Đó chính là chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy đối với trường hợp khẩn cấp của bệnh nhân P.T.B.L (sinh năm 1998, ngụ Vĩnh Long) khi gia đình bệnh nhân không có đồng nào để đóng tiền tạm ứng viện phí trong tình huống bệnh nhân có thể tử vong sau vài giờ nếu không được can thiệp bằng máy ECMO – một thiết bị oxy hóa máu tuần hoàn ngoài cơ thể với chi phí gần cả trăm triệu cho thời điểm bắt đầu sử dụng máy và chưa kể những ngày tiếp theo.
Hình ảnh X.quang Phổi của bệnh nhân cho thấy bệnh nhân bị phù phổi nặng
Tính mạng nguy cấp vì một nốt ong chích
Theo gia đình bệnh nhân L, chiều ngày 5/7/2016, L. ra vườn hái cóc thì bất ngờ bị một con ong nghệ chích vào mí mắt trên trán phải. Bước vào nhà, mẹ bệnh nhân phát hiện con mình bị sưng vù ở vùng bị đốt, nổi mẫn ngứa toàn thân, mặt tím lại rồi xỉu ngay trên nền nhà. Do xung quanh nhà là ruộng vườn, đường đi khó khăn, bệnh nhân đã được cha cõng chạy ra đường chính trong thời tiết trời đang mưa. Gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện huyện Tam Bình trong tình trạng tuột huyết áp, khó thở. Tại đây, bệnh nhân được sơ cứu và chuyển lên bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Nhập viên đa khoa Vĩnh Long, lúc 23 giờ ngày 6/7/2016, bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ do ong đốt, phù phổi tổn thương. Các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân, cho thở máy đồng thời kết hợp dùng thuốc vận mạch để nâng huyết áp của bệnh nhân lên và chuyển đến lên bệnh viện Chợ Rẫy.
Đúng 2 giờ sáng ngày 7/7/2016, tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, tri giác lơ mơ, huyết áp 60/30 mmHg, mạch nhanh, nồng độ oxy trong máu thấp, bóp bóng qua ống nội khí quản, suy hô hấp, phù phổi nặng. Bệnh nhân vật vã, tím tái và có nhiều máu trào ra từ ống nội khí quản.
BS. Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đang thăm khám cho bệnh nhân
Sau khi thực hiện các cận lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh nhân cho thấy, bệnh nhân thường bị viêm da dị ứng và dị ứng với 1 số hải sản. Đây được xem là 1 trong những nguyên nhân làm nặng hơn tình trạng của bệnh nhân. Nguyên nhân của tình trạng này, theo bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu là do cơ thể bị sốc phản vệ, phổi bị tổn thương rất nặng nên máu và nước tràn vào phổi, bệnh nhân sẽ tử vong nếu nhập viện trễ thêm vài giờ đồng hồ.
Thời khắc quyết định cứu một mạng người
Bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu lúc 5 giờ 40 phút sáng ngày 7/7/2016. Tại đây, bệnh nhân trong tình trạng sốc phản vệ do ong đốt, phù phổi tổn thương nặng, không thể kiểm soát được hô hấp bằng máy thở nên các bác sĩ đã quyết định chọn giải pháp đặt ECMO (phương pháp oxy hóa máu tuần hoàn ngoài cơ thể) để cứu bệnh nhân.
Tuy nhiên, điều đáng nói là BHYT của bệnh nhân vừa hết hạn, bệnh nhân vừa thi tốt nghiệp 12 và đang đợi xét tuyển đại học, hoàn cảnh gia đình lại quá khó khăn trong khi chi phí điều trị bằng ECMO lại quá cao, ngay cả tiền tạm ứng còn chưa đóng được đồng nào. Ở thời khắc đó, gia đình bệnh nhân xin đưa bệnh nhân về, buông xuôi số phận theo chữ nghèo. Đứng trước hoàn cảnh đó, các bác sĩ điều trị đã động viên gia đình, còn nước còn tát, nỗ lực cứu bệnh nhân dù hy vọng có mong manh thì cũng cố gắng. Lãnh đạo Khoa đã trực tiếp xin ý kiến của Ban Giám đốc Bệnh viện và nhận được chỉ đạo: cứu bệnh nhân trước, chi phí điều trị sẽ tính sau. Và đúng 7 giờ sáng ngày 7/7/2016, bệnh nhân đã được đặt ECMO - tạm thời vượt qua cơ thập tử nhất sinh (bệnh nhân có thể tử vong sau vài giờ nếu không được đặt ECMO hỗ trợ tuần hoàn vì phổi bị tổn thương quá nặng).
Đến hiện tại, theo bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng bệnh nhân đã ổn định hơn, những tổn thương trong phổi đã phục hồi khá rõ. Bệnh nhân hiện đang được theo dõi tiếp tục trong 2 - 3 ngày nữa, nếu diễn tiến thuận lợi, bệnh nhân có thể sẽ được cai máy ECMO.
Mẹ bệnh nhân rất mong mỏi nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân
Hướng xử trí ban đầu khi bị ong chích
Lý giải về nguyên nhân vì sao chỉ với một vết ong đốt mà bệnh nhân đang lại rơi vào tình trạng sốc phản vệ, nguy cơ tử vong cao, trong khi thông thường chỉ đến khi bị nhiều vết đốt thì cơ thể mới bị tổn thương nhiều cơ quan như vậy, bác sĩ Linh phân tích do bệnh nhân có tiền sử viêm da dị ứng khiến tình trạng của bệnh nhân dễ chuyển biến nặng hơn.
Nhân trường hợp này, bác sĩ Linh cũng khuyến cáo đến những trường hợp có cơ thể mẫn cảm, dễ dị ứng hoặc bị hen suyễn, cần hết sức cẩn thận vì đôi lúc chỉ một vết ong đốt thôi cũng có nguy cơ sốc phản vệ, phù phổi tương tự bệnh nhân nói trên. Đặc biệt, khi bị ong đốt (trong đó có ong đất, ong vò vẽ là độc tố cao nhất; ông nghệ, ông bầu…) thì cần lưu ý: Độc tố nằm ngay vết kim đốt, cần lấy ngay vết kim đốt ra chứ không đợi đến bệnh viện vì để càng lâu, độc tố càng phát tán; Rửa vết thương bằng nước sạch hoặc xà phòng; Không nặn máu ngay chỗ vết thương để tránh những tình trạng xấu xảy ra; Đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Trước những động viên của đội ngũ y bác sĩ điều trị, gia đình bệnh nhân đã bàn bạc và quyết định để bệnh nhân ở lại để tiếp tục điều trị. Đến nay, chi phí điều trị cho bệnh nhân là 146 triệu đồng. Sau 5 ngày nhập viện, vay mượn bạn bè và họ hàng, gia đình bệnh nhân đã đóng được 132 triệu đồng. Hiện gia đình người bệnh đang rất khó khăn. Ban lãnh đạo bệnh viện rất mong muốn gia đình bệnh nhân P.T.B.L sẽ nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân. Mọi thông tin từ phía người bệnh, quý độc giả có thể liên hệ với mẹ ruột của em P.T.B.L qua số điện thoại 0924080394.