Cứu bệnh nhân trước ngưỡng... quan tài

03-06-2015 07:00 | Tin nóng y tế

SKĐS - Trải qua 30 năm trong nghề, được biết đến là bác sĩ hàng đầu trong chuyên ngành ung thư phổi và phẫu thuật lồng ngực nước ta...

Trải qua 30 năm trong nghề, được biết đến là bác sĩ hàng đầu trong chuyên ngành ung thư phổi và phẫu thuật lồng ngực nước ta - TS.BS. Hoàng Đình Chân đã không ít lần giúp người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần qua những lần làm việc hết mình trong phòng mổ.

“Bắt bệnh” ung thư phổi

Chúng tôi đến Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (Hà Nội) - bệnh viện chuyên khoa ung bướu tư nhân đầu tiên tại miền Bắc để tìm gặp TS.BS. Hoàng Đình Chân, nơi ông đang làm việc với chức danh Giám đốc chuyên môn. Hẹn gặp đã nhiều lần nhưng vì bận việc bệnh viện nên ngày cuối tuần khi sắp xếp được thời gian, BS. Hoàng Đình Chân mới có thể cho chúng tôi được tiếp xúc. Thời gian gặp không nhiều nhưng cũng đủ để cho chúng tôi hiểu thêm về người bác sĩ đã có 30 năm cống hiến hết mình cho chuyên ngành ung thư phổi và phẫu thuật lồng ngực.

TS.BS. Hoàng Đình Chân khám cho bệnh nhân.

TS.BS. Hoàng Đình Chân là con trai thứ trong gia đình có 4 người con của cố GS.BS. Hoàng Đình Cầu - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội... Trước năm 1968, Hoàng Đình Chân theo học phân hiệu quân sự của Đại học Bách khoa, ban đầu theo nghề ôtô, xe máy. Nhưng đến năm 1969 thì ông quay sang học ngành y, nối nghiệp người cha yêu quý. BS. Hoàng Đình Chân cho biết, ông đến với ngành y có rất nhiều yếu tố từ gia đình, thuở nhỏ ông đã được cha mẹ giáo dục rất nhiều về y đức hoặc phương pháp chữa bệnh cứu người. Thậm chí, đến nay ông vẫn còn nhớ mùi thuốc tây từ chiếc tay cầm xe đạp ngày xưa của cha. Vậy là, ngay từ nhỏ, Hoàng Đình Chân đã tiếp xúc với mùi thuốc...

TS.BS. Hoàng Đình Chân từng là bác sĩ phẫu thuật của Viện Lao và Bệnh phổi (nay là Bệnh viện Phổi Trung ương), nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện K Trung ương và là thực tập sinh Khoa Phẫu thuật lồng ngực Viện Berlin - Buch (CHDC Đức cũ). Sau những tháng ngày nghiên cứu, tiếp cận với các lý thuyết và thực tiễn với bệnh ung thư phổi, TS.BS. Hoàng Đình Chân cho biết, ung thư phổi ở nước ta thường được phát hiện muộn. Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất toàn cầu về số ca mới mắc, mỗi năm tăng trung bình 0,5%. Ung thư phổi chiếm vị trí thứ nhất ở nam giới, chiếm 21,4% trong tổng số các loại ung thư. Ở nữ giới, ung thư phổi đứng ở vị trí thứ 4, chiếm 8,1%  trong tổng số các loại ung thư.

TS. Hoàng Đình Chân cũng cho biết, thuốc lá là nguyên nhân của 85% ung thư phổi. Các yếu tố môi trường như arsenic, asbestos, beryllium, hydrocarbones, khí mustard, tia phóng xạ cũng là tác nhân gây ung thư phổi. Ung thư phổi thường phát triển từ tổ chức biểu mô phế quản, hiếm khi phát triển từ biểu mô phế nang. Triệu chứng lâm sàng khởi đầu của ung thư phổi rất nghèo nàn, tiến triển âm thầm, di căn xa nhanh. Bệnh nhân ho khan dai dẳng nhiều tuần. Người nghiện thuốc lá thì cho rằng mình bị viêm phế quản do hút thuốc hoặc hút loại thuốc không quen. Bệnh nhân có thể có hâm hấp sốt về chiều, mệt mỏi, gầy sút cân và chỉ chịu đi khám khi thấy đau ngực nhiều hoặc ho ra máu. Tiếc rằng lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn vì u đã xâm nhiễm vào phế quản phân thùy hoặc phế quản thùy. Các triệu chứng khởi đầu này có thể gặp trong viêm nhiễm phế quản phổi. Trong ung thư phổi, phần lớn là bệnh nhân ho ra máu lẫn đờm một vài lần hoặc nhiều lần nên dễ bỏ qua. Như nhiều ung thư các phủ tạng ở sâu trong cơ thể, ung thư phổi bắt đầu thường không có dấu hiệu gì rầm rộ như một bệnh cấp tính hay có các dấu hiệu đặc thù trong các bệnh mạn tính khác.

Nhưng, với tư cách là chủ nhiệm 1 trong 7 đề tài trọng điểm của Chương trình phòng chống ung thư quốc gia, là tác giả của nhiều đầu sách viết về ung thư, BS. Hoàng Đình Chân khẳng định: “Ung thư không phải căn bệnh vô phương cứu chữa, 40% ung thư có thể dự phòng được, 30% các loại ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bằng các phương pháp điều trị hiện nay, chúng ta có thể kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho 30% người bệnh ung thư còn lại”.

Kỹ thuật mổ và đặt dẫn lưu

Năm 1997, BS. Hoàng Đình Chân về công tác tại Bệnh viện K Trung ương. Chính ông là người đầu tiên xây dựng Khoa Phẫu thuật lồng ngực. Hồi còn làm việc tại Bệnh viện K, với tư cách là Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, BS. Hoàng Đình Chân là một trong những người tiên phong cho các bác sĩ trẻ tại bệnh viện đi nước ngoài học tập những tiến bộ trong kỹ thuật hoặc cách điều trị cho người bệnh, đồng thời nâng cao tay nghề.

“Thật ra tôi đã là bác sĩ chuyên về ung thư lâu rồi, nhưng tôi vẫn thấy tâm lý nhiều người bệnh nghĩ rằng ung thư là bệnh ngang như án tử hình. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, tôi đã mổ cho rất nhiều bệnh nhân, đến 10 năm nay họ vẫn sống bình thường. Người bác sĩ, dù thời nào cũng hãy cố gắng đem lại chất lượng cuộc sống cho người bệnh về sau được đảm bảo hơn” - BS. Hoàng Đình Chân tâm sự.

Vị bác sĩ cũng kể lại, vào năm 1986 khi vừa du học Đức về, ông đã áp dụng việc đặt ống dẫn lưu sau mổ trong kỹ thuật mổ cho người bệnh ung thư phổi. Ngày trước ở Viện Lao và Bệnh phổi (trước đây là Viện Chống lao Trung ương, BS. Hoàng Đình Chân công tác từ năm 1982 - 1996) đặt một ống dẫn lưu bên sườn và một ống khác phía trước ngực, vị trí của ống dẫn lưu cách rất xa nhau. Nhưng từ lúc học ở Đức về, BS. Hoàng Đình Chân thấy bên Đức đưa hai ống dẫn lưu sau mổ gần với nhau, do đó BS. Chân cũng học theo và áp dụng đối với người bệnh tại Viện Chống lao. Khi đặt hai ống dẫn lưu cạnh nhau, có bác sĩ cấp trên BS. Hoàng Đình Chân thắc mắc: “Cậu học cách đặt dẫn lưu này ở đâu, phải đặt một ống bên sườn và trước ngực chứ?”, BS. Chân đáp lại “đặt hai ống dẫn lưu gần nhau thì làm cho người bệnh nằm ngửa không bị vướng, thoải mái hơn và tác dụng dẫn lưu như nhau ạ”. “Vậy cậu mổ và đặt ống thì cậu đi rút đi” - BS. Hoàng Đình Chân nhớ lại. Thế rồi, BS. Chân đi rút ống dẫn lưu và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Sau đó, viện đã áp dụng cách đặt hai ống dẫn lưu bên cạnh nhau sau khi mổ đối với người bệnh.

Về kỹ thuật mổ ung thư phổi, theo BS. Chân, trước đây chúng ta thường mổ ở đường bả phía sau lưng, đường mổ vì thế chạy dài từ đằng sau lên đằng trước khoảng 25cm. Sau khi nghiên cứu, BS. Chân không cắt cơ vì làm như thế sẽ làm người bệnh bị tổn thương và bị cắt rất dày, tàn phá nhiều ở thành ngực, cộng với việc bị cắt xương sườn. Để cải tiến tình hình này, BS. Hoàng Đình Chân quyết định mổ không cắt cơ nữa mà thực hiện tách thớ cơ để hạn chế tối đa tổn thương ở thành ngực, ông không cắt xương sườn mà tách xương sườn ra để đường mổ hẹp hơn nhưng vẫn đảm bảo chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân. BS. Hoàng Đình Chân cho rằng: “Khi người bệnh tỉnh lại, họ sẽ quan tâm đến vết sẹo từ mổ, tức là yếu tố thẩm mỹ và ít khi họ biết đã được cắt những cái gì trong khi mổ”.

Không đầu hàng dù bệnh nhân có sẵn... quan tài

30 năm trong nghề, tiếp xúc và trực tiếp mổ, điều trị cho rất nhiều bệnh nhân ung thư phổi, đến nay BS. Hoàng Đình Chân cũng không nhớ được đã chữa trị cho bao nhiêu người. “Tôi thấy cuộc sống của người bệnh bị ung thư phổi ngắn quá. Tuy nhiên, những bệnh nhân ung thư sống 5 năm sau mổ do tôi trực tiếp mổ cũng khá nhiều”. BS. Chân từng trực tiếp mổ cho ông Đặng Đình Hưng - cha của NSND Đặng Thái Sơn nổi tiếng thế giới với cây đàn piano. Ông Hưng đã kéo dài cuộc sống tới 14 năm sau mổ. Cũng có bệnh nhân nữ khoảng hơn 30 tuổi bị tràn mủ màng phổi, sau đó thành áp-xe khá nặng. BS. Hoàng Đình Chân cũng lao mình ra trận tuyến cam go ấy, nhận trách nhiệm là người mổ chính cho nữ bệnh nhân này. Rồi bẵng đi 15 năm sau, khi BS. Chân đang làm ở Bệnh viện K thì nữ bệnh nhân năm nào đến tìm ông nói lời cảm ơn khiến ông vô cùng xúc động.

Trong vô vàn những trường hợp mổ cho người bệnh, BS. Hoàng Đình Chân nhớ mãi dấu ấn, ông từng mổ cho một bệnh nhân bị áp-xe phổi khá nặng, khi đưa người bệnh đến viện thì gia đình người bệnh này đã đem theo quan tài để sẵn ở nhà xác Bệnh viện Phổi Trung ương, tất cả nghĩ rằng người bệnh ấy không qua khỏi và đã sẵn sàng nhận về kết quả đau đớn nhất là cái chết. Song còn nước còn tát, không chịu đầu hàng trước những khó khăn, BS. Hoàng Đình Chân trấn an tâm lý người nhà bệnh nhân, sau đó bằng kinh nghiệm lâu năm, ông đã đứng ra mổ trực tiếp cho bệnh nhân đó. Ca mổ được khẩn trương tiến hành, thời gian trôi đi trong vô vàn sự kỳ vọng lẫn hy vọng. Và khi mổ xong, BS. Chân đã đưa kết quả cho người thân của bệnh nhân đó. Rất bất ngờ, người bệnh đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Khoảng hai năm sau, vào dịp gần Tết, người bệnh năm nào đã cùng với vợ con đến nhà BS. Hoàng Đình Chân, nói với người thầy thuốc: “Bố là người sinh ra con lần thứ hai, con sống được đến bây giờ cũng nhờ bố”.

Cũng có những bệnh nhân được BS. Chân mổ xong, khi ra viện, họ đến gặp BS. Hoàng Đình Chân chẳng nói gì cả, chỉ chắp tay lạy, điều đó “khiến tôi rất bất ngờ, cảm xúc vui sướng vì đã giúp người bệnh có được cuộc sống tốt hơn” - BS. Chân nở một nụ cười trên môi, cho biết. Chính những thành công và tình cảm của người bệnh dành cho BS. Chân như vậy nên ông đã theo ngành y suốt từ lúc vào nghề đến tận bây giờ. BS. Chân tự tin nói rằng, trong cuộc đời và hoạt động nghề nghiệp, chưa bao giờ ông để xảy ra sự cố và tai biến cho người bệnh. Nói như đồng nghiệp của ông “Anh hạ cánh rất an toàn” và ông cũng nghĩ rằng bản thân ông không có “tì vết” gì cả.

Góp tiếng nói để khám miễn phí chặn bệnh ung thư

Hiện nay, dù TS.BS. Hoàng Đình Chân đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn đang làm Giám đốc chuyên môn tại Bệnh viện tư nhân Ung bướu Hưng Việt. Là một bác sĩ nặng lòng với nghề, với người bệnh ung thư, BS. Chân luôn suy nghĩ làm cách nào để phát hiện và chữa trị cho người bệnh một cách sớm, tốt nhất có thể. Từ suy nghĩ ấy, BS. Chân đã đề xuất với Ban lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cần có những hoạt động trọng điểm nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư.

Để rồi từ lời nói đến hành động, năm 2012, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt đã phối hợp với quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng tổ chức chương trình khám sức khỏe miễn phí cho các gia đình chính sách, thương binh và hộ nghèo. TS.BS. Hoàng Đình Chân cho biết: “Hiện có nhiều người cao tuổi không có bảo hiểm y tế, chính vì vậy, những đợt khám miễn phí này, bên cạnh hộ gia đình chính sách cũng sẽ khám cho cả người nghèo cao tuổi. Các hạng mục khám miễn phí gồm siêu âm, chụp Xquang, điện tâm đồ. Qua khám tổng quát sẽ sàng lọc những bệnh người già hay mắc như tim mạch, đái tháo đường, ung bướu và từ đó sẽ tư vấn phương pháp điều trị”.

TS.BS. Hoàng Đình Chân vẫn lặng lẽ như thế trong những công việc đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Và cuộc sống này luôn cần lắm những người thầy thuốc như ông.

TS.BS. Hoàng Ðình Chân sinh năm 1950, quê Nghệ An. Ông được công nhận TTƯT năm 2005. Hiện nay, TS.BS. Hoàng Ðình Chân vẫn tham gia thỉnh giảng tại Trường đại học Y,  đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa 1 và 2. Ông từng là bác sĩ phẫu thuật Bệnh viện Phổi Trung ương; nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện K Trung ương; Thực tập sinh Khoa Phẫu thuật lồng ngực Viện Berlin - Buch (CHDC Ðức cũ). Ðến nay, BS. Chân đã có một số đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao sau khi công bố: Các nguyên nhân chẩn đoán chậm ung thư phổi - phế quản; Nhân một trường hợp vỡ nhân ung thư nguyên phát trong lồng ngực; Tốc độ lắng máu trong các bệnh phổi (ung thư, mưng mủ phế quản, phổi và lao phổi);...

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh - Trần Hòa

 

 

 

 


Ý kiến của bạn