Cựu chiến binh gần 80 tuổi vẫn miệt mài tìm cách đưa đồng đội đã hy sinh về với quê nhà

26-07-2023 07:20 | Xã hội

SKĐS - Ở tuổi 76 nhưng cựu chiến binh Đào Thiện Sính vẫn rong ruổi qua mọi vùng đất, nghĩa trang để “giải mã” các phần mộ liệt sĩ chữa rõ danh tính, tìm cách đưa họ về với quê nhà.

Khát vọng tìm mộ liệt sĩ từ lòng thương mẹ và anh trai

Cận kề ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/2023), cựu chiến binh Đào Thiện Sính (thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) lại khoác ba lô vào biên giới Tây Nam và các tỉnh miền Nam để tìm kiếm thông tin các phần mộ liệt sĩ chưa rõ danh tính.

Cựu chiến binh gần 80 tuổi vẫn miệt mài tìm cách đưa đồng đội đã hy sinh về quê nhà - Ảnh 1.

Ông Đào Thiện Sính đã đến nhiều nghĩa trang tìm danh tính chính xác cho các liệt sĩ chưa xác định được danh tính và hỗ trợ đưa họ về quê nhà

Hình trình tìm mộ liệt sĩ, xác định danh tính, quê quán cho các phần mộ liệt sĩ của ông Sính bắt đầu từ tình thương người mẹ và anh trai của ông.

Ông cho biết: "Tôi sinh đầu năm 1947 ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 20 tuổi thì xung phong nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị, sau này tiếp tục tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, tổng thời gian tham gia các chiến trường là 13 năm. Khi đất nước hoàn toàn yên bình, tôi được phân công về công tác ở ngành bưu chính – viễn thông huyện Khánh Vĩnh cho đến lúc nghỉ chế độ. Thời kỳ tôi nhập ngũ, anh trai tôi là Đào Chí Nguyện cũng xung phong vào chiến trường miền Nam chiến đấu và hy sinh nhưng không tìm thấy hài cốt, mẹ tôi biết tin, buồn khóc suốt nhiều tháng trời. Thương mẹ và anh trai vô bờ bến, tôi quyết tâm khi nào rãnh rỗi là lên đường tìm hài cốt của anh trai. Quá trình ấy, tôi tìm luôn hài cốt các đồng đội khác, bởi tất cả các anh đều ngã xuống vì đất nước. Tôi đã làm công việc này suốt 40 năm qua, hài cốt liệt sĩ tôi tìm thấy ở các chiến trường cũng như số phần mộ xác định được danh tính và kết nối với người thân của họ để đưa về quê nhà an táng đã lên tới hàng ngàn hài cốt. Có khoảng trên 230 nghĩa trang, chiến trường từ Quảng Trị đến Cà Mau, Tây Ninh, Đồng Nai…tôi đã đến, càng đi càng thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa".

Cựu chiến binh gần 80 tuổi vẫn miệt mài tìm cách đưa đồng đội đã hy sinh về quê nhà - Ảnh 3.

Ở tuổi gần 80, ông Đào Thiện Sính vẫn giữ nguyên nhiệt huyết đi tìm hài cốt liệt sĩ

Theo cựu chiến binh Đào Thiện Sính, dịp 27/7, các địa phương thường long trọng tổ chức các chương trình kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ, khi đó ông đến các nghĩa trang, các chiến trường xưa...ông dễ dàng gặp được đồng đội cũ hoặc thân nhân của liệt sĩ, từ đó ông có thể thu thập thêm nhiều thông tin phục vụ cho công việc của mình. Dịp 27/7 năm nay, những nghĩa trang có nhiều liệt sĩ chưa rõ danh tính nhất ở phía Nam đã mời ông Sính đến dự lễ kỷ niệm, thế nên dù khó khăn mấy, ông cũng quyết chí lên đường.

40 năm chứng kiến biết bao nhiêu nhiêu cuộc trùng phùng

Có những hài cốt liệt sĩ đồng đội ở biên giới Campuchia, cựu chiến binh Đào Thiện Sính phải mất nhiều tháng trời mới có thể tìm kiếm được bởi qua thời gian, nhiều biến đổi đã xảy ra, ông nhớ rõ vị trí nhưng vẫn phải mày mò định vị lại từng gốc cây cổ thụ, cánh rừng để tìm kiếm.

Cũng có những ngôi mộ liệt sĩ chưa rõ danh tính, ông Sính phải mất nửa năm trời để "giải mã". Điển hình như mới đây ông vào nghĩa trang liệt sĩ Dương Minh Châu (Tây Ninh) thấy có ngôi mộ chưa rõ danh tính, trên bia chỉ ghi ngắn gọn: Liệt sĩ Xiến, sinh 1947, quê Kinh Môn, hy sinh tháng 8/1968. Lập tức ông Sính tìm gặp hàng chục đồng đội từng tham gia chiến trường biên giới Tây Nam còn sống xem có biết gì về liệt sĩ này hay không và tập hợp tất cả các thông tin liên quan về phần mộ này. Sau đó, ông Sính tiếp tục viết hàng trăm lá thư gửi kèm dữ liệu về liệt sĩ Xiến đến 25 xã, phường của thị xã Kinh Môn để làm rõ danh tính của liệt sĩ Xiến. Qua đối chiếu, thấy cùng thời gian, địa điểm trên, ở Kinh Môn cũng có một liệt sĩ khác đã hy sinh nhưng chưa được tìm thấy. Cuối cùng ông xác định được, danh tính đầy đủ của liệt sĩ Xiến là Vũ Xuân Tiến, sinh năm 1947, quê quán xã Thái Thịnh, Kinh Môn, Hải Dương, hy sinh ngày 21/8/1968.

Cựu chiến binh gần 80 tuổi vẫn miệt mài tìm cách đưa đồng đội đã hy sinh về quê nhà - Ảnh 4.

Trên bức tường căn phòng giản dị của mình, ngoài các bằng khen, ông Đào Thiện Sính dán đầy thông tin về những ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính như lời nhắc nhở với bản thân cần cố gắng tìm kiếm hơn nữa

Trong niềm vui mừng khôn xiết, ông Sính đã tư vấn cho người nhà liệt sĩ Vũ Xuân Tiến liên hệ với các cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ làm thủ tục và đến nghĩa trang liệt sĩ Dương Minh Châu để đưa hài cốt liệt sĩ Tiến về quê nhà. Ngày gặp được hài cốt người thân, thân nhân liệt sĩ Vũ Xuân Tiến xúc động trào nước mắt. Với ông Sính, những phút giây như thế lòng ông cũng trào dâng lên niềm hạnh phúc vô bờ bến.

"40 năm qua, tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc trùng phùng như thế, khi đó thấy mọi mệt mỏi của mình đều tan biến hết. Có những mộ liệt sĩ, thông tin trên bia mộ rất ít ỏi, có khi chỉ ghi mỗi cái họ mà không có tên và quê…tìm lại được danh tính đầy đủ và hỗ trợ đưa hài cốt họ về quê nhà gian nan vô cùng. Có khi phải tìm gặp hàng trăm đồng đội cũ, các cơ quan để đấu nối, chấp vá thông tin mới xác định được", Ông Sính thổ lộ.

Cảm động trước việc làm của ông Sính, cuối năm 2022, anh trai của liệt sĩ Vũ Xuân Tiến là ông Vũ Xuân Quế còn viết những vần thơ từ đáy lòng mình gửi tặng ông Sính, rằng: "Con ong tìm mật, mải mê/Anh tìm đồng đội đưa trở về quê hương/ Ngày đêm mải miết say mê/ Thân nhân liệt sĩ xin ghi tạc lòng/ Chúng tôi cảm phục cầu mong/ Anh thêm sức khỏe vào trong…ra ngoài/ Thanh cao tựa dáng trúc, mai/ Tiếng thơm, thơm tựa hoa nhài, hoa sen…"

Giờ đây, nhiệt huyết trong ông vẫn vẹn nguyên nhưng sức khỏe yếu dần mà số mộ liệt sĩ thất lạc, chưa tìm được danh tính còn nhiều nên ông Sính vừa trực tiếp đi tìm vừa chuyển tất cả dữ liệu ông có được cho nhiều cơ quan chức năng, các trang thông tin với mong muốn nhiều người, nhiều đồng đội còn sống cùng chung tay xác minh, tìm kiếm.

Thắp nến tri ân hơn 1.200 mộ liệt sĩ trong đêmThắp nến tri ân hơn 1.200 mộ liệt sĩ trong đêm

SKĐS - "Uống nước nhớ nguồn", lo "mồ yên mả đẹp" cho người đã khuất là đạo lý từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam, là trách nhiệm lớn của người đang sống với các anh hùng liệt sĩ.


Đông Hưng-Thanh Lê
Ý kiến của bạn