian về thăm nhà không được nhiều, nên phải đến hai lần về phép tiếp theo, đến năm 1975, ông được đơn vị tạo điều kiện cho về lấy vợ rồi phải lên đường ngay vì Chiến dịch mùa xuân 1975 đã bắt đầu. Sau khi xuất ngũ, rồi lại tái ngũ năm 1979, ông chuyển ngành và làm ở các cương vị như Trưởng phòng Tổ chức Trường 7 3 Bắc Thái; Trường Văn hóa Quân khu 1, Trưởng ban Tuyên huấn quân sự tỉnh Bắc Thái. Đến 1989, ông về hưu nhưng vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương. Trong thời điểm này, ông Nhâm lại được các cấp lãnh đạo và nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch thị trấn Chợ Chu và ông đảm nhiệm cương vị này từ năm 1994 đến 2000. Chính điều này đã giúp ông Nhâm có dịp được tiếp xúc với nhiều nhân chứng lịch sử, càng thấy cần phải viết để lưu lại truyền thống cách mạng của mảnh đất Chợ Chu anh hùng. Thế nên khi được các cụ lớp trước kỳ vọng, là một cán bộ lãnh đạo thị trấn, một đảng viên trưởng thành trong quân ngũ thì ông lại thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn bao giờ hết.
Và viết từ lòng nhiệt huyết, không lợi nhuận
Từ khi giữ chức Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy thị trấn Chợ Chu, ông Lê Nhâm bắt đầu tìm tòi, thu thập tài liệu. Công việc cơ quan bận rộn và điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, ông Nhâm vẫn dành thời gian tìm gặp các cụ lão thành cách mạng, những nhân chứng như: Cụ Ngô Nhân, cụ Nguyễn Văn Y, cụ Nông Văn Viên... (những người hoạt động cách mạng từ sớm hoặc công tác lâu năm tại địa phương), để hỏi về lịch sử. Hỏi được điều gì, ông ghi chép cẩn thận, hỏi nhiều người, tìm hiểu nhiều nguồn về một sự kiện để đảm bảo độ chính xác. Ngoài ra, ông cũng cất công khảo sát, tìm đọc nhiều tài liệu lịch sử về các di tích tại địa phương như: Nhà tù Chợ Chu, Chùa Hang, cây đa chợ Chu... Sau đó ông đề nghị Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho phép được viết cuốn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Chu.
Sau khi nghỉ hưu, ông có nhiều thời gian và thường đạp xe đến từng địa điểm, di tích, gặp các cụ già, những nhân chứng lịch sử của từng vùng để được cùng sống lại những khoảnh khắc lịch sử, từ đó giúp cho việc viết sử được sống động và chính xác hơn. Việc thu thập tài liệu đã khó khăn nhưng để viết được thành cuốn lịch sử còn khó khăn hơn. Vốn là một người yêu văn chương, lại làm thơ (ông Nhâm đã xuất bản 4 tập thơ và là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên, hội viên Hội Thơ Việt Nam), ban đầu ông Lê Nhâm cứ nghĩ viết sử như viết văn. “Lúc mới viết sử địa phương, tôi cứ nghĩ viết lịch sử dễ như mình vẫn làm thơ hoặc viết văn xuôi vậy. Tư liệu đầy đủ, tôi viết một mạch với lối diễn đạt mượt mà, nhưng đã bị những người thẩm định gạch bỏ và yêu cầu sửa chữa rất nhiều. Có khi viết được mấy chục trang, rồi quay lại nghiền ngẫm, tự sửa chữa, cắt gọt còn vài trang, phồng tay mà cuốn sách không xong” - ông Nhâm chia sẻ.
Khi ông viết được gần nửa cuốn sách Lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Chu, đem cho bà Lý Thị Sắn - cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy xem, bèn bị “chỉnh đốn” cho một hồi. Nhưng ông không hề tự ái mà sẵn sàng tiếp thu, học hỏi, đem về hì hục viết lại. Ông Nhâm bảo: May có bà Sắn nhiệt tình ủng hộ và góp ý thẳng thắn nên đã viết đúng văn phong lịch sử chứ không như viết văn nữa. Cuối cùng, sau 4 năm cần mẫn, miệt mài, cùng với sự giúp đỡ của bà Sắn, cuốn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Chu được xuất bản năm 2001, cuốn sách sử đầu tiên ông Lê Nhâm viết nhưng không có một đồng thù lao nào. Bởi đây là do ông tự nguyện viết. Sau đó UBND thị trấn Chợ Chu có cân đối, trích ngân sách để thưởng cho ông và bà Sắn mỗi người 1,5 triệu đồng. Và cho đến giờ, dù bà Sắn cũng đã nghỉ hưu nhưng hai người vẫn miệt mài cùng nhau viết tiếp những trang sử quê hương.
Từ sau cuốn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Chu xuất bản, ông Lê Nhâm bắt đầu có uy tín và kinh nghiệm. Vì vậy mà nhiều xã khác trong huyện Định Hóa đã “đặt hàng”, nhờ ông Nhâm chủ biên hoặc tham gia viết lịch sử Đảng bộ. Đến nay, huyện Định Hóa có 13/24 xã, thị trấn đã biên soạn xong lịch sử Đảng bộ đều có công của ông. Điển hình là ông Lê Nhâm đã chủ biên hoặc tham gia viết xong lịch sử Đảng bộ các xã: Trung Hội, Thanh Định, Bảo Cường, Bình Thành, Lam Vỹ, Phúc Chu và Trung Lương; đang viết 2 cuốn gồm Lịch sử Đảng bộ xã Tân Thịnh và tái bản cuốn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Chu.
Vậy là suốt thời gian từ khi nghỉ hưu cho đến nay, ông Nhâm vẫn luôn bận rộn với việc đi thu thập, sưu tầm tài liệu, đến từng những gia đình, di tích để gặp các cụ cao niên, các lão thành cách mạng để được nghe kể, mô tả về những thời khắc lịch sử của từng địa phương. Dù đã 74 tuổi, sức khỏe đã giảm sút nhiều, mắt lại kém, xe máy thì không đi được, ấy vậy mà ông vẫn thường xuyên cưỡi chiếc xe đạp đi khắp các vùng các xã, từng ngóc ngách, từng di tích để lấy tư liệu. Bởi với ông, không đi thì sẽ không viết được nên càng không thể ngồi nhà được. Sau khi có được tài liệu, về ông lại sắp xếp, chọn lọc để có được những tư liệu tốt nhất, chính xác nhất. Thường mỗi cuốn ông phải mất từ 1 - 2 năm làm việc miệt mài, nghiêm túc mới hoàn thành.
Đối với ông Lê Nhâm, nếu viết sử mà vì lợi nhuận sẽ không viết được. Viết sử ngoài là niềm vui thích thì đó còn là sự trả nợ quê hương. Ông luôn đau đáu niềm mong ước tái hiện được truyền thống lịch sử của quê hương cách mạng Định Hóa anh hùng. Để từ đó lưu giữ, giúp cho các thế hệ sau hiểu và tự hào với truyền thống quý báu ấy. Cũng vì thế mà ngoài việc viết sử, dù có bận rộn đến đâu nhưng ông luôn sẵn sàng đến các cơ quan, trường học nói chuyện về lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Điều ông Nhâm mong muốn nhất là từ việc viết sử sẽ giúp lớp trẻ có thông tin, tư liệu về truyền thống lịch sử để hiểu, tự hào và phấn đấu học tập, lao động xứng danh với truyền thống ấy. Đó cũng là một cách thiết thực để xây dựng và phát triển quê hương cách mạng Định Hóa anh hùng. Và đến nay, người dân địa phương hàng ngày vẫn thấy ông Nhâm tuổi xưa nay hiếm, bị thoái hóa cột sống nặng, 3 đốt dính vào nhau nhưng với chiếc xe đạp vừa đi vừa dắt miệt mài tìm hiểu, thu thập thông tin để viết sử quê nhà.