Cứu cánh tay thối rữa của bé sơ sinh suýt phải cắt cụt

20-09-2018 11:36 | Camera bệnh viện

SKĐS - Bệnh nhi ở An Giang được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bàn tay tím đen, các ngón đang có dấu hiệu rụng dần.

Các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết bé sinh thường, sinh non 30 tuần tuổi, nặng 1,6kg. Ngay sau khi chào đời ngày 4/7/2018, bệnh nhi bị suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, cẳng bàn tay bị hoại tử do mạch máu thuyên tắc.

Tại khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi Đồng 1, kết quả thăm khám cho thấy, bé bị viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết do Enterrobacter. Sau khi nhập viện, bệnh nhi yếu dần, mô bàn tay tiếp tục hoại tử nghiêm trọng.

Một mặt điều trị viêm màng não và nhiễm trùng máu, các bác sĩ đồng thời tiến hành cắt lọc vết thương ở bàn tay, tuy nhiên bàn tay vẫn nhiễm trùng hoại tử lan rộng lên trên cẳng tay, các ngón tay sau đó rụng dần, cả cánh tay phải thâm đen, da hỏng hoàn toàn, bệnh nhi đứng trước nguy cơ phải đoạn chi.

Mất bàn tay, tuy nhiên cánh tay của bé đã được cứu sau hơn 2 tháng điều trị

Trước tình cảnh đáng thương của bé, ThS.BS Đào Trung Hiếu – phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 cùng bác sĩ của các khoa Phỏng - Tạo hình, Hồi sức sơ sinh, Sơ sinh đã nhiều lần hội chẩn để tìm hướng xử trí. “Nhìn thấy con quá đáng thương. Đoạn chi là việc làm quá dễ đối với các bác sĩ. Nhưng cả phần đời của bệnh nhi sẽ sống với cảnh tật nguyền. Chính vì thế chúng tôi cố gắng hết sức để điều trị bảo tồn tay và giữ được tính mạng cho bé”, BS nói.

Sau nhiều lần hội chẩn toàn bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành áp dụng kỹ thuật đặt máy áp lực âm (tạo môi trường chân không) để tưới rửa liên tục suốt ngày đêm. Một vật dụng tiên tiến được đặt vào vết thương gây che phủ được vết thương, các sợi vật liệu len vào từng tế bào làm tăng tưới máu giúp mau lành, loại bỏ dịch tiết và thay đổi môi trường.

BS. Lê Hữu Phước, khoa Phỏng - Tạo hình cho biết, kỹ thuật tưới rửa vết thương liên tục bằng áp lực âm sẽ giúp khép vết thương, tăng tưới máu, giảm phù nề, ngăn khả năng tấn công của vi khuẩn, thúc đẩy việc trao đổi chất, giữ ẩm, làm sạch chống nhiễm trùng, giảm số lần thay băng…

“Chỉ sau 12 ngày liên tục rửa dưới áp lực âm, vết thương của bé từ trơ xương và cơ đã lên mô hạt tốt đủ để ghép da. Chúng tôi sau đó đã tiến hành ghép da tự thân và sau hơn 10 ngày ghép, các vạt da ghép đã tiến triển tốt”, BS Phước nói.

ThS.BS Đào Trung Hiếu cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện áp dụng kỹ thuật tưới rửa vết thương bằng áp lực âm. Ca bệnh đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa khoa Ngoại, khoa Phỏng - Tạo hình và sự chăm sóc túc trực của các bác sĩ Sơ sinh và Hồi sức sơ sinh. Thành công của việc điều trị mở ra một hướng mới trong điều trị vết thương rộng và nghiêm trọng ở trẻ nhỏ.

Bé đang tiếp tục được điều trị viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Hiện sức khỏe tổng trạng đến sáng 20/9 ổn định.


Thiên Chương
Ý kiến của bạn